Với mục đích xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, vụ đông xuân 2023 - 2024, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã phối hợp với doanh nghiệp triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Sản xuất lúa hữu cơ bằng mạ khay, máy cấy liên kết tiêu thụ sản phẩm
Với mục đích xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, vụ Đông Xuân 2023-2024, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị triển khai mô hìnhsản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình triển khai tại HTX Hiếu Bắc - Cam Hiếu - Cam Lộ, sản xuất trên diện tích 12,5 ha, sử dụng giống lúa ST25. Các hộ tham gia trên tinh thần tự nguyện, có khả năng đối ứng vật tư, tuân thủ quy trình kỹ thuật. Để tổ chức thực hiện, Trung tâm Khuyến nông sẽ hỗ trợ 50% giống và vật tư, Công ty Thương mại hỗ trợ bằng cách cấp 50% giống và vật tư, cuối vụ sẽ thu tiền bằng khấu trừ thu mua lúa.
Điểm khác biệt của mô hình sản xuất hữu cơ so với các mô hình đại trà là mô hình sử dụng mạ khay, máy cấy để cấy. Triển khai các lớp tập huấn ủ phân hữu cơ tạo nguồn phân tại chổ, giúp tiết kiệm chi phí trong sản xuất. Không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong sản xuất lúa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước, bảo vệ sức khỏe người sản xuất. Về lâu dài, sử dụng phân bón hữu cơ làm tăng độ phì của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, có tác dụng rất tốt trong cải tạo đồng ruộng.
Thông qua mô hình giúp tiếp nhận kỹ thuật được chuyển giao, nâng cao năng lực, trình độ thâm canh cho nông dân. Tiến tới sản xuất nền nông nghiệp hữu cơ nói chung và lúa gạo nói riêng nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng.