| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ đê là bảo vệ dân

Thứ Hai 17/06/2024 , 07:15 (GMT+7)

Trận lũ năm 1986 đã làm vỡ một đoạn đê thuộc xã Tứ Yên (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc), để lại bài học 'xương máu' của địa phương trong việc quản lý, bảo vệ đê.

Trở tay không kịp

Tháng 7/1986, trên địa bàn xã Tứ Yên xảy ra tình trạng mưa lớn. Nước sông Lô dâng cao hơn quai đê. Lũ về, đê nứt. Người dân trong khu vực được huy động để khắc phục nhanh tình trạng nứt đê. Bà Nguyễn Thị Hảo (sinh năm 1954, người dân địa phương) cho biết: “Lúc đấy lũ lớn, đê nứt cả ra. Mà lúc đấy là đê đất chứ làm gì có đê bê tông như bây giờ. Đê nứt thì phải gánh đất và đắp bao tải cứu lấy mấy sào lúa, nhưng không kịp trở tay”.

Đoạn đê bị vỡ đã được kè, gia cố chắc chắn, đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân trong đê. Ảnh: Hùng Khang.

Đoạn đê bị vỡ đã được kè, gia cố chắc chắn, đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân trong đê. Ảnh: Hùng Khang.

Lũ về nhanh, lưu lượng nước trên sông tăng đột biến. Dù đã có những phương án để khắc phục, huy động sức mạnh toàn dân để ứng biến nhưng sức người không thắng được sức mạnh của thiên nhiên. Đê vỡ. Toàn bộ lúa và hoa màu trong khu vực đã bị cuốn trôi. May mắn không có thiệt hại về người do đoạn đê vỡ nằm gần khu vực nghĩa địa, ít người sinh sống.

Nhớ lại giây phút kinh hoàng ấy, bà Phạm Thị Khánh (sinh năm 1963) kể lại: “Lúc đấy nhá nhem tối, đang gánh đất để đắp đê, gần đến nơi thì nghe tiếng nước ầm ầm, biết là vỡ đê rồi. Tôi quẳng gánh đất xuống, cắm đầu cắm cổ chạy về… Người còn, nhà còn nhưng lúa thì mất trắng…”.

Bà con trong khu vực đã 'phủ xanh' những con đê để thuận lợi cho việc tiêu thoát nước và rà soát đê thường xuyên. Ảnh: Hùng Khang.

Bà con trong khu vực đã “phủ xanh” những con đê để thuận lợi cho việc tiêu thoát nước và rà soát đê thường xuyên. Ảnh: Hùng Khang.

Sau đó, lũ trên sông vẫn tiếp tục về, tình trạng ngập lụt kéo dài. Dù không cuốn trôi nhà cửa của người dân nhưng do lũ về liên tục nên nhà cửa đều ngập trong nước sông. Bà Hảo kể: “Nước lên nhanh lắm, ngập đến tận lưng nhà. Phải bơi thuyền trong nhà, té nước lên tường để mà cọ rửa bùn cát…”.

Nhiều hộ gia đình có gác xép đã chuyển lên sinh sống ở gác xép trong thời gian nhà ngập. Nhiều vật dụng thiết yếu cũng được chuyển lên cùng. Những đồ vật không thể di chuyển thì người dân đành để chúng “bơi” trong nước. Sau khi nước rút nhiều đồ dùng không thể sử dụng được nữa.

Người còn, nhà còn nhưng trận lũ ấy đã cuốn trôi toàn bộ hoa màu đang trong thời kỳ thu hoạch của bà con. Ông Nguyễn Phú Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Yên, cho biết: “Hơn 100 ha lúa khi ấy mất trắng. Thậm chí, có hơn 5ha lúa là ngập trong cát. Sau này bà con phải xúc bỏ cát đi thì mới tiếp tục canh tác được…”.

Sự cố vỡ đê năm 1986 đã cuốn trôi toàn bộ lúa, hoa màu của bà con xã Tứ Yên và một phần diện tích lúa của xã lận cận. Điều này gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho địa phương về mặt kinh tế xã hội. Nhiều hộ gia đình rất chật vật trong công tác ổn định lại cuộc sống sau lũ. Bà Hảo cho biết: “Đồ đạc thì cứ ngâm nước mãi thế vì vỡ đê nhưng lũ vẫn về. Nước rút thì hỏng hết đồ, phải sắm mới gần như toàn bộ, mà tiền thì trông hết vào mấy sào lúa chứ làm ruộng thì biết trông vào đâu. Khổ lắm!”.

Bài học xương máu

Đã hơn 60 năm kể từ trận lũ lịch sử ấy, nhưng những ký ức, những bài học về quản lý và bảo vệ đê điều vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Sau khi nước rút, chính quyền địa phương đã huy động toàn bộ người dân trong độ tuổi dân công xã hội (từ 18 - 45 tuổi) để khắc phục những hậu quả của trận lũ.

Ông Hưng cho biết: “Năm đấy, phải mất đến 2-3 tháng mới cơ bản khắc phục được hậu quả của trận lũ. Lúc đấy thì cứ mang bao tải, gánh đất, đắp đê thôi chứ không có bê tông, kè chắc chắn như bây giờ… Phải huy động sức mạnh của toàn dân thì mới khắc phục nhanh chóng được như vậy… Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng triển khai một số phương án để giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống sau lũ như thăm hỏi, động viên, hỗ trợ lúa giống…”.

Hiện nay, nhiều vị trí đê xung yếu đã được kè an toàn, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho bà con trong khu vực sinh sống và canh tác. Đặc biệt, đoạn đê vỡ nằm ở khu vực bến đò Ngang xã Tứ Yên hiện nay đã được gia cố chắc chắn. Nhiều hoạt động trồng trọt, chăn nuôi đã bình thường trở lại. Bà Khánh cho biết: “Sau lần đấy, thì nhà tôi cũng trồng lúa lại, không bị cát vào nên cũng bớt khó khăn hơn những hộ ở ngay đầu lũ…”.

Công tác bảo vệ, quản lý đê điều ở xã Tứ Yên là dựa vào sức dân. Bảo vệ đê cũng là bảo vệ dân. Hiện nay, chính quyền địa phương triển khai nhiều phương án để nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ đê. Cụ thể, việc mở rộng mặt đê đang được tiến hành ở giai đoạn 1, với công tác đổ nền, giải phóng mặt bằng. Điều này góp phần gia cố đê, ngăn lũ đảm bảo an toàn cho bà con.

Ông Hưng cho biết: “Hàng năm, UBND xã Tứ Yên đến các hộ dân tiếp giáp với sông, hoặc ở gần đê tuyên truyền bà con không lấn chiếm, lạm dụng, trồng cây lên hành lang đê để bảo vệ đê. Ngoài ra, đội quản lý đê nhân dân thường xuyên kiểm tra, đặc biệt là trước mùa mưa lũ để đảm bảo an toàn cho người dân… Nêu cao trách nhiệm cộng đồng để tạo nên sức mạnh tập thể trong việc phòng chống thiên tai”.

Cuộc sống của người dân đã được 'bình thường hoá' sau hơn 60 năm cùng với chính quyền địa phương tạo nên sức mạnh cộng đồng trong việc phòng chống thiên tai. Ảnh: Hùng Khang.

Cuộc sống của người dân đã được “bình thường hoá” sau hơn 60 năm cùng với chính quyền địa phương tạo nên sức mạnh cộng đồng trong việc phòng chống thiên tai. Ảnh: Hùng Khang.

Ngoài ra, những hộ dân bám đê sinh sống cũng thường xuyên phát quang cây cỏ, để có thể phát hiện những bất thường trên đê. Bản thân những hộ gia đình này cũng tham gia vào việc rà soát, phát hiện những sự cố trên đê để thông báo với chính quyền địa phương nhằm đưa ra phương án xử lý kịp thời, tránh hậu quả nghiêm trọng.

“Câu chuyện năm 1986 là một bài học rất lớn đối với địa phương, góp phần nâng cao nhận thức của người dân bởi đê là hành lang để bảo vệ cho người và tài sản. Vì vậy việc quản lý đê từ sau năm 1986 được bà con địa phương đề cao. Từ đó cho đến nay, người dân xác định rõ vai trò của đê gắn liền với cuộc sống của người dân nên rất đồng thuận trong công tác quản lý đê…”, ông Hưng đề cao sức mạnh tập thể trong công tác quản lý và bảo vệ đê điều ở địa phương.

Nhờ bảo vệ tốt con đê mà ngày nay đời sống nhân dân được bình yên, không ngừng tăng gia sản xuất, không bị thiệt hại mùa màng và phát triển kinh tế. Theo đánh giá của ông Hưng, kinh tế của địa phương không thua kém bất kỳ xã, thị trấn nào trong khu vực, thậm chí là nhỉnh hơn.

Đời sống của người dân trong khu vực ngày càng được nâng cao. Điều này cho thấy rằng, sức mạnh tập thể trong việc người dân phòng chống thiên tai là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển của địa phương. 

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...