Thống kê "khủng khiếp" từ một Cảng biển
Theo TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, để cảnh báo về môi trường biển, ngành chức năng tỉnh này vừa có cuộc điều tra về lượng rác thải từ các tàu cá xả ra đại dương trong mỗi chuyến biển và lượng rác thải tại cảng cá sau mỗi chuyến biển, cuộc điều tra đã cho thấy con số rác thải rất “khủng khiếp”.
Phạm vi điều tra được “khung” tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Đã có những cuộc phỏng vấn trực tiếp từ các chủ tàu, thuyền trưởng và doanh nghiệp làm dịch vụ cho tàu thuyền tại Cảng cá Quy Nhơn. Trong mỗi chuyến biển, 1 tàu cá phải mang theo bao nhiêu các loại nước uống và thực phẩm sử dụng trong sinh hoạt thuyền viên như: Nước uống đóng chai, nước giải khát, lương thực và thực phẩm; các loại bao bì phục vụ cho chứa đựng và bảo quản sản phẩm thủy sản.
Từ đó biết được nguồn rác thải rắn trong sinh hoạt của các thuyền viên trong chuyến biển trên các tàu cá như: Chai nhựa các loại, lon, bao bì đều được thả xuống biển trong quá trình khai thác tại các ngư trường. Các bao bì bảo quản đá, bảo quản sản phẩm thủy sản khi về tại cảng cá đều không được thu gom mà vứt trên cảng hoặc vứt xuống vùng nước cảng cá.
“Điều tra cho thấy đối với 10 tàu cá khai thác trong 1 chuyến biển đã xả thải ra ngư trường đánh bắt 1 lượng rác thải sinh hoạt của các thuyền viên rất “khủng khiếp”, riêng chai nhựa là 138,6kg, lon nhôm là 28,68kg và lượng bì nhựa dùng để đựng, bảo quản sản phẩm thủy sản trên tàu cá là 58,25kg. Từ đó tính ra cho 300 tàu cá cập vào Cảng cá Quy Nhơn mỗi tháng sau, sau 1 chuyến khai thác, 300 tàu cá này đã xả thải ra đại dương lượng rác thải nhựa là 4,158 tấn, lượng nhôm lon 0,86 tấn và khi vào bờ xả ra lượng bì nhựa chứa đựng, bảo quản sản phẩm thủy sản là 1,75 tấn”, TS Trần Văn Vinh cho hay.
Rác thải, “kẻ hủy diệt dấu mặt” của nguồn lợi thủy sản
Điều đáng lo là rác thải nhựa sau khi được ngư dân thải ra biển sẽ rất khó phân hủy, chúng cứ lênh đênh trên biển từ năm này sang năm khác, tạo áp lực lớn cho môi trường biển. Nhất là những vỏ chai nhựa, khi chúng nổi lềnh bềnh trên mặt nước lâu ngày sẽ bị ánh sáng mặt trời làm nóng, chai nhựa sẽ bị vỡ ra nhưng không phân hủy, mà biến thành những phân tử nhựa trôi lẫn trong sóng biển. Các loài cá biển thấy những phân tử nhựa này ngỡ là thức ăn và chúng sẽ “chè chén” những phân tử nhựa mỗi ngày. Những phân tử nhựa này vào bụng cá cũng sẽ không phân hủy, và ắt nhiên sẽ gây hại cho sức khỏe của cá, lâu ngày sẽ khiến cá tử vong.
“Cá, rùa biển cũng thường ăn phải những bì nhựa do ngư dân thải ra trôi lềnh bềnh trên biển, bao bì nhựa nằm trong bao tử cá sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng. Nhiều con cá đánh bắt được mổ bụng ra thấy toàn là bì nhựa. Với lượng rác thải khủng khiếp mà các tàu cá trút xuống đại dương trông mỗi chuyến biển sẽ hủy hoại không biết bao nhiêu là nguồn lợi thủy sản”, TS Trần Văn Vinh phân tích.
Cũng theo TS Vinh, lượng chất thải rắn trong sinh hoạt của thuyền viên mỗi chuyến biển như chai nhựa, bì nhựa, lon nhôm nếu được các tàu cá thu gom mang vào bờ, sau đó được phân loại và bán cho các cơ sở thu mua phế liệu sẽ cho khoản tiền rất lớn. Chỉ tính bình quân mỗi tháng có 300 tàu cá cập vào Cảng cá Quy Nhơn, trong quá trình đánh bắt, số tàu cá này sẽ thải ra 4,158 tấn gồm chai nhựa, bì nhựa và 0,86 tấn nhôm lon sẽ bán được gần 33,3 triệu đồng, đó là chỉ tính bình quân 8.000đ/kg phế liệu. Đây là nền tảng trong kinh tế tuần hoàn, đồng thời góp phần làm giảm bớt áp lực về môi trường mà đại dương phải gánh chịu bởi rác thải nhựa.
Tại Cảng cá Quy Nhơn, mỗi ngày cũng có lượng rác thải nhựa từ 15-20kg. Nếu lượng rác thải nhựa này được thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế cùng với cơ chế thu gom rác thải nhựa trên các tàu cá khi cập cảng sẽ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho công nhân vệ sinh cảng, cho các lao động tự do thu gom rác thải tại cảng, góp phần tạo ra diện mạo mới cho “cảng cá xanh” tại thành phố Quy Nhơn.
“Đã đến lúc ngư dân phải ý thức là nếu môi trường biển bị ô nhiễm thì nguồn lợi thủy sản sẽ giảm dần, thậm chí khi quốc tế tiến tới không thu mua thủy sản đánh bắt tại những vùng biển bị ô nhiễm thì khi ấy ngư dân mới thấy thiệt hại thuộc về phần mình. Trong thời gian tới, ngành chức năng cần xây dựng và ban hành quy định về quản lý thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên các tàu cá và tại các cảng cá. Xây dựng quy trình kiểm soát, xử lý chất thải nhựa trên các tàu cá tại các cảng cá. Tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tàu cá không tuân thủ theo quy định về quản lý rác thải nhựa trên tàu thuyền khi ra vào cảng cá và xây dựng mô hình thí điểm thu gom rác thải nhựa từ tàu cá đưa vào tại nơi thu gom của cảng cá theo mô hình thúc đẩy kinh tế tuần hoàn”, TS Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, đề xuất.