Ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đang tập trung triển khai các giải pháp cấp bách để khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU).
Còn nhiều bất cập
Kiên Giang là tỉnh có đội tàu khai thác lớn nhất cả nước, với tổng số tàu đăng ký, quản lý là 10.780 chiếc, công suất bình quân đạt khá cao 257CV/tàu, trong đó đội tàu khai thác xa bờ chiếm 4.500 chiếc. Hàng năm, sản lượng khai thác của tỉnh đạt trên 400 ngàn tấn, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng khai thác của cả nước.
Tình trạng khai thác hải sản của Kiên Giang vẫn mang nặng tính nghề cá nhân dân, với nhiều khó khăn, bất cập |
Riêng 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng khai thác của tỉnh ước đạt gần 287 ngàn tấn, tăng khá so với cùng kỳ và vượt so với kế hoạch. Tuy nhiên, theo đánh giá, nghề khai thác thủy sản hiện vẫn còn nhiều bất cập, với những khó khăn thách thức cả trước mắt và lâu dài.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết: “Sản lượng khai thác hàng năm của tỉnh đều tăng nhưng tỷ trọng sản phẩm khai thác có giá trị kinh tế cao chiếm rất thấp trong cơ cấu sản phẩm khai thác. Việc tổ chức bảo quản sản phẩm sau khai thác còn nhiều hạn chế nên ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của ngư dân.
Tình hình vi phạm trong hoạt động khai thác và bảo vệ thủy sản, va chạm trên biển, tranh chấp ngư trường, nhất là vùng biển ven bờ; tình trạng ngư dân sử dụng tàu cá không kẻ biển số, tàu không đăng ký, đăng kiểm để khai thác thủy sản với một số nghề cấm và khai thác sai vùng... vẫn còn xảy ra”.
Mặc dù công tác tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tập trung quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, tình hình vi phạm trong hoạt động khai thác và bảo vệ thủy sản, va chạm trên biển, tranh chấp ngư trường vùng ven bờ... có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Trong 6 tháng đầu năm, ngành chức năng đã tổ chức hơn 30 cuộc thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Qua đó, đã phát hiện và lập biên bản vi phạm trên 260 trường hợp, với các vi phạm như: khai thác thủy sản không có giấy phép khai thác theo quy định; hoạt động sai vùng khai thác ghi trong giấy phép; sử dụng công cụ cấm để khai thác thủy sản; không có bằng thuyền trưởng, máy trưởng, không mua bảo hiểm thuyền viên trên tàu cá theo quy định; khai thác thủy sản có kích thước nhở hơn kích thước cho phép; không có sổ nhật ký theo quy định; có sổ nhật ký nhưng không ghi chép đầy đủ...
Đáng lo ngại là tình trạng tàu cá và ngư dân của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài và bị bắt giữ mặc dù có giảm nhưng vẫn còn xảy ra. Qua đó cho thấy việc thực hiện ngăn chặn hiệu quả chưa cao, các sở, ngành và UBND các huyện có liên quan triển khai thực hiện thiếu quyết liệt và phối hợp chưa đồng bộ; xử lý chưa nghiêm đối với những trường hợp vi phạm nên không đủ sức răn đe.
Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, Vùng 5 Hải quân và Sở Ngoại vụ Kiên Giang, trong 6 tháng đầu năm 2018, có 14 tàu cá và 129 ngư dân Kiên Giang bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; giảm 17 tàu cá, 38 ngư dân so với cùng kỳ.
Triển khai nhiều giải pháp
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ cuối năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã ban hành chỉ thị về việc triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU (Chỉ thị số 2937/CT-UBND).
Trong đó, chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhất là các địa phương trọng điểm có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài phải trực tiếp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp để chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Kiên Giang khai thác thủy sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Mục tiêu là đến trước ngày 30/4/2018 sẽ chấm dứt được tình trạng này. Tuy nhiên đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Triển khai kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025. Đồng thời, tỉnh đã thành lập Tổ Thông tin tuyên truyền và các sở, ngành (thành viên Tổ 689) phối hợp với Cục Kiểm ngư và các địa phương tổ chức 6 đợt tuyên truyền phổ biến Luật Thủy sản 2017, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh cho 398 lượt người tham dự; in ấn 5.000 “Sơ đồ phạm vi các vùng biển” và một số điểm lưu ý cho ngư dân đánh bắt xa bờ để cấp phát cho ngư dân; cấp phát 633 tờ rơi, tờ bướm và 400 quyển tài liệu...
Phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện các phóng sự tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách và biện pháp xử lý của các nước trong khu vực đối với tàu cá vi phạm để ngư dân hiểu, cung cấp bản đồ một số ranh giới biển giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, Luật Thủy sản của một số nước, tập trung vào các đối tượng chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân...
Ngoài ra, kết hợp với công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Đoàn liên ngành và Đoàn Hải đội đã tuyên truyền cho 1.132 phương tiện tàu cá với 12.452 lượt người, cấp phát 2.264 tờ rơi, tờ bướm, quyển tài liệu.
Ông Quảng Trọng Thao cho biết, ngoài tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tỉnh cũng đã triển khai những biện pháp mạnh, như: Kiên quyết từ chối đăng kiểm đối với các trường hợp tàu cá có màu sơn giống tàu cá nước ngoài (xanh, đỏ, vàng, sọc chéo), không đánh dấu tàu và vẽ số tàu cá không đúng quy định. Tổ chức triển khai thực hiện việc “Cấm đóng mới, nhập khẩu, thuê tàu trần, cải hoán hoặc chuyển sang các nghề: nghề kết hợp ánh sáng hoạt động tại tuyến bờ và tuyến lộng; nghề te, xiệp, xịch, đáy trong sông, đáy biển, nghề lưới kéo; tàu lắp máy chính dưới 30CV làm các nghề khác hoặc các nghề cấm phát triển do UBND cấp tỉnh quy định đã được sự đồng ý của Bộ NN-PTNT” áp dụng từ ngày 17/3/2018.
Sở NN-PTNT cùng Sở Công thương tỉnh triển khai xây dựng đề tài “Nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm trên tàu khai thác, nhằm đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch và công nghệ bảo quản sau đánh bắt”. Phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang xây dựng dự án “Điều tra các nghề khai thác vùng ven bờ và vùng lộng, đề xuất sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển Kiên Giang”.
Nghiên cứu triển khai dự án “Thiết lập mô hình thả rạn nhân tạo trong khu bảo tồn biển” có sự tài trợ của Thái Lan; hợp tác với các công ty, doanh nghiệp và cơ quan, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước thực hiện chương trình, dự án cải thiện nghề cá và phát triển hạ tầng nghề cá tỉnh Kiên Giang.
“Sau khi Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của EC đến kiểm tra tình hình khắc phục các khuyến nghị về khai thác IUU ở một số địa phương của nước ta, trong đó có Kiên Giang, đã có quyết định kéo dài cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam thêm 6 tháng nữa. Nếu không hành động quyết liệt để thay đổi tình hình thì nghề cá của chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì một khi châu Âu đã không nhập hải sản của Việt Nam thì các nước khác họ cũng không mua. Khai thác mà không bán được thì tàu cá chỉ có nước nằm bờ’, ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang. |