Hơn 100 điểm cầu kết nối
Huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu đặc biệt, cộng với mồ hôi, trí tuệ của nông dân bỏ ra chăm chút cho cây để làm nên một quê hương hội tụ hầu hết các loại quả ngon nhất toàn quốc. Bởi thế mà ngày 11/11, UBND tỉnh Bắc Giang đã chọn huyện Lục Ngạn để mở hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các nông sản chủ lực tỉnh năm 2021.
Với 10 điểm cầu tại Bắc Giang, trong đó tại điểm cầu chính, chủ trì có ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh. Ngoài tỉnh gồm điểm cầu tại Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, 1 điểm cầu tại Trung Quốc và hàng trăm điểm cầu ở các siêu thị, chợ đầu mối, kênh phân phối, doanh nghiệp/thương nhân kinh doanh tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, TP Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh...
Là địa phương có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp, Bắc Giang có gần 300.000 ha đất nông nghiệp, diện tích cây ăn quả đang chiếm xấp xỉ 30% tổng diện tích cây ăn quả của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.
Những tháng cuối năm 2021 và dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 Bắc Giang có sản lượng cam các loại 48.000 tấn, được sản xuất theo quy trình VietGAP, sản lượng bưởi các loại xấp xỉ 37.000 tấn được chăm sóc an toàn, cả hai chủ yếu trồng ở Lục Ngạn.
Sản lượng na 4.000 tấn, là sản phẩm chủ lực của huyện Lục Nam, được áp dụng theo hướng VietGAP, có kỹ thuật rải vụ, thụ phấn bổ sung, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chỉ dẫn địa lý. Sản lượng thịt gà khoảng 17.000 tấn, tập trung nhiều ở huyện Yên Thế, đã liên tục được nhận các giải thưởng, cúp do các tổ chức, hiệp hội bình chọn, được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại 3 thị trường là Lào, Trung Quốc và Singapore.
Hiện tỉnh đang tập trung triển khai Đề án Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà trên địa bàn huyện Yên Thế, bảo đảm phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và hướng tới xuất khẩu.
Sản lượng thịt lợn khoảng 60.000 tấn, tập trung nhiều tại huyện Tân Yên và các huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang, Sơn Động với hình thức chăn nuôi đang chuyển dịch mạnh mẽ từ nhỏ lẻ sang tập trung trang trại, quy mô lớn, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh còn có vùng trồng rau chế biến, rau an toàn trên 11.000 ha, sản lượng trên 230.000 tấn đủ năng lực cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản, các siêu thị trong và ngoài tỉnh và đã xuất khẩu đi các nước Trung Đông, Đông Âu, Nga, Nhật Bản...
Tỉnh cũng đã phê duyệt danh mục 52 sản phẩm nông sản có tính chất đặc trưng, chủ lực, tiềm năng của địa phương và 117 sản phẩm OCOP được thị trường trong và ngoài nước biết đến.
Để tạo nền móng cho việc phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực được bền vững, Bắc Giang đề nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc và một số quốc gia có thị trường tiềm năng trong khu vực và trên thế giới thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch; kịp thời thông tin về hàng rào kỹ thuật; chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ quan tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
Hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng đảm bảo các điều kiện tiêu thụ tại các hệ thống phân phối trong nước và xuất khẩu; hướng dẫn triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong nông nghiệp; xây dựng mã định danh cho cơ sở chăn nuôi; tổ chức liên kết hiệu quả vùng nguyên liệu với sơ chế, chế biến, bảo quản nâng cao giá trị.
Đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ trong công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh đến với thị trường trong và ngoài nước; thông tin chính sách biên mậu, quảng bá, giới thiệu, kết nối thúc đẩy xuất khẩu tiêu thụ các nông sản đủ điều kiện xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc và một số thị trường tiềm năng trong khu vực; hỗ trợ kết nối tiêu thụ; hướng dẫn cho thương nhân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh tiêu thụ nông sản của tỉnh tiếp cận, nâng cao năng lực quản lý, khai thác và vận hành các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử và trên không gian mạng.
Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ hỗ trợ công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch, các quy trình, thủ tục đăng ký và xác nhận sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý đối với các nông sản chủ lực, đặc trưng. Đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch hỗ trợ định hướng phát triển du lịch trải nghiệm gắn với vùng cây ăn quả nói riêng phù hợp với chương trình du lịch quốc gia, du lịch liên vùng, liên địa phương...
Cũng ngay tại hội nghị đã có 57 hợp đồng ghi nhớ được ký kết trong đó tập trung chính tiêu thụ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh...
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang bắt đầu chỉ đạo quản lý chặt chẽ vùng trồng, vùng chăn nuôi theo quy hoạch và đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng cho nông sản.
Được mùa, được giá, thương lái tới tận vườn thu mua
Cũng tại hội nghị, ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho hay địa phương đã trở thành một trong những vùng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh Bắc Giang và của cả nước với trên 28.000 ha cây ăn quả các loại, chủ lực là vải thiều Lục Ngạn, diện tích 16.000 ha trong đó 12.500 ha đạt VietGap, GlobalGap.
Ngoài vải, huyện xác định các cây trồng mũi nhọn khác gồm cam bưởi 7.000 ha, nhãn 1.000 ha, ổi 400 ha, nho 100 ha, bơ 100 ha, còn các cây khác nếu có chỉ là trồng thí nghiệm để tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch. Tổng sản lượng quả cây có múi của Lục Ngạn là trên 60.000 tấn.
Không chạy theo sản lượng đơn thuần, để đảm bảo an toàn thực phẩm, thời gian gần đây huyện đã siết chặt công tác quản lý thuốc BVTV, phải đúng danh mục mới được phép lưu hành và sử dụng. Song song với đó, huyện phối hợp với các Viện nghiên cứu thuộc Bộ NN-PTNT để nhận chuyển giao những kỹ thuật sản xuất an toàn hơn, xây dựng trang thông tin điện tử chuyên về cây ăn quả, kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư nhà máy chế biến...
Nhờ đó, trong khi một số vùng cây ăn quả có múi giá bán đang thấp thì bưởi da xanh của Lục Ngạn vẫn bán xung quanh 40.000đ/kg, bưởi ngọt 20.000đ/kg, cam lòng vàng, cam ngọt 30-40.000đ/kg, ổi 35.000đ/kg và được thương lái vào tận vườn để thu mua. Tất cả khách khi đến vườn đều phải khai báo y tế, xét nghiệm Covid-19 để đảm bảo vùng xanh cho toàn huyện.
Hiện 95% quả cây có múi được tiêu thụ dưới hình thức bán tươi còn 5% qua chế biến, ép đóng lon hoặc sấy khô. Khác với quả vải vốn được thị trường Trung Quốc ưa chuộng, quả cây có múi của Lục Ngạn nói riêng và Bắc Giang nói chung trước đây chưa được thị trường này chú ý.
Tuy nhiên hiện sàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba của Trung Quốc đã có những tính toán để có thể đưa sản phẩm này sang tiêu thụ cũng như sang cả thị trường Mỹ và châu Âu.
Để gia tăng giá trị cho người dân trong huyện, Lục Ngạn thúc đẩy việc gắn du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa với tiêu thụ nông sản. Hiện địa phương này đã thiết kế được 5 tua du lịch như thế kết hợp với các vườn cây ăn quả, thành lập được 17 hợp tác xã chuyên về du lịch với khả năng lưu trú trong dân được 1.500-1.700 người trong nhà vườn mỗi ngày, chưa kể đến cả ngàn phòng nghỉ trong các khách sạn.
Trong đề án phát triển du lịch tới đây, từ thu hút 150-170.000 khách du lịch mỗi năm Lục Ngạn phấn đấu sẽ đạt 1 triệu khách du lịch.
Huyện Lục Ngạn hiện đang có hàng chục nhà vườn có sản lượng quả có múi từ 50 tấn trở lên, tiêu biểu có anh Nguyễn Văn Vinh ở xã Tân Mộc có 80 tấn quả, anh Trịnh Sư Hòa ở xã Kiên Lao có 130 tấn quả, anh Nguyễn Văn Hữu ở xã Thanh Hải có 250 tấn quả... Mỗi vụ có thể cho lãi vài tỉ đồng.