| Hotline: 0983.970.780

Tiêu thụ trái cây cuối năm: Có thể ách tắc ở thị trường Trung Quốc

Thứ Bảy 04/12/2021 , 08:11 (GMT+7)

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cảnh báo khi kết luận diễn đàn trực tuyến 'Kết nối, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái'.

Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 14 với chủ đề 'Kết nối cung cầu cây ăn trái'.

Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 14 với chủ đề "Kết nối cung cầu cây ăn trái".

Nhằm kết nối, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái cho các HTX, trang trại nông nghiệp và nông dân, ngày 4/12, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức Diễn đàn trực tuyến với chủ đề "Kết nối cung cầu cây ăn trái".

Chương trình được chủ trì bởi lãnh đạo Bộ NN-PTNT và có sự tham gia của các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT; Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp, HTX, người sản xuất, nhà phân phối...

Dự kiến Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 14 sẽ diễn ra từ 8h30 tại 2 điểm cầu chính tại Báo Nông nghiệp Việt Nam (số 14 Ngô Quyền, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Cơ quan Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam (số 135 Pasteur, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. HCM).

Tất cảTổng thuật

11h30

Có thể ách tắc ở thị trường Trung Quốc

Nhập chú thích ảnh

Dây chuyền chế biến thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (Ảnh minh họa).

“Tính đến cuối năm, sản lượng trái cây có thể là 700.000 tấn. Nếu tính đến tết thì là hơn 1,7 triệu tấn. Đây là con số cần phải tính toán để tiêu thụ. Tôi xin nêu vấn đề là có thể ách tắc đôi chút ở thị trường Trung Quốc do hàng rào kỹ thuật, thuế quan... ngoài Covid hay vật tư đầu vào tăng cao”, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết.

Ông Tùng cho rằng cần sản xuất theo tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, mở ra chuỗi cửa hàng, đồng hành với hợp tác xã, bà con nông dân trong tiêu thụ trái cây. Mặt khác, Sở NN-PTNT và Chi cục Bảo vệ thực vật cũng có vai trò quan trọng trong tư vấn, định hướng cho nông dân.

Tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong Diễn đàn, lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết giải quyết vấn đề nêu ra trong diễn đàn không chỉ là đơn lẻ, mà còn là góp phần vào chiến lược phát triển. “Ý kiến của ‘những đàn chim sẻ’ tham gia trực tiếp và sản xuất, kết nối tiêu thụ, các doanh nghiệp xuất khẩu là rất quan trọng”, ông Tùng nhấn mạnh.

Vấn đề khác được ông Tùng nêu ra là truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng. Các cơ quan chuyên môn, các cơ quan quản lý ở địa phương cần đồng hành, sát cánh hơn nữa với doanh nghiệp, với nông dân.

“Đây là trách nhiệm chính của các cơ quan quản lý như Sở NN-PTNT, không phải trách nhiệm của doanh nghiệp. Đây còn là việc xây dựng vùng nguyên liệu, tìm ra vùng đặc thù, điểm đặc biệt để kêu gọi doanh nghiệp tham gia tiêu thụ”, ông Tùng cho biết.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết nếu người dân chưa tỉa cành, tạo tán, bao trái được, thì đây là trách nhiệm của cơ quan chuyên môn địa phương. Đề nghị Viện Cây ăn quả có nghiên cứu, đề xuất mạnh mẽ hơn để Cục ra văn bản mang tính quy chuẩn.

Cụ thể hơn, Cục phó Cục Trồng trọt đặt vấn đề cần một "người thầy" cho xuất khẩu, cần "người thầy" cho tiêu thụ nông sản nội địa. “Có đầy đủ các chứng nhận, song làm thế nào để nông sản tiêu thụ tốt. Diễn đàn hôm nay chưa thể giải quyết hết các thắc mắc, song nó gợi mở ra nhiều vấn đề cho các Sở, các cơ quan chuyên môn của Bộ. Bản thân Cục Trồng trọt cũng tự nhận thấy trách nhiệm của mình”, ông Tùng bày tỏ.

Tiếp thu những ý kiến tại chương trình, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối Nông sản 970, nhận định phiên thứ 14 của Diễn đàn Kết nối nông sản 970 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp sôi nổi cũng như nhiều trăn trở để góp phần xây dựng những chính sách, tạo liên kết kết nối để nâng cao giá trị cho ngành rau quả.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch cũng thông tin, phiên thứ 15 tới đây sẽ là Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh Long An.

11h20

Sản xuất theo tiêu chuẩn LocalGAP: Giảm 1/3 thời gian, chi phí so với GlobalGAP

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Vũ Kim Hạnh (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, bày tỏ sự lo ngại khi thời gian tới, Trung Quốc, sẽ dừng nhập khẩu sản phẩm cây ăn quả đúng vào dịp mùa vụ thu hoạch trái cây rộ nhất tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, chính vì Trung Quốc là thị trường nhập khẩu trái cây quan trọng bậc nhất của Việt Nam, bà Hạnh cũng cho rằng cần sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn mà thị trường Trung Quốc yêu cầu, trong đó có GlobalGAP.

“Hiện Việt Nam đang có một tiêu chuẩn trung chuyển giữa VietGAP và GlobalGAP. Đó là LocalGAP. Tiêu chuẩn LocalGAP thể hiện được hầu hết những đặc điểm của tiêu chuẩn GlobalGAP tuy nhiên chi phí cũng như thời gian thực hiện lại thấp hơn 1/3”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thông tin.

Bà Vũ Kim Hạnh cũng cho biết, đến nay đã có 170 doanh nghiệp, trong đó có 120 doanh nghiệp nông sản được trao chứng nhận LocalGAP. Các địa phương Bến Tre, Lâm Đồng, Nghệ An cũng đã kí hợp đồng để Hiệp hội tư vấn về tiêu chuẩn LocalGAP tới các HTX trái cây của tỉnh.

“Chúng tôi cũng đang xây dựng những chương trình tư vấn cho các HTX về LocalGAP với mức phí thấp, thậm chí là miễn phí cho các hộ kinh doanh khó khăn. Mục tiêu của Hiệp hội là tạo dựng một ‘chìa khóa’, một ‘tấm giấy thông hành’ để trái cây Việt Nam bước những bước chân vững chắc ra thị trường xuất khẩu quốc tế với tiêu chuẩn LocalGAP”, đại biểu chia sẻ mong muốn tại Diễn đàn.

Bên cạnh đó, bà Vũ Kim Hạnh cho biết, các cơ quan, doanh nghiệp, HTX, người dân có thể truy cập vào Báo Nông nghiệp Việt Nam (nongnghiep.vn) để tìm hiểu thêm thông tin về tiêu chuẩn LocalGAP trong tuần tới.

11h10

Mong muốn kết nối, rộng cửa chào đón doanh nghiệp

Trung tâm kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp An Giang chia sẻ: An Giang đang thực hiện tốt việc xây dựng vùng trồng theo các yêu cầu xuất khẩu và mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 13.000 ha cây ăn quả, 5.000 ha vùng sản xuất xoài tập trung… Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ hoạt động diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản nên người dân đã tiếp cận dược nhiều thông tin, những khó khăn đã cơ bản được tháo gỡ.

Cũng theo vị đại diện An Giang, hiện tại trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, các cơ quan quản lý cần xác định lại các doanh nghiệp kinh doanh phân bón hữu cơ chất lượng trong nước để người dân đưa vào sử dụng, sẽ giúp giảm được giá thành sản xuất.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp An Giang luôn sẵn sàng và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, các doanh nghiệp có nhu cầu kết nối, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn tỉnh có thể liên hệ trực tiếp với các cơ quan quản lý ngành nông nghiệp, địa phương để được cung cấp thông tin và hỗ trợ chính sách.

11h00

Năm 2022, Trung Quốc có thể sẽ xem xét nhập khẩu chanh leo Việt Nam

“Nếu không do Covid, phía Trung Quốc đã sang phối hợp kiểm tra về vùng trồng khoai lang và sầu riêng. Dự kiến cuối năm nay hoặc sang năm 2022, Trung Quốc sẽ áp dụng phương pháp kiểm tra trực tuyến với ba loại nông sản nêu trên. Năm 2022, Trung Quốc cũng có thể sẽ xem xét nhập khẩu chanh leo Việt Nam”, ông Lê Văn Thiệt, Cục phó Cục Bảo vệ Thực vật, cho biết.

Cũng liên quan đến xuất khẩu, ông Thiệt nói Cục Bảo vệ Thực vật đã tập huấn cho cán bộ một số tỉnh, sắp tới sẽ triển khai rộng trên toàn quốc. Đề nghị các địa phương gửi hồ sơ để Cục sắp xếp cán bộ tập huấn.

“Muốn xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, New Zealand hay sang thị trường Trung Quốc đều cần mã số vùng trồng, đóng gói. Hai tiêu chuẩn 774 và 775 được áp dụng để kiểm soát mã số vùng trồng và đóng gói, chúng tôi đã cung cấp đến 63 tỉnh thành. Các thị trường hiện không cần đơn vị sản xuất áp dụng VietGAP, GlobalGAP mà yêu cầu kiểm soát mã số, và khi đóng gói xuất khẩu thì không có tồn dư những loại thuốc bảo vệ thực vật không được phép, hoặc vượt quá hạn định”.

Cục Bảo vệ Thực vật cho biết hiện có 10 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, hoàn toàn không phải tiểu ngạch như trên một số phương tiện truyền thông. Sắp tới, Cục sẽ đàm phán về xuất khẩu khoai lang, bưởi, sầu riêng.

Đại diện Cục Bảo vệ Thực vật cho biết đang phối hợp với nhiều đơn vị để kiểm tra độ phủ của thuốc dạng bột, dạng nước, dạng hạt, trên hoa trái, áp dụng phương pháp dùng máy bay không người lái.

10h55

Giải quyết tận gốc vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Bà Trần Thị Bích Trân, đại diện chuỗi Trái cây Trân chia sẻ: Hiện nay, để công tác sản xuất, hợp tác tiêu thụ trái cây cần phải giải quyết được 3 vấn đề: Chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm; bao trái đối với đối tượng cần thiết; xây dựng được "người thầy" cho xuất khẩu.

Đối với chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm, theo bà Trân, thực tế hiện nay, các siêu thị ngày càng gia tăng thay thế chợ truyền thống. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp người tiêu dùng không được mua sản phẩm với “giá thật” trong siêu thị vẫn đang diễn ra. Có vấn đề này là do một số siêu thị có nhiều nhà cung cấp, đã đưa ra mã hàng cho các đơn vị đấu giá, đơn vị nào đưa ra giá cao sẽ có được đơn hàng.

Điều này, đã tạo cơ hội cho nhiều đơn vị không có năng lực, chứng nhận thực sự chen chân, nhập nhiều sản phẩm không chất lượng về dán tem nhãn đưa vào tiêu thụ, khiến các nhà doanh nghiệp có nhu cầu có sản phẩm chất lượng thực sự không thể đưa sản phẩm đến người tiêu dùng (làm thật chi phí sẽ cao, khó cạnh tranh) và người tiêu dùng mất đi cơ hội tiếp cận với những sản phẩm chất lượng.

Chính vì vậy, nếu có chứng nhận và tem truy xuất, khách hàng có thể kiểm tra được sản phẩm chất lượng. Các doanh nghiệp uy tín sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.

Bà Trân bày tỏ mong muốn, cơ quan quản lý các địa phương hỗ trợ các nhà vườn vấn thực hiện việc cấp tem truy xuất nguồn gốc, sẽ thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ, giảm được các rủi ro trong sản xuất cây ăn quả.

Bên cạnh đó, bà Trân cũng đề xuất cơ quan quản lý thắt chặt việc quản lý công tác cây giống đầu vào, khuyến khích trồng theo cơ cấu.

Về vấn đề bao trái, hiện nay chưa có một loại bao trái tối ưu, vì vậy đã đẩy giá thành sản xuất, thu hoạch lên cao, điều này ảnh hương đến giá thành sản phẩm trái cây cao hơn 20-30% so với thông thường.

Về vấn đề "người thầy" xuất khẩu, hiện tại các vấn đề về vốn, đầu tư cơ sở vật chất, pháp lý đều khiến doanh nghiệp tốn nhiều chi phí, đã làm nhiều doanh nghiệp quá sức. Vì vậy, bà Trân bày tỏ mong muốn, để tháo gỡ việc này cần giải quyết tận gốc vấn đề truy suất nguồn gốc, mã số vùng trồng.

Các cơ quan quản lý cần có hướng dẫn ngay từ ban đầu về cơ sở vật chất, quy đinh, yêu cầu kỹ thuật, cách tiếp cận thị trường, pháp lý… cho doanh nghiệp, người sản xuất.

Bên cạnh đó, cần đưa ra những đánh giá chính xác về năng lực của từng doanh nghiệp, để các doanh nghiệp không ảo tưởng về năng lực của mình, giúp công tác liên kết tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn.

10h50

Việc định hướng sản xuất phải có sự tham gia của các địa phương

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Ngô Tường Vy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chánh Thu cho rằng, khi chất lượng sản phẩm rau quả của Việt Nam được nâng cao thì việc liên kết, tiêu thụ của các doanh nghiệp như Chánh Thu sẽ giảm được nhiều rủi ro khi bước ra thị trường thế giới.

Với Trung Quốc nói riêng, bà Vy nhận định thị trường này đang thay đổi rất nhiều về vấn đề nhập khẩu và có thể nói đây là bước đệm khiến cả ngành nông nghiệp, các địa phương và các doanh nghiệp cùng thay đổi tư duy trong sản xuất và kinh doanh nông sản.

Tuy nhiên, trong thời gian Công ty Chánh Thu làm mã số vùng trồng cho quả sầu riêng vừa qua thì nhiều địa phương tỏ ra thờ ơ, mặc kệ người nông dân làm việc với doanh nghiệp. Bà Ngô Tường Vy cho rằng đây là quan điểm sai lầm, cần thay đổi từ các địa phương.

“Doanh nghiệp có thể kết nối, thu mua, tiêu thụ nhưng việc định hướng sản xuất phải có sự tham gia của các địa phương. Nếu thay đổi được điều này thì xuất khẩu mới có thể khởi sắc hơn trong thời gian tới”, bà Ngô Tường Vy phân tích.

Đại diện Công ty Chánh Thu cũng bày tỏ mong muốn các địa phương hiểu và thông cảm được những khó khăn hiện nay với doanh nghiệp.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ liên kết với các đầu mối để có thể thu mua được các sản phẩm đồng đều, ổn định về cả chất lượng và sản lượng”, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chánh Thu cho biết và kiến nghị cần xây dựng thêm bộ tiêu chuẩn chất lượng để rau quả Việt Nam có thể tiếp cận được nhiều thị trường hơn nữa.

10h40

Nguy cơ khó xuất khẩu rau quả đi Trung Quốc trong Tết Nguyên đán

vai xk

Chế biến vải trước khi xuất sang thị trường Trung Quốc (Ảnh minh họa).

Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, các khó khăn mà ngành rau quả đang phải đối mặt là dịch Covid-19, khiến quá trình xuất khẩu bị ách tắc, tăng trưởng chững lại so với trước đây. Cụ thể, các doanh nghiệp gặp khó khăn khi thuê tàu, thuê container… gây ra tình trạng ứ đọng rau quả do vấn đề thu mua bị khó.

“Theo thông tin của chúng tôi, Trung Quốc dự định sẽ ngừng nhập khẩu ít nhất 6 tuần trong dịp Tết Nguyên đán, điều này có thể làm gia tăng tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Đặng Phúc Nguyên thông tin và bày tỏ mong muốn đẩy mạnh tỷ lệ tiêu thụ nội địa trong thời gian tới.

Thêm khó khăn nữa mà ông Nguyên đưa ra là do chưa thể chế biến sâu nên rau quả Việt Nam khó có thể phục vụ các thị trường có khoảng cách địa lý lớn bằng những hình thức vận chuyển giá rẻ. Tuy nhiên, ngành kinh doanh rau củ của Việt Nam cũng có những thuận lợi nhất định như có vị trí địa lý thuận lợi cho xuất khẩu đi Trung Quốc và nước này cũng đang có chủ trương tăng cường sản lượng tiêu thụ rau quả của khu vực ASEAN từ 2-3 lần trong vài năm tới.

Ngoài ra, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam kiến nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền để sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP, liên kết hợp tác xã để nâng cao hiệu quả sản xuất cùng với đó là đàm phán để mở rộng danh sách các mặt hàng nhập khẩu vào Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…

Ông Đặng Phúc Nguyên cũng đề xuất các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT nghiên cứu, chuyển giao thêm các loại giống cây ăn quả mới có chất lượng cao, dễ canh tác… Bên cạnh đó, để hạn chế việc sử dụng các vật tư có nguồn gốc vô cơ, ông Nguyên cho rằng có thể tăng thuế của nhóm hàng này, dùng tiền đó để hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất hữu cơ để giảm giá thành cho các sản phẩm hữu cơ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

10h30

Tự tin cạnh tranh trên trường quốc tế nếu có quy trình sản xuất đồng nhất

Người nông dân cần thống nhất quy trình sản xuất.

Người nông dân cần thống nhất quy trình sản xuất để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế (Ảnh minh họa).

“Doanh nghiệp chúng tôi đã và đang có kế hoạch bao tiêu hàng ngàn ha cây ăn quả trên toàn quốc, đã từng tiếp xúc rất nhiều với người nông dân tại nhiều khu vực. Nếu coi những khó khăn, trở ngại mà ngành cây ăn quả là một tảng băng thì mấu chốt vấn đề, phần chìm của tảng băng nằm ở vị trí người nông dân và các HTX”, đại diện Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên thẳng thắn chia sẻ tại Diễn đàn.

Theo kinh nghiệm xuất khẩu trái cây của doanh nghiệp, nếu các đơn vị muốn xuất khẩu trái cây số lượng lớn ra thị trường quốc tế, các sản phẩm nông sản cần được sản xuất theo một quy trình đồng nhất.

Yếu tố tiên quyết mà các thị trường yêu cầu là mã số vùng trồng. Đại diện Công ty Đại Thuận Thiên nêu vấn đề, hiện nay người dân cũng như các HTX đang gặp khó khăn trong việc sản xuất một quy trình đồng nhất, các xã viên chưa có liên kết với nhau. Trong khi các doanh nghiệp rất cần những quy mô vùng sản xuất lớn với một quy trình được thống nhất. Đã có trường hợp doanh nghiệp đã có cam kết với người dân nhưng khi sản phẩm xuất khẩu sang các nước vẫn bị kiểm tra quy trình sản xuất.

“Sản phẩm bưởi da xanh của Trung Quốc có chất lượng tốt, xuất khẩu đi châu Âu 10 triệu tấn/năm. Nếu người dân và các HTX thực hiện đúng việc đồng nhất quy trình sản xuất, chúng tôi hoàn toàn tự tin có thể cạnh tranh được những sản phẩm trái cây chất lượng đó tại các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản hay Hoa Kỳ”, đại diện doanh nghiệp khẳng định.

Theo đó, đại diện Công ty Đại Thuận Thiên đề xuất các cơ quan chuyên môn từ Trung ương đến các địa phương cần hướng dẫn, tạo điều kiện để hỗ trợ người dân, HTX thống nhất quy trình sản xuất. Ngoài ra, các HTX cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tới thu mua hơn là cứ tự sản xuất xong tự đi bán.

10h00

Áp dụng công nghệ giúp giảm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả

z2991628235266_0c842ac5e3a11910e6f05a33b0ce2e80

Áp dụng máy bay không người lái (drone) để gieo hạt giúp giảm mạnh chi phí cho nông dân vùng ĐBSCL (Ảnh minh họa).

Đại diện Công ty CP Đại Thành chia sẻ tại Diễn đàn việc công ty áp dụng nhiều biện pháp giúp nâng cao giá trị ngành hàng rau quả. Có thể kể đến như Giảm tỷ lệ lao động con người, tăng tỷ lệ máy móc tham gia vào các khâu: cây, con, giống; Kiểm soát toàn bộ các khâu để tiện cho truy xuất nguồn gốc.

"Hiện Công ty áp dụng máy bay không người lái (drone) để gieo hạt, giảm mạnh chi phí cho nông dân vùng ĐBSCL. Việc này giúp giảm giá thành", vị đại diện cho biết.

Ngoài ra, cũng theo đại diện công ty, máy bay viễn thám thu thập dữ liệu sâu bệnh, cỏ dại, dự báo năng suất, giúp nông dân không bị động trong tiêu thụ. Phương tiện này đã áp dụng hiệu quả tại Bắc Giang, trong việc dự báo 250.000 tấn vải được thu hoạch đúng dịp. Thiết bị giám sát côn trùng, đo độ PH, giúp nông dân chủ động trong trị sâu bệnh.

Các loại máy này được kết nối thông qua hệ thống DtsmartAG, kết nối được cả với smartphone, giúp nông dân ít phải ghi chép mà vẫn kiểm soát được toàn bộ quá trình, bao gồm cả hàm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Khách hàng không nhất thiết phải áp dụng toàn bộ, mà có thể chỉ cần một trong các khâu, ví dụ như thuê drone gieo hạt.

“Cạnh tranh thông qua chất lượng, năng suất tăng, trong khi giá bán không tăng do giảm chi phí đầu vào. Tôi nghĩ đây là cách cạnh tranh hiệu quả, không tốn kém tiền thuê lao động thủ công”, đại diện công ty cho biết.

Điều duy nhất cần suy nghĩ, theo đại diện Công ty CP Đại Thành, đó là các máy móc chỉ phù hợp với diện tích canh tác lớn. Do đó, các hộ có thể liên kết cùng thuê để giảm chi phí mà vẫn đạt được hiệu quả.

“Người mua nông sản theo dõi được hàng ngày, biết được nguồn gốc rõ ràng, đây là khâu quan trọng để tiếp cận khách hàng. Chúng tôi đang triển khai mạnh ở ĐBSCL và nhận được sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn”.

9h50

Đồng Tháp: Để cả thế giới biết đến quả xoài Việt Nam

z2991582818973_5ccca04f535f2a3dccf033a563380b4b

Đồng Tháp mong muốn cả thế giới biết đến quả xoài Việt Nam. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay thị trường về cây ăn quả trên toàn thế giới đang được mở rộng, nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng ngày càng cao. Do vậy giá trị thương mại của cây ăn quả rất cao, khoảng 200 tỷ USD/năm.

“Trong đó, quả xoài chiếm khoảng 12,3 tỷ USD, sầu riêng chiếm 50 tỷ USD. Đây là cơ hội lớn để các vùng, địa phương có lợi thế phát triển cây ăn quả của Việt Nam cũng như của ĐBSCL trong thời gian tới”, ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, nhận định.

Ông Lê Quốc Điền cũng chỉ ra, trong 5 - 10 năm qua, việc phát triển, sản xuất cây ăn quả của Việt Nam đã có sự tăng nhanh và mạnh cả về diện tích lẫn sản lượng, giá trị xuất khẩu. Theo đó, Bộ NN-PTNT đã xây dựng những vùng liên kết, vùng nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL.

Tỉnh Đồng Tháp, với lợi thế diện tích trồng xoài lớn thứ 2 (9.660 ha) và sản lượng đứng đầu tại ĐBSCL (125.000 tấn/năm), đã xây dựng mô hình liên kết để các địa phương khác đẩy mạnh phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu như mục tiêu Nghị quyết 120 của Chính phủ đề ra.

Bên cạnh đó, Đồng Tháp cũng giữ vai trò là vùng trữ lượng nước ngọt lớn cho vùng ĐBSCL, qua đó góp phần phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, ứng phó với xâm nhập mặn.

Cũng tại Diễn đàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp đã chỉ ra những trở ngại, khó khăn trong việc khai thác và mở rộng thị trường cây ăn quả. Đó là việc thiếu liên kết vùng để khai thác 22 chủng loại cây ăn quả theo lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Tiếp theo là việc người nông dân vẫn đang sản xuất nhỏ lẻ, kỹ thuật không đồng nhất nên gặp khó khăn trong liên kết với các doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm cây ăn quả.

Theo đó, ông Lê Quốc Điền đã đưa ra những đề xuất giải pháp nâng cao năng lực sản xuất và tiêu thụ ngành hàng cây ăn quả.

Đầu tiên là cần đẩy mạnh công tác dự báo thị trường và phân khúc dự báo từng dòng sản phẩm cây ăn quả. Thứ hai là cần nâng cao chuỗi giá trị theo phân khúc thị trường với từng chủng loại cây ăn quả. Đặc biệt cần kết nối các HTX với các doanh nghiệp.

“Thứ ba, cần xây dựng thương hiệu để người tiêu dùng nhận diện được chất lượng của các loại cây ăn trái. Đồng Tháp mong muốn sản phẩm xoài được nhận diện trên toàn thế giới”, đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp nêu ý kiến. "Thứ tư, Cục Trồng trọt và các địa phương cần quy hoạch lại từng chủng loại cây ăn quả theo nhu cầu thị trường; nâng cấp chuỗi sản phẩm cây ăn quả theo nhu cầu thị trường".

9h40

Gia Lai đẩy mạnh liên kết sản xuất trái cây

unnamed

Phân xưởng phân loại chanh dây tại Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai. Ảnh: TTXVN.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết: Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên, hoạt động sản xuất tiêu thụ nông sản cả nước nói chung và Gia Lai nói riêng vẫn đạt được những kết quả rất khả quan. Đây là động lực để các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất trong thời điểm cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Theo đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT Gia Lai, diện tích cây ăn quả của tỉnh là 21.500 ha, trong đó, chanh leo 6.000 ha, chuối 4.500 ha…

Về tiêu thụ, thời gian qua, trái cây Gia Lai tiêu thụ khá tốt (chỉ có bơ, sầu riêng bị ảnh hưởng nhưng không đáng kể), giá bán cũng ở mức tương đối cao. Trái cây của Gia Lai chủ yếu xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, chiếm khoảng 60-80% tổng sản lượng, ngoài ra còn xuất khẩu đi một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc,…

Về liên kết sản xuất, Gia Lai đang thực hiện rất tốt việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, ví dụ: Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã liên kết với 5 HTX, 1.075 hộ sản xuất tham gia, với diện tích 3.700 ha. Với công suất tiêu thụ 55.000 tấn/năm đã giúp cho sản phẩm chanh leo của tỉnh không bị ách tắc, giá bán cao. Đối với bơ, Gia Lai phấn đấu nâng diện tích liên kết sản xuất lên 1.200 ha trong thời gian tới.

Cũng theo vị đại diện Sở NN-PTNT Gia Lai, hiện nay các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới các HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất... các tiêu chuẩn, yêu cầu phía nhập khẩu để kịp thời định hướng sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tuy nhiên, một bộ phận hộ sản xuất cây ăn trái nhỏ lẻ, chưa thực hiện tốt việc liên kết, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, nên công tác tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Đây là vấn đề mà tỉnh Gia Lai sẽ tập trung tháo gỡ, đảm bảo sản xuất, tiêu thụ đồng bộ, thuận lợi trong thời gian tới.

9h25

2 khía cạnh phản ánh chất lượng của trái cây tươi

Nhập chú thích ảnh

 Chế biến trái cây xuất khẩu cần đảm bảo nhiều yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe (Ảnh minh họa).

“Thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều nước đưa ra hàng rào phi thuế quan, nghĩa là yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe”, Tiến sỹ Đoàn Hữu Tiến, đại diện Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết trong phần mở đầu tham luận.

Có nhiều khái niệm về chất lượng sản phẩm. Đối với trái cây tươi, chất lượng được phản ánh ở 2 khía cạnh là “ngon” và “lành”.

Trái cây được xem là ngon khi nó hội đủ các yếu tố: Có những đặc điểm tốt (tươi, nguyên, không hoặc ít tỳ vết tồn dư của sâu bệnh hại, vết trầy xước do cơ giới …); đúng giống, trong cùng một lô hàng trái phải đồng đều về kích cỡ và ngoại hình và cùng một giống; thịt trái/cơm trái có hàm lượng dinh dưỡng cao, có thành phần dinh dưỡng phong phú; có độ brix phù hợp cho từng đối tượng người tiêu dùng.

Trái “lành” muốn nói trái cây phải đảm bảo an toàn thực phẩm; tùy thuộc vào từng thị trường khác nhau mà tiêu chí an toàn thực phẩm khác nhau, nhưng xu hướng chung là các hóa chất có hại tồn dư trong trái phải giảm, có những chất bắt buộc phải bằng hoặc gần zero.

Ông Tiến cho biết một số nông trại hay doanh nghiệp mới làm nông nghiệp, do thiếu kinh nghiệm và không tìm hiểu kỹ, dẫn đến chọn sai giống cây cho vùng trồng. Ví dụ, cây sầu riêng rất mẫn cảm với mặn thì không nên trồng tại các tiểu vùng chịu ảnh hưởng của mặn, trái sẽ bị nhỏ, cơm trái bị chai sượng. Cây ăn quả trồng ở vùng khô hạn, thiếu nước tưới, chất lượng trái giảm so với trồng ở điều kiện đủ nước tưới và chất lượng nước tốt.

sau rieng

Cây sầu riêng rất mẫn cảm với mặn, do đó không nên trồng tại các tiểu vùng chịu ảnh hưởng của mặn (Ảnh minh họa).

Đại diện Viện Cây ăn quả miền Nam đề nghị các đơn vị cung cấp giống nên ghi rõ các yếu tố liên quan cây trồng, vùng trồng.

Mặt khác, tình trạng phân giả, thuốc BVTV kém chất lượng hoặc không còn phù hợp cho sản xuất cây ăn quả theo hướng an toàn thực phẩm đã và đang ảnh hưởng xấu đến năng suất và chất lượng cũng như an toàn thực phẩm đối với cây ăn trái, do vậy cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các loại phân bón, thuốc BVTV, bao trái … của các cơ sở sản xuất kinh doanh các loại vật tư này.

Theo tìm hiểu của Viện Cây ăn quả miền Nam, đại bộ phận diện tích trồng cây ăn quả ở ĐBSCL chưa thực hiện các biện pháp quản lý dinh dưỡng cho cây. Nhà vườn không biết được nhu cầu chính xác của cây về các loại đa, trung và vi lượng cho cây theo từng loại cây ăn quả và điều kiện đất đai của từng vườn. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hoặc bón thừa dinh dưỡng cho cây, hậu quả là chất lượng trái cây cũng giảm theo.

“Cần áp dụng các biện pháp quản lý dinh dưỡng cho cây ăn quả, nhận diện nhu cầu dinh dưỡng và tình trạng dinh dưỡng của cây ăn quả theo từng giai đoạn sinh trưởng và mang trái của cây để xác định loại phân bón và lượng phân bón phù hợp”, ông Tiến nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này lo ngại đây là việc không dễ thực hiện vì hiện tại công nghệ quản lý dinh dưỡng cho cây ăn quả vẫn còn là điều mới mẻ với người trồng cây ăn quả, mặt khác chi phí tốn kém.

Vấn đề khác được nhắc tới là nạn ruồi đục quả đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng trái cây. Ông Tiến đề nghị cần đẩy mạnh tốc độ nghiên cứu cách trị nạn ruồi đục quả.

Để hiện thực hóa chuỗi giá trị trong nông nghiệp, việc thu hoạch cũng rất quan trọng. Ông Tiến cho biết trong thực tế, nhiều trường hợp trái cây thu hoạch để chất đống dưới đất, chứa đựng trong các sọt, cần xé… với khối lượng lớn (50-70 kg), nhưng để ngoài trời nắng, hoặc thu hoạch xong gặp trời mưa,… do đó trái cây dễ bị nhiệt làm héo và hư hỏng, làm giảm chất lượng trái.

ĐBSCL là vùng trồng cây ăn quả chủ lực của Việt Nam, đến năn 2020 đã có 37,7 ngàn ha, chiếm 33,3% diện tích cây ăn quả của cả nước. Sản xuất cây ăn quả ở ĐBSCL không chỉ phục vụ cho tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trong nước, nhất là các thị trường lớn như Hà Nội, TP. HCM … mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Trong bối cảnh thị trường trái cây thế giới ngày càng cạnh tranh gay gắt giữa các nhà xuất khẩu, việc nghiên cứu và đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng trái cây của Việt Nam nói chung và của ĐBSCL nói riêng là việc làm cần thiết.

"Nâng cao chất lượng trái cây là một quá trình không đơn giản, luôn đi cùng với các giai đoạn từ lựa chọn vùng trồng, cung ứng ứng đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, bảo quản và thương mại trong chuỗi cung ứng từ người trồng đến những người bán lẻ", ông Tiến nhấn mạnh.

9h15

Tiêu thụ nông sản ở Vĩnh Long đang rất khó khăn

khoai lang

Tiêu thụ nông sản của Vĩnh Long đang gặp khó (Ảnh minh họa).

“Tiêu thụ nông sản của tỉnh đang gặp khó khăn, tỉnh đang phải huy động nhiều kênh từ quen biết đến thương mại điện tử. Tôi đã liên hệ một doanh nghiệp ở Cao Lãnh, ký hợp đồng mua 1.000 tấn khoai lang, nhưng kết quả chỉ mua được 300 tấn”, ông Văn Hữu Huệ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long, cho biết.

Ông Huệ nói bản thân lãnh đạo Sở và các cán bộ phải thông qua các kênh như Tổ Công tác 970, Mặt trận Tổ quốc của một số tỉnh, cũng tiêu thụ được thêm một số nông sản song vẫn không giải quyết được vấn đề.

Theo Sở NN-PTNT Vĩnh Long, khó khăn về đầu ra, cạnh tranh quyết liệt khiến một số đơn vị thu mua chỉ đến 1-2 lần rồi không quay lại. Doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đầu tư rất nhiều, song bán không được. Việc kết nối để hình thành hợp tác xã còn yếu, nguyên nhân cũng do đầu ra kém, nông dân không hào hứng tham gia.

“Nguồn vốn hỗ trợ còn ít, ví dụ như năm ngoái chúng tôi được phê duyệt hỗ trợ xây 6 nhà kho, nhưng đến nay mới được có 4 kho. Một số ban ngành thậm chí ngó lơ, không quan tâm”, ông Huệ nêu vấn đề. Đại diện Sở NN-PTNT Vĩnh Long mong muốn thông qua diễn đàn, các doanh nghiệp và nông dân có thêm kênh kết nối tiêu thụ.

9h00

Cơ cấu lại theo chuỗi 3 nhóm sản phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế

Theo ông Đinh Viết Tú, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, cả nước đang có trên 7.500 cơ sở chế biến nông sản quy mô công nghiệp có gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ. Trong đó, ngành chế biến rau quả được cho là có trình độ trung bình tiên tiến với tổng điểm 61,5, tập trung tại 5 vùng kinh tế trong điểm: Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và ĐBSCL.

Theo đánh giá của Cục, hiện nay, tổn thất sau thu hoạch nông sản rơi vào khoảng 10-25% và mặt hàng rau quả thường có nguy cơ tổn thất cao, vào khoảng 24,1%.

Để phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành rau quả, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng cần cơ cấu lại sản xuất, chế biến và thị trường nông sản theo chuỗi 3 nhóm sản phẩm: thủy sản, lúa gạo, trái cây, trong đó ưu tiên các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có chất lượng cao.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần xây dựng các phương án để tăng chất lượng, giảm chi phí, tăng cường chế biến sâu và mở rộng thị trường cũng như xây dựng hệ thống cung ứng nông sản theo chuỗi dựa trên nền tảng logistic hiện đại.

“Ngoài ra, chúng ta cũng cần tìm thêm các dư địa mới để nâng cao giá trị và các địa phương nên tạo dựng nền công nghiệp chế biến gắn với sản xuất và thị trường bằng cách xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển công nghiệp hỗ trợ và logistic”, ông Đinh Viết Tú đề xuất thêm.

8h50

Tiêu thụ trái cây phía Nam có thể gặp khó trong quý I năm 2022

Sau phát biểu khai mạc của ông Nguyễn Ngọc Thạch, ông Lê Thanh Tùng (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), trình bày “Báo cáo sản lượng trái cây năm 2021 và dự báo sản lượng quý I năm 2022 các tỉnh phía Nam”.

Theo ông Lê Thanh Tùng, sản lượng cây ăn quả năm 2021 các tỉnh phía Nam hơn 7 triệu tấn (tăng 100.000 tấn so với 2020), tập trung ở những cây ăn quả chủ lực chuối, xoài, mít,… Riêng tháng 12/2021, sản lượng trái cây đạt hơn 700.000 tấn (thanh long có sản lượng cao nhất, đạt 200.000 tấn).

Trong đó, ĐBSCL chiếm 52%, Duyên hải Nam Trung bộ 26%, Tây Nguyên 6%, Đông Nam bộ 16%. Dự báo, trong quý I năm 2022, sản lượng đạt khoảng 1,6 triệu tấn.

Cũng theo ông Tùng, trong quý I năm 2022, công tác tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả của các tỉnh phía Nam có thể gặp phải một số khó khăn. Cụ thể, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến công tác tiêu thụ và xuất khẩu. Yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp kiểm tra dịch bệnh tăng thêm, điều này có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu…

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tăng cao tác động đến chi phí đầu vào của sản xuất… Năng lực chế biến trái cây trong nước còn nhiều hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi, nên khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn thì sẽ gây ra rất nhiều tổn thất.

Trên cơ sở đó, ông Tùng đề nghị các địa phương: Cần nắm chắc sản lượng, chất lượng cây ăn quả trên địa bàn của mình, để có những dự báo dài hơi về tất cả các vấn đề, kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ có phương án kết nối sớm.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh đánh giá cấp mã số vùng trồng, xây dựng kế hoạch tiêu thụ cụ thể, kết nối doanh nghiệp thu mua trái cây; Đẩy mạnh công tác bảo quản, chế biến, số hóa các loại nông sản để xây dựng kế hoạch tiêu thụ dài hơi trong nhiều năm…

8h40

Tìm giải pháp đồng bộ, đột phá, phát triển bền vững ngành hàng rau quả

anh Thach

Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch phát biểu khai mạc Diễn đàn kết nối cung cầu cây ăn trái tại đầu cầu số 14 Ngô Quyền, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổ trưởng Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối Nông sản 970, mong muốn các đại biểu đề xuất nhiều ý kiến đóng góp để đưa ra được các giải pháp đồng bộ, đột phá nhằm phát triển bền vững ngành hàng rau quả.

"Ngành hàng rau quả trong những năm gần đây ngày càng phát triển với công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại; giá trị xuất khẩu ngày càng tăng.

Năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, nhưng giá trị xuất khẩu rau quả 10 tháng 2021 vẫn tăng cao, đạt 2,82 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2020 với thị trường xuất khẩu trên 60 nước và vùng lãnh thổ", ông Nguyễn Ngọc Thạch nêu những thành tựu của ngành rau quả nước nhà.

Về thị trường tiêu thụ, chỉ tính riêng quy mô trong nước với dân số hơn 90 triệu người và trên 15 triệu khách du lịch mỗi năm cũng tạo ra sức tiêu thụ rau quả rất lớn và đã hình thành các chuỗi kết nối sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đặc biệt qua các hệ thống bán lẻ, phân phối lớn như Vinmart, Sài Gòn Co.op, Central Retail, Mega Market...

"Tôi mong rằng Diễn đàn sẽ trở thành kênh đối thoại quan trọng và hiệu quả giữa các nhà quản lý; nhà sản xuất, chế biến; doanh nghiệp kinh doanh tiêu thụ các mặt hàng nông sản nói chung và rau quả nói riêng", Tổ trưởng Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối Nông sản 970 nói.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.