Do ảnh hưởng của mưa bão, trong những ngày qua, khu vực huyện Sóc Sơn có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lực lượng quản lý đê chuyên trách và UBND xã Trung Giã đã phát hiện tại vị trí Gò Sành, phía dưới đê hữu Cầu bị sụt, làm hư hỏng nghiêm trọng đoạn đê.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, đại diện các cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn đã có mặt tại thực địa kiểm tra, thảo luận và thống nhất chỉ đạo biện pháp kỹ thuật xử lý giờ đầu sự cố. Sau đó, huyện Sóc Sơn đã huy động nhân lực, phương tiện đào bóc toàn bộ cống cũ, đắp đất và đầm hoàn trả mặt cắt đê.
Bà Hoàng Thị Hà - Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết, trước đó cống tiêu Gò Sành được đặt phía dưới đê hữu Cầu đã bị sụt, làm hư hỏng nghiêm trọng đoạn đê. Nhận được thông tin chúng tôi đã có mặt kịp thời chỉ đạo địa phương nhanh chóng khắc phục sự cố đê.
Đánh giá sơ bộ của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân xảy ra sự cố trên là do hố sụt nằm phía trên đỉnh cống đã bị xói ngầm từ trước làm rỗng một phần thân đê. Đến thời điểm nhất định, tấm bê tông trên mặt đê không giữ được ổn định dẫn đến sập, phát lộ phần thân đê đã bị lún sụt.
Để thay thế nhiệm vụ tiêu úng của cống Gò Sành, huyện Sóc Sơn lắp đặt trạm bơm dã chiến công suất 500-600m3/h, ống dẫn mềm qua đê cách vị trí cống cũ 15m về phía điếm Gò Sành. Chỉ sau một ngày xảy ra sự cố, UBND huyện Sóc Sơn đã hoàn thành việc đắp đất đoạn đê bị sụt lún.
Cống có đường kính 60cm, cao trình đáy cống khoảng 7m, được xây dựng từ năm 1980 có nhiệm vụ tiêu thoát nước cho 35ha sản xuất nông nghiệp và dân sinh, hiện nay UBND xã Trung Giã quản lý.
“Để xử lý triệt để sự cố, bảo đảm ổn định đoạn đê, đáp ứng nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, huyện Sóc Sơn đã đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tham mưu UBND thành phố ban hành lệnh khẩn cấp xây dựng công trình khắc phục”, bà Hoàng Thị Hà, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn chia sẻ.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, xã Trung Giã đã huy động lực lượng chốt trực để phong tỏa, phân luồng giao thông, cấm người và phương tiện không phận sự vào khu vực sự cố; đồng thời báo cáo UBND thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra xử lý cấp bách giờ đầu sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”.
Mặc dù trời mưa và đêm tối, việc khắc phục sự cố gặp nhiều khó khăn nhưng chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và người dân đã vào cuộc một cách khẩn trương; tập trung các giải pháp để nhanh chóng khắc phục sự cố, quyết không để vỡ đê lan rộng gây nguy hiểm, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho người dân.
Ông Khổng Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Trung Giã cho biết, sau khoảng một giờ đê có dấu hiệu vỡ, lực lượng chức năng đã khẩn trương đến hiện trường, đoạn đê vỡ dài khoảng 3 mét, là địa điểm xung yếu, việc khắc phục diễn ra hết sức khó khăn vì trời tối.
Nhờ có lực lượng công an, bộ đội, nhân dân địa phương, dẫu phải xuyên đêm vẫn phải xử lý và khắc phục được đoạn đê vỡ. Việc khắc phục kịp thời đã giúp khu vực dân cư dưới đê được bảo đảm an toàn, diện tích lúa và hoa màu và các công trình thủy lợi khu vực hạ du không bị ảnh hưởng.
Để đảm bảo kết cấu thân đê sau thời gian khắc phục, đến nay đoạn đê vẫn được phủ bạt, UBND xã Trung Giã đặt thêm biển cảnh báo cấm phương tiện lưu thông trong thời gian này.