| Hotline: 0983.970.780

Trồng nhãn hữu cơ để 'chơi' với quốc tế và 'đêm có giấc ngủ ngon'

Thứ Năm 08/09/2022 , 09:19 (GMT+7)

Anh Bùi Văn Sử, người đầu tiên trồng nhãn hữu cơ ở Hưng Yên chia sẻ với Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Nhờ nó mà em ngủ thấy ngon hơn nhiều bác ạ'.

anh sử1

Nhãn lồng Phố Hiến, sản vật Hưng Yên. Ảnh: Hoàng Anh.

Mùa nhãn lồng năm nay, những người nông dân ở xã Hồng Nam cứ râm ran với nhau một câu chuyện khá thú vị. Tháng trước, có một người phụ nữ đi cùng đoàn công tác tỉnh Hưng Yên đến thăm vườn anh nông dân Bùi Xuân Sử ở thôn Nễ Châu, không hiểu nguyên cớ gì mà tặng anh này một chiếc ly sứ mạ vàng 24K. Hoa văn là những cánh hoa sen. Bà ấy lại còn dặn thế này, hễ bất cứ khi nào anh cảm thấy khó khăn hãy gọi cho tôi, để tôi mua lại chiếc ly này với bất cứ giá nào, chỉ mong anh đừng từ bỏ con đường làm nông nghiệp đang theo đuổi.

Đấy là bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte, công ty tư vấn, kiểm toán số 1 Việt Nam. Hôm ấy chị Thanh đến thăm vườn, hỏi han kỹ lắm, nhất là cái câu “ngon từ đất, sạch từ tâm” mà tôi in trên bao bì sản phẩm nhãn lồng nhà vườn mình. Tôi có nói thế này, cây trái ngon hay dở tất nhiên phụ thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rồi, nhưng để trở thành sản phẩm thực sự chất lượng đòi hỏi phải có cái tâm của người trồng trong đó.

Làm ra quả nhãn mà bản thân mình không trách nhiệm với nó, kể cả ăn có thấy ngon miệng đi nữa cũng chưa chắc đã an tâm. Nghe xong, trước mặt bao nhiêu lãnh đạo tỉnh, thành phố, chị Thanh xin phép họ tặng tôi cái ly mạ vàng kia và nói, chị ấy chưa từng tặng ai, nay phá lệ vì tôi xứng đáng.

bùi sử

Anh Bùi Xuân Sử (bên phải) và món quà từ bà Hà Thị Thu Thanh (ở giữa). Ảnh: NVCC.

Kể lại với tôi câu chuyện này, anh Bùi Xuân Sử muốn bộc bạch “con đường làm nông nghiệp” mà vị doanh nhân kia sẵn sàng tặng vật phẩm quý ngay lần đầu gặp mặt là nông nghiệp hữu cơ. Con đường mà anh chính là người trồng nhãn đầu tiên của tỉnh Hưng Yên đi theo.

1.

Xã Hồng Nam, quê anh Sử là vùng trồng nhãn lồng nổi tiếng nhất của xứ nhãn Hưng Yên, nằm ven Phố Hiến xưa, dọc theo những bờ bãi sông Hồng khoảng tầm hơn ba cây số. Khắp nơi đều là nhãn. Nhãn từ trong thôn ra ngoài bãi, chạy dài theo những bãi đê sông, nhìn từ trên cao chỉ một màu xanh ngắt, quả đúng là vương quốc của loại cây trái tiến vua.

Kể cũng lạ, dọc con sông này có biết bao nhiêu bãi bờ phù sa như thế vậy mà chỉ có Phố Hiến mới thực sự là xứ sở của loại quả dành cho bậc vua chúa xưa kia. Toàn bộ phía Tả ngạn dòng sông là dãy cây nhãn cổ thụ hàng trăm năm tuổi thuộc dạng bảo tồn, được đánh số hẳn hoi. Cụm di tích đình đền chùa Hiến ở phường Hồng Châu vẫn còn đó cây nhãn tổ tuổi đời đã mấy trăm năm, là cây số một.

Thế hệ anh Sử được những bậc cao niên trong vùng truyền lại, cây nhãn tổ ấy chính là gốc gác của nhãn lồng Hưng Yên danh tiếng  ngày nay.

Chuyện rằng, xưa kia ở Phố Hiến, một thương cảng nổi tiếng “thứ nhất Kinh Kỳ thứ nhì Phố Hiến” chẳng biết từ đâu lại mọc lên một cây nhãn có quả ngon đến mức Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng miêu tả “mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”.

Dân gian lưu truyền đó là thứ “vương giả chi quả”, loại quả chỉ dành cho những bậc đế vương, lại độc có mỗi một cây nên đám dân đen tuyệt nhiên không bao giờ có cơ hội đụng đến. Người dân Phố Hiến lấy sự vương giả đó làm niềm tự hào, ra sức chăm sóc, bảo vệ.

Mùa nhãn chín đám dơi dốc, chim chóc kéo về Phố Hiến, đồ rằng chúng cũng muốn nếm trải phong vị của bậc vua chúa xem nó thế nào. Để phòng ngừa đám này phá hại, dân làng mới đẵn tre đan thành chiếc lồng khổng lồ chụp xuống bao bọc lấy cả cây nhãn, cắt cử người trông coi. Giữ còn hơn bảo vật, cái tên gọi nhãn lồng đến tận ngày nay cũng là vì thế.

Dần dà năm tháng, từ cây nhãn tổ theo chọn lọc tự nhiên mà hình thành vùng nhãn Phố Hiến, thành xứ nhãn Hưng Yên. Hiện cả tỉnh có khoảng gần 5.000 ha, sản lượng hàng năm trên 6.000 tấn, tập trung ở thành phố Hưng Yên, các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động, Ân Thi… Vừa có chỉ dẫn địa lý lại có đủ các giống nhãn vang danh. Nào là Hương Chi, nhãn cùi, nhãn đường phèn, nhãn Miền Thiết, nhãn T6...

Dân xứ nhãn lẽ tất nhiên sống nhờ vào nhãn. Nhà nhiều có mấy trăm gốc, nhà ít cũng một vài cây cạnh bờ ao bờ rào. Những năm gần đây người dân lại còn biết trồng rải vụ, mỗi năm thu hoạch 3 tháng, dù không đến mức quá giàu nhưng nhờ nhãn cũng có thể coi là khấm khá. Cũng từ Hưng Yên, cây nhãn lồng đi khắp đất nước.

Đi lên Tây Bắc rồi vào tận cả Tây Nguyên. Chỉ có điều, dù đi bất cứ đâu, có gặp đất đai tốt đến thế nào thì cũng chỉ ở Hồng Nam này, ở đất Phố Hiến này nhãn lồng mới thật sự là nó. Đó là thứ nhãn có vỏ quả dày cứng nhẵn, màu vàng sáng, bóc ra cùi có màu trắng đục và dày, vân thứa dọc theo cùi, khi ăn có vị ngọt giòn nhưng thanh, hương vị còn lưu giữ mãi nơi cổ họng, nếm một lần rồi chẳng thể nào quên.

Các nhà khoa học lý giải nhờ chất đất Phố Hiến rất đặc biệt. Đất thịt pha với phù sa từ sông Hồng với tỉ lệ khoảng 75/25, chỉ trồng nhãn là nhất, cây trái khác như vải, như xoài đem về trồng thử cũng ra hoa kết trái nhưng là những thứ rất vớ vẩn. Nhãn lồng Hưng Yên có thể được rao bán khắp cõi mạng nhưng cũng chỉ có nơi này mới được xếp hạng thứ 13 trong số 50 trái cây nổi tiếng của Việt Nam, được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là loại trái cây ngon nhất và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua”.

nhãn phố hiến

"Vương giả chi quả", nhãn Phố Hiến tiến vua ngày nay. Ảnh: Hoàng Anh.

Lan man chuyện xưa một chút cũng là để nói chuyện nay. Anh Sử tiếp câu chuyện bằng đúc rút của một người cả cuộc đời ăn ngủ cùng quả nhãn. Lẽ thường cái gì hiếm, cái gì ít đương nhiên sẽ quý, khi nhiều lên rồi lại khác. Phải làm gì để người ta trân trọng, nâng niu, làm gì để người tiêu dùng có thể tiếp cận đúng giá trị của quả nhãn tiến vua thật không dễ dàng gì. Nhất là khi sản vật đã trở thành hàng hóa, không chăm chút những thứ gì mình có, làm sao bắt thiên hạ bỏ tiền mua. 

Vườn nhãn gia đình anh Sử rộng tầm 1 ha, có khoảng 300 gốc, thừa kế từ đời ông bà. Trồng nhãn là nghề gia truyền từ bao đời nay ở Phố Hiến. Xưa thì trồng nhãn theo kiểu “một năm ăn quả một năm trả cành”. Hoàn toàn truyền thống, tự nhiên. Cây trái ra như thế nào để nguyên như thế, năm trước thu hoạch năm sau tất nhiên phải bỏ. Gặp thời bùng nổ năng suất, sản lượng, nhãn lồng cũng quay cuồng trong cơn lốc phân bón, thuốc BVTV... Vẫn là cái kiểu mạnh ai nấy làm, vườn nhà nào nhà nấy chăm, được thì tôi ăn, thua tôi chịu, bán được hay không là chuyện của cả làng cả xã, đâu phải của riêng ai.

sử nhãn

Anh Sử kể về nghề nhãn gia truyền ở Hồng Nam. Ảnh: Hoàng Anh.

Khoảng năm 2015 trở lại đây mới có nhiều thay đổi. Nhất là khi thành lập Hợp tác xã sản xuất nhãn lồng Nễ Châu để thực hiện các mô hình sản xuất nhãn lồng VietGAP. Đến năm 2017 Hồng Nam có lô nhãn đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Sau đó là châu Á, châu Âu, đi vào những thị trường khó tính như Singapore, Australia, Anh, Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Nhật Bản…

Quả nhãn lồng Hồng Nam cũng được đặt hàng bước lên những chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đi hết nước này nước nọ, trở thành món tráng miệng trong khoang hành khách hạng thương gia, giống như cái cách nó đã từng phục vụ những bậc vương giả xưa kia. Song song với quảng bá, với xúc tiến thương mại, với hội nhập cũng là lúc người trồng nhãn thấy bản thân mình cũng phải chỉn chu, tử tế rồi đây.

2.

Gia đình anh Sử chuyển từ nhãn VietGAP sang hữu cơ từ năm 2017 và đã từng thất bại. Không phải vì mô hình ấy không thành công mà bởi lúc đó thị trường không thể nào phân biệt nổi ông nào hữu cơ ông nào không, giá cả bán ra như nhau hết. Kể cả bản thân anh Sử cũng luôn nghĩ, từ trồng nhãn truyền thống đến nhãn VietGAP đã là một cuộc cách mạng lớn lắm rồi.

Làm theo tiêu chuẩn VietGAP có quy trình hẳn hoi, sử dụng phân bón, thuốc BVTV đúng trong danh mục cho phép, nhưng dù sao thì vẫn phải dùng thuốc hóa học, vẫn phải có thời gian cách ly. Chính vì thế, muốn quả nhãn lồng Phố Hiến sạch hơn nữa, an toàn hơn nữa, có thể đi xa đến nhiều thị trường hơn nữa thì phải có những tiêu chuẩn cao hơn, đó là tiêu chuẩn hữu cơ, trước hay sau cũng phải làm.

sử hữu cơ

Người trồng nhãn hữu cơ đầu tiên ở Hưng Yên. Ảnh: Hoàng Anh.

Ngày anh Sử quyết định thay đổi cũng có nhiều người ái ngại là liều, mạo hiểm, hiểu biết gì về hữu cơ đâu mà làm. Người khác ái ngại có thể do họ nghĩ làm quả nhãn sạch hơn, an toàn hơn dường như là đang làm cho người khác, nhưng anh Sử lại suy nghĩ rằng trước hết là làm cho mình. Nhưng giống cái cách người nông dân Hưng Yên vẫn thường nói, tớ thích thì tớ làm, tớ không phụ thuộc ai cả, có thể thành công hoặc thất bại, nhưng nếu mình không làm thì làm sao biết được, chẳng lẽ cứ chấp nhận mãi như thế hay sao.

“Con người ta ai cũng thế cả thôi. Mình chưa tốt với chính bản thân mình thì mong gì có thể tốt với làng xóm, với anh em chứ chưa nói là xã hội. Không ai có thể ngăn cản tôi thay đổi được là vì tôi nghĩ làm nông nghiệp hữu cơ trước hết là vì chính sức khỏe của gia đình mình, vì trách nhiệm với sản phẩm vườn nhà mình rồi mới hi vọng góp một phần nhỏ cho cộng đồng. Nhỏ thôi, nhưng nếu xã hội mình, ngành nông nghiệp mình mỗi người có ý thức một chút như thế chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn nhiều”, người đầu tiên dám thay đổi ở Phố Hiến chia sẻ.

Mùa nhãn năm nay, cả 300 gốc nhãn của anh Sử đã là nhãn hữu cơ. Đang vào chính vụ, ước tính sản lượng khoảng từ 15 - 17 tấn. Trước khi vào Nễ Châu tôi có ghé mạn Tiên Lữ, Ân Thi, nhãn lồng ở những nơi này đang chật vật bán một cân với giá từ 7-10 ngàn đồng, vậy mà ở vườn anh Sử, giá nhãn hữu cơ là 35 ngàn đồng/kg. Trẩy chừng nào bán hết chừng đó, đều đặn mỗi ngày có 2 xe tải chở hàng tấn lên Hà Nội, chưa kể khách hàng vãng lai, các đơn hàng từ khắp mọi miền, các công ty đặt từ trước để xuất khẩu… Cả vườn thu được tầm 13-14 tấn nhãn loại một, số còn lại chuyển làm long nhãn cũng thu về từ 500-600 triệu đồng, lợi ích kinh tế gấp đôi so với làm nhãn thông thường.

Nhưng tiền chưa phải là tất cả, anh Sử lại nói, vụ này mưa nhiều nên càng thấy rõ khác biệt của nhãn hữu cơ so với thông thường, kể cả nhãn ở các vườn VietGAP. Nhãn ở những vườn này đến ngày chín gặp mưa rất nhiều chùm bị nứt toét hết trên cây nhưng nhãn hữu cơ chẳng ảnh hưởng gì, càng để càng thấy chúng to ngộc lên thôi. Vườn nhãn anh Sử là mô hình đầu tiên ứng dụng chế phẩm Nano Bạc S500 sản xuất sản phẩm nhãn an toàn trong vùng xuất khẩu thị trường Mỹ. Hoàn toàn không sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học.

Cả một vụ chỉ sử dụng Nano Bạc 3 tuần phun một lần, mỗi tuần lại lấy gừng, tỏi, ớt, rượu pha loãng để diệt trứng và xua đuổi côn trùng. Chăm bón, tỉa cành, tỉa quả, phân bón làm bằng ngô, đỗ, cá, rỉ mật ngâm với chế phẩm sinh học để tạo thêm vi sinh vật cho đất. Dù chi phí nhân công có nhiều hơn nhưng vật tư đầu vào lại giảm. Trước thu hoạch đem mẫu đất, mẫu nước đi kiểm tra đạt chuẩn đã đành, mừng nhất là gửi mẫu quả đi thử hơn 819 chỉ tiêu, tất cả đều đạt theo những yêu cầu hữu cơ khắt khe nhất.

5f157994014ac4149d5b

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm mô hình nhãn hữu cơ của gia đình anh Sử. Ảnh: Bá Thắng. 

“Thành phố gửi đi 5 cơ sở, nhưng mới chỉ có vườn tôi đáp ứng được. Thực sự quá vui mừng. Không phải vì công sức của mình được đền đáp mà nhờ đó có thể chứng minh cho mọi người thấy mô hình nhãn lồng hữu cơ đầu tiên ở Phố Hiến đã thành công. Hôm trước Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng các đoàn công tác xuống kiểm tra đã khẳng định cần phải nhân rộng những mô hình nhãn hữu cơ như thế này”, anh Sử vui mừng.

Cũng nghe sau khi thăm vườn nhãn hữu cơ anh Sử, cả Bộ trưởng và Bí thư Tỉnh ủy có chia sẻ chuyện giá cả, thị trường và băn khoăn mức giá 35 nghìn đồng/kg liệu có rẻ so với chất lượng tuyệt vời của nhãn lồng hữu cơ Phố Hiến hay chưa? Bùi Xuân Sử cười hiền, hãy để người tiêu dùng có thể thưởng thức sản vật Hưng Yên chất lượng nhất có thể cái đã. Giá cả như bây giờ là em cảm thấy mãn nguyện, bởi điều quan trọng nhất của nhãn hữu cơ là chủ vườn có thể ăn rất ngon, ngủ rất yên vì đã góp phần làm một việc nhỏ có ích cho xã hội, giọt mồ hôi lăn trên trán nhưng nụ cười luôn nở trên môi, thưa Bộ trưởng.

1c380da3757db023e96c

Điều quan trọng nhất của nhãn hữu cơ là chủ vườn có thể ăn rất ngon, ngủ rất yên vì đã góp phần làm một việc nhỏ có ích cho xã hội. Ảnh: Bá Thắng.

3.

Phố Hiến xưa nay là thành phố Hưng Yên, có diện tích nhãn lồng hơn 1.100 ha, trong đó sản xuất theo quy trình VietGAP là 430 ha, sản lượng nhãn hàng hóa tiêu thụ khoảng 6.000 tấn, riêng xã Hồng Nam có gần 150ha nhãn VietGAP, ước đạt hơn 2.000 tấn nhãn quả tươi. Bùi Xuân Sử nói với tôi, khoảng 3 năm nữa anh về lại đây chắc chắn vương quốc nhãn lồng sẽ không còn mùi thuốc BVTV nữa.

Anh Sử cùng với anh Bùi Xuân Tám là những người phụ trách Hợp tác xã nhãn lồng Nễ Châu, hiện mới chỉ có khoảng hơn 30 ha của 32 hộ thành viên, tuy nhiên cả hai anh đều khẳng định, thời gian tới nhãn lồng Nễ Châu sẽ là nhãn hợp tác xã, sẽ là nhãn hữu cơ.

Sau thành công của mô hình nhãn lồng hữu cơ ở hộ anh Bùi Xuân Sử, vụ nhãn năm nay hợp tác xã vận động 12 hộ thành viên làm theo. “Cũng thuyết phục vận động mãi đấy. Mình có nói bằng giời cũng không thể bằng người dân trực tiếp trải nghiệm. Một cây cũng được, vài ba cây cũng được. Tôi vẫn thường vận động bà con, các ông các bà yên tâm. Tôi làm cả vườn 300 cây, nếu rủi ro, nếu thất bại thì tôi bị nặng nhất, tại sao tôi vẫn cứ làm, vì tôi tin là sẽ thành công”, Bùi Xuân Sử chia sẻ hành trình vận động người dân thay đổi.

888

Anh Sử giới thiệu nhãn hữu cơ với khách tham quan. Ảnh: Hoàng Anh.

Thực tế, chỉ sau một mùa vụ, 12 hộ dân trong hợp tác xã đã bị mô hình nhãn lồng hữu cơ thuyết phục hoàn toàn. Từ vài ba cây đến cả khu vườn, từ vài ba hộ sẽ thành cả thôn, cả xã, rồi đây sẽ là cả thành phố. Người sản xuất thay đổi tất nhiên người tiêu dùng cũng sẽ thay đổi. Sau Lễ hội nhãn lồng 2022 cách đây khoảng một tháng, đã có hàng nghìn đoàn khách trong nước, quốc tế về tìm đến Nễ Châu.

Hôm tôi đến cũng là ngày Nễ Châu đón đoàn của Bộ Ngoại giao và khách quốc tế. Đứng giữa vườn nhãn hữu cơ của mình anh Sử kể rành mạch giá trị lịch sử mấy trăm năm của quả nhãn lồng Phố Hiến. Lại còn giới thiệu cổng vào dựng bằng tre, chính diện là “Hưng Yên xứ nhãn”, cột bên trái là “Vương giả chi quả”, bên phải là “Vương hậu chi hoa”. Đã từ lâu nhãn và sen được người Phố Hiến kết hợp thành món chè long nhãn ngo nức tiếng, cũng là một thứ sản vật tiến vua. Người Phố Hiến hôm nay đã không còn đơn thuần bán những mùa nhãn bằng tạ, bằng tấn mà còn biết bán cả những câu chuyện về quả nhãn lồng.

“Có những khách hàng ở Hà Nội gọi điện đến hợp tác xã Nễ Châu hỏi mua 5 cân thôi, có chuyển không, chúng tôi nhận và chịu tiền vận chuyển. Với người trồng nhãn, đặc biệt là nhãn hữu cơ, 5 cân cũng như 5 tạ, 5 tấn. Có thể hôm nay họ mua chừng đó thôi nhưng ngày hôm sau ăn cảm thấy chất lượng sẽ giới thiệu thêm đến nhiều người khác. Mình đi bán hàng, phải xây dựng niềm tin để khách hàng tự lan tỏa, để càng nhiều người ăn nhãn thì chắc chắn sẽ thành công”, anh Sử nói cười vui vẻ.

nhãn hữu cơ

Sản vật nhãn lồng ánh vàng. Ảnh: Hoàng Anh.

Dẫn tôi ra phía góc vườn, người đầu tiên trồng nhãn hữu cơ ở Hưng Yên khoe, đây là giống nhãn ánh vàng được sưu tầm từ những dòng nhãn cổ, quý lắm đấy, cả vườn chỉ có 3 cây, nhà báo phải ăn thử để còn quảng bá giúp. Đó là cây quả khác biệt trong vườn. Lá to, vỏ quả dày, bóc ra cùi có màu vàng bóng và không bị ướt như dòng nhãn khác, vừa đưa đến miệng đã cảm nhận được mùi thơm, ăn giòn và có vị ngọt thanh rất tuyệt vời. Bùi Xuân Sử phấn khích chia sẻ, giống này chống chịu thời tiết tốt lắm, hiện hợp tác xã đang lấy mắt ghép để nhân rộng, thay một số giống cũ. Mình “chơi” với quốc tế, muốn vận chuyển đi khắp năm châu bốn bể thì vỏ nhãn phải dày, chất lượng phải hơn người ta mới được.

Anh lại đưa tiếp cho tôi một quả nhãn ánh vàng. Thú thật trong đời chưa bao giờ được ăn quả nhãn lồng ngon đến vậy. Tự hỏi mình, là vì nhãn quý hay còn chất chứa cả cái tâm tình của những người trồng như anh Sử trong đó nữa.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hợp tác xã chi tiền mua bảo hiểm cho lực lượng thủy nông viên

Dự báo nắng nóng gay gắt còn kéo dài, trong khi nước tích trữ trong các hồ chứa ngày càng suy giảm, Bình Định đang áp dụng nhiều giải pháp để tiết kiệm nước tưới…