| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi bò sữa gắn với liên kết tiêu thụ

Thứ Bảy 15/06/2024 , 09:36 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ trong chăn nuôi bò sữa giúp các công ty sản xuất sữa có vùng nguyên liệu ổn định và người nuôi yên tâm đầu tư.

Bò sữa trở thành vật nuôi chủ lực của người dân huyện Đơn Dương. Ảnh: PC.

Bò sữa trở thành vật nuôi chủ lực của người dân huyện Đơn Dương. Ảnh: PC.

Nguồn thu nhập ổn định

Huyện Đơn Dương là địa phương nuôi bò sữa lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với số lượng hơn 16.500 con. Trong đó, đàn bò sữa nuôi trong nông hộ khoảng 11.000 con, doanh nghiệp chăn nuôi hơn 4.500 con.

Những năm qua, nuôi bò sữa trở thành ngành chăn nuôi chủ lực của người dân huyện Đơn Dương. Đây là vật nuôi mang đến nguồn thu nhập ổn định cho bà con nơi đây, giúp đời sống được nâng cao.

Ông Kaúk, thôn Ròn, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương cho biết, gia đình hiện đang nuôi 11 con bò sữa, trong đó có 6 con đang cho sữa. Mỗi ngày gia đình ông thu khoảng 100kg sữa, giá bán 15.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Kaúk lãi khoảng 1 triệu đồng.

Còn gia đình bà KaWét, thôn Ròn, xã Đạ Ròn cũng đang nuôi 15 con bò sữa, trong đó có 7 con cho sữa, sản lượng hơn 100kg sữa/ngày. Với giá dao động từ 14.000-15.000 đồng/kg thì gia đình bà KaWét lãi hơn 1 triệu đồng.

Theo các hộ chăn nuôi ở địa phương, so với các loại vật nuôi khác, bò sữa nuôi nhàn hơn, ít xảy ra dịch bệnh, trong khi mang lại nguồn thu nhập ổn định mỗi ngày.

Huyện Đơn Dương có số lượng bò sữa hơn 16.500 con. Ảnh: PC.

Huyện Đơn Dương có số lượng bò sữa hơn 16.500 con. Ảnh: PC.

Hiện tại đang vào thời điểm giao mùa, thời tiết có sự thay đổi, dịch bệnh có nguy cơ phát triển mạnh. Tuy nhiên, trên đàn bò sữa chỉ xảy ra hiện tượng tiêu chảy ở một số cá thể, chỉ cần cho uống kháng sinh, tiêm thuốc trị bệnh khoảng 2-3 ngày bò khỏe trở lại. Bên cạnh đó, công tác tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại cũng được các hộ dân thực hiện đều đặn 2-3 lần/ngày.

Ông Nguyễn Thành Phát, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đơn Dương cho biết, thời gian qua, công tác quản lý dịch bệnh đàn gia súc luôn được UBND huyện và các ngành chuyên môn quan tâm, chỉ đạo, thường xuyên theo dõi và nhanh chóng dập tắt nếu có xảy ra dịch bệnh.

Đến nay, địa phương chưa ghi nhận dịch bệnh xảy ra trên đàn bò sữa. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã hoàn thành tiêm phòng vacxin đợt 1 cho đàn gia súc, dự kiến trong tháng 7 địa phương sẽ tiêm phòng vacxin đợt 2.

Liên kết tạo đầu ra ổn định

Hiện nay, các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Đơn Dương đã ký kết hợp đồng mua bán sữa tươi nguyên liệu với các doanh nghiệp thu mua sữa hoặc thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác đảm bảo đầu ra ổn định.

Việc liên kết tiêu thụ sữa tươi đã tạo nên một cầu nối phát triển bền vững, hài hòa với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sữa. Bên cạnh liên kết ký hợp đồng thu mua, các trạm thu mua, hợp tác xã, tổ hợp tác còn phân phối thức ăn chăn nuôi bò sữa, tư vấn và chuyển giao công nghệ trong chăn nuôi cho các hộ.

Người dân có nguồn thu nhập ổn định mỗi ngày nhờ nuôi bò sữa. Ảnh: PC.

Người dân có nguồn thu nhập ổn định mỗi ngày nhờ nuôi bò sữa. Ảnh: PC.

Ông Kaúk, thôn Ròn, xã Đạ Ròn hiện đang liên kết với Công ty Vinamilk. Khi tham gia chuỗi liên kết, ông được công ty đảm bảo đầu ra, giá cả thu mua ổn định. Bên cạnh đó, ông còn được công ty hỗ trợ thêm 200 đồng/kg sữa và sẽ được thanh toán vào cuối năm nên rất yên tâm chăn nuôi, tập trung vào nâng cao chất lượng sữa.

Còn anh Nguyễn Chí Dũng, thôn Ròn, xã Đạ Ròn, hiện đang nuôi hơn 40 con bò sữa, trong đó có 15 con đang cho sữa, hiện cũng đang liên kết với Công ty Vinamilk. Không chỉ được công ty đảm bảo đầu ra với giá cả ổn định, gia đình anh còn được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ giá thức ăn chăn nuôi của công ty trước tình hình giá thức ăn tăng cao như hiện nay, điều này giúp gia đình yên tâm ổn định sản xuất.

Theo ông Nguyễn Thành Phát, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đơn Dương, trên địa bàn huyện hiện có 4 công ty thu mua sữa bò nguyên liệu gồm Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt (Dalatmilk), Công ty FrieslandCampina VietNam (Cô gái Hà Lan), Công ty TNHH sản xuất - thương mại Kim Phát (VPMilk).

Những công ty này tạo ra chuỗi liên kết thu mua sữa tươi của người dân và doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn huyện mang lại hiệu quả rất lớn. Các chuỗi liên kết giúp đảm bảo đầu ra cho người dân trong việc chăn nuôi, tạo công ăn việc làm ổn định.

“Những khu vực đất đồi không sản xuất được, người dân có thể trồng cỏ nuôi bò, mang lại nguồn thu nhập ổn định, đời sống nâng cao rõ rệt, nhiều hộ xây dựng nhà cửa khang trang”, ông Nguyễn Thành Phát cho hay.

Ngành nông nghiệp huyện Đơn Dương khuyến khích người dân tăng quy mô đàn, phát triển chăn nuôi bò sữa theo quy mô công nghiệp. Ảnh: PC.

Ngành nông nghiệp huyện Đơn Dương khuyến khích người dân tăng quy mô đàn, phát triển chăn nuôi bò sữa theo quy mô công nghiệp. Ảnh: PC.

Ông Nguyễn Thành Phát cho biết thêm, mỗi ngày, sản lượng sữa trên địa bàn huyện đạt khoảng 175 tấn, tuy nhiên chưa đáp ứng đủ nhu cầu sữa của các nhà máy. Hiện, trên địa bàn huyện có 4 nhà máy chế biến sữa với công suất 600-700 tấn sữa/ngày. Do đó, để tạo thêm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy, địa phương đang mở rộng chuỗi liên kết với các huyện phía Nam của tỉnh Lâm Đồng. 

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện Đơn Dương tiếp tục hỗ trợ người dân nâng cao kỹ thuật chăn nuôi nhằm tạo ra nguồn sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, tập trung phát triển chăn nuôi bò sữa gắn với liên kết tiêu thụ, tăng thu nhập cho người dân.

Đồng thời, khuyến khích người dân tăng quy mô đàn, phát triển chăn nuôi theo quy mô công nghiệp; Đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm; Nâng cao năng suất, chất lượng sữa đáp ứng yêu cầu của đơn vị thu mua, tăng giá trị sản xuất, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp huyện phát triển. 

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.