| Hotline: 0983.970.780

Khai mở tiềm năng từ mức chi tiêu gần 2.000 tỷ USD của thị trường Halal

Thứ Ba 28/06/2022 , 16:54 (GMT+7)

Thị trường Halal được đánh giá có tiềm năng rất lớn với các sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam với mức chi tiêu mỗi năm xấp xỉ 2.000 tỷ USD.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao chụp ảnh cùng đại diện các địa phương, quốc gia liên quan đến các sản phẩm Halal. Ảnh: Tùng Đinh.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao chụp ảnh cùng đại diện các địa phương, quốc gia liên quan đến các sản phẩm Halal. Ảnh: Tùng Đinh.

Chiều 28/6, Bộ Ngoại giao và Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức Hội nghị "Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam" với sự tham gia của nhiều địa phương, doanh nghiệp và một số đại diện các quốc gia sử dụng các thực phẩm Halal tại Việt Nam.

Theo Bộ NN-PTNT, Việt Nam nằm trong top 15 quốc gia dẫn đầu xuất khẩu nông sản trên thế giới. Sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam có mặt tại 196 quốc gia và vùng lãnh thổ với chất lượng, giá trị và vị thế không ngừng được nâng cao.

Đặc biệt, các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam được đánh giá là phù hợp với thị trường Halal. Theo báo cáo kinh tế Hồi giáo toàn cầu, chi tiêu cho thực phẩm Halal sẽ tăng nhanh, từ 1.400 tỷ USD năm 2020 lên mức 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050.

“Do vậy, thị trường sản phẩm Halal toàn cầu có tiềm năng to lớn, đầy triển vọng, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản, lương thực, thực phẩm”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định.

Thanh Hóa được đánh giá là địa phương có tiềm năng sản phẩm Halal. Ảnh: Tùng Đinh.

Thanh Hóa được đánh giá là địa phương có tiềm năng sản phẩm Halal. Ảnh: Tùng Đinh.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, nhiều nông sản của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với yêu cầu chứng nhận Halal và được người Hồi giáo ưa chuộng.

Tính đến năm 2021, có trên 50% các tỉnh, thành phố đã bước đầu xuất khẩu thực phẩm sang thị trường Halal toàn cầu; một số Tập đoàn lớn và khoảng 750 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có chứng nhận Halal.

Tuy nhiên, hiện nay thực phẩm Halal xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là nông, thủy sản thô và sơ chế với 8 mặt hàng xuất khẩu chính là bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, gạo, thủy sản, hạt điều, cà phê, hàng rau quả, hạt tiêu và chè.

Từ năm 2020 đến nay, Bộ Ngoại giao cùng với Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan đã đánh giá tiềm năng, triển vọng thị trường Halal toàn cầu, định vị Việt Nam trên bản đồ Halal thế giới nhằm khai mở thị trường Halal toàn cầu.

“Thị trường này rất giàu tiềm năng và phát triển nhanh, với nhiều lĩnh vực như thực phẩm, dược-mỹ phẩm, du lịch, dệt may, dịch vụ… Nhiều nước đã có chiến lược, chương trình phát triển ngành Halal, nền kinh tế và hệ sinh thái Halal một cách chiến lược và toàn diện. Tuy nhiên, vị trí của Việt Nam còn khá khiêm tốn trên bản đồ Halal toàn cầu”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chia sẻ thêm.

Tại hội nghị, các địa phương, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cùng ngồi lại để đưa ra giải pháp khai thác tiềm năng của thị trường Halal. Ảnh: Tùng Đinh.

Tại hội nghị, các địa phương, doanh nghiệp và cơ quan quản lý cùng ngồi lại để đưa ra giải pháp khai thác tiềm năng của thị trường Halal. Ảnh: Tùng Đinh.

Để khắc phục vấn đề này, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới việc khai mở và giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.

“Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã chỉ đạo, giao Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ, ban, ngành và tỉnh thành liên quan xây dựng định hướng tổng thể thúc đẩy sự phát triển ngành Halal Việt Nam về dài hạn, nhất là đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ Halal toàn cầu”, lãnh đạo Bộ Ngoại giao nói.

Theo ông Phạm Quang Hiệu, để có thể tiếp cận và khai thác thị trường Halal, bên cạnh tập trung vào đối thoại chính sách, hướng dẫn quá trình sản xuất, chế biến, thị trường và chứng nhận Halal cho hàng nông lâm thủy sản, cần đưa ra được những ý kiến đóng góp về cơ chế, chính sách, thực tiễn triển khai.

Đồng thời, thúc đẩy xây dựng bộ tiêu chuẩn chứng nhận Halal chung của Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương cho hàng nông lâm thủy sản và hoạt động chứng nhận Halal cũng như hợp tác quốc tế, công nhận lẫn nhau cho thị trường Hồi giáo trên thế giới.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.