| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt tại thị trường Trung Đông

Thứ Năm 17/03/2022 , 18:37 (GMT+7)

Nhu cầu nhập khẩu mặt hàng đồ gỗ, ngũ cốc, cao su, sản phẩm cao su, thịt, sữa, sản phẩm sữa, rau quả các loại… của thị trường Trung Đông rất lớn.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC. 

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC. 

Nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt

Chia sẻ tại buổi Hội thảo “Cơ hội vàng cho xuất khẩu Việt đến các quốc gia Trung Đông sau đại dịch Covid-19” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức chiều 17/3, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết, Trung Đông (bao gồm 16 quốc gia) đang nổi lên như khối thị trường xuất khẩu tiềm năng cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam, với dân số đông khoảng 400 triệu dân và mức sống cao.

Việt Nam có quan hệ thương mại với khu vực Trung Đông, tập trung vào 6 quốc gia thành viên thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC). Trong đó, 6 nước thành viên GCC đã thực hiện Liên minh thuế quan (CU) và thống nhất áp dụng biểu thuế nhập khẩu chung có mức thuế khoảng 5% áp dụng trong toàn khu vực đối với hầu hết các sản phẩm từ tháng 1/2003.

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Kuwait Ngô Toàn Thắng, rào cản thương mại tại thị trường các nước GCC là việc yêu cầu giấy chứng nhận về tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng, nhãn mác... do Tổ chức Tiêu chuẩn và Đo lường vùng Vịnh (GSMO) cấp, giấy chứng nhận Halal đối với các sản phẩm thực phẩm, thủy sản nhập khẩu.

Ông Thắng cho rằng, cơ hội cho DN Việt Nam tại thị trường GCC đang rộng mở với nhiều thuận lợi. “Khối GCC có sức mua lớn, khả năng thanh toán cao do có nguồn tài chính dồi dào. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của GCC khá phù hợp với những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh và nhu cầu của Việt Nam, thuế nhập khẩu của khối GCC khá thấp”, ông Thắng cho hay.

Nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia này là rất lớn (từ 2-8 tỷ USD/năm) đối với các mặt hàng như đồ gỗ, sản phẩm nhựa, ngũ cốc, dệt may, giày dép, cao su và sản phẩm cao su, thịt, sữa và sản phẩm sữa, rau quả các loại… “Đây là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Nhưng, tỷ trọng các mặt hàng này của Việt Nam trong cơ cấu hàng nhập khẩu của các nước Trung Đông vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng hai bên”, ông Tuấn nhìn nhận

Trong khi đó, ngành nông nghiệp của khu vực Trung Đông còn chưa phát triển do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt; công nghiệp sản xuất khó phát triển, nên khu vực này vẫn phải nhập khẩu nhiều thực phẩm, hàng tiêu dùng. Một thuận lợi nữa khi xuất khẩu sang Trung Đông, là mức thuế nhập khẩu chỉ từ 0-5% đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài khối. Chính vì điều này mà Trung Đông trở thành một thị trường đầy trường tiềm năng của Việt Nam.

Ông Tuấn nhìn nhận, với TP.HCM, Trung Đông là một thị trường đầy tiềm năng và còn nhiều dư địa để khai thác. Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM sang các quốc gia Trung Đông tăng đều theo các năm, với các mặt hàng như thủy hải sản, rau củ quả, cà phê, hạt tiêu, dệt may, máy tính và linh kiện điện tử, linh kiện điện thoại….

“Hiện nay DN Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường Trung Đông như thiếu thông tin, những rào cản về logistics, thanh toán quốc tế. Vì vậy, DN rất cần nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan tổ chức ngoại giao của Việt Nam tại khu vực, cũng như các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư như ITPC”, Ngô Toàn Thắng nói.

Sản phẩm trưng bày của các doanh nghiệp Việt.

Sản phẩm trưng bày của các doanh nghiệp Việt.

Chìa khóa vàng vào thị trường Trung Đông

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc Marketing Văn phòng chứng nhận Halal – HCA Việt Nam cho biết, Thế giới Hồi giáo có 57 quốc gia thành viên OIC; 2,2 tỷ người Hồi giáo đang sinh sống tại 112 quốc gia trên thế giới (chiếm 25% dân số thế giới). “Đây là thị trường có văn hóa kinh doanh đặc biệt và thường yêu cầu phải có chứng nhận Halal”, bà Hằng nói.

Theo bà Hằng, lợi ích của chứng nhận Halal là vô cùng lớn, giúp DN có thể đáp ứng được các yêu cầu khi xuất khẩu vào các quốc gia Hồi giáo và được người Hồi giáo tin tưởng mua, sử dụng mà không phải do dự.

Bà Hằng lưu ý các DN khi tham gia chương trình chứng nhận Halal, khi chuẩn bị đăng ký, DN cần áp dụng Halal vào sản xuất, lưu ý chọn nguyên liệu Halal. Các công ty nông thủy sản cần đặc biệt lưu ý khi sản xuất các sản phẩm Haram sẽ rất khó trong quá trình đánh giá Halal. DN cần lựa chọn sản phẩm tham gia chứng nhận, địa điểm nhà máy và chương trình chứng nhận phù hợp với nhu cầu của mình.

Trong quá trình đánh giá Halal, cơ quan đánh giá sẽ tiến hành truy xuất nguyên liệu và tất cả thành phần có trong quá trình sản xuất, cho nên lưu ý DN cần phải rất kỹ trong khâu này. Sau khi được cấp chứng nhận, DN cũng cần phải lưu ý khi ra sản phẩm mới, thay đổi nguyên liệu… phải đảm bảo tính toàn vẹn Halal trong quá trình sản xuất.

Ngoài ra, khi chứng nhận cho 1 sản phẩm có tên nhãn hàng cụ thể, bắt buộc phải đánh giá hiện trường tất cả các nhà máy sản xuất ra sản phẩm mang cùng tên nhãn hàng đó (bao gồm cả đơn vị gia công bên ngoài); sản phẩm không mô phỏng hình con giống, bao bì sản phẩm không có hình ảnh thịt heo, liên quan đến con heo; tên sản phẩm không được liên quan đến tôn giáo khác, không liên quan đến Haram.

Yêu cầu riêng đối với các công ty yêu cầu sản phẩm Halal nhưng có sản xuất sản phẩm liên quan đến chất cấm (thịt heo.., rượu, bia) thì dây chuyền đã từng sản xuất sản phẩm liên quan đến thị heo bắt buộc phải tẩy rửa theo nghi thức Hồi giáo trước khi tiến hành sản xuất sản phẩm Halal (chỉ thực hiện 1 lần duy nhất);

Dây chuyền sản xuất sản phẩm có thịt heo phải tách biệt hoàn toàn về nhà xưởng, thiết bị, con người với dây chuyền sản phẩm Halal; DN phải tiến hành đào tạo, xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn Halal trước khi tiến hành đánh giá (phải có hồ sơ, hệ thống tài liệu quản lý); phải có người Hồi giáo làm giám sát (1 người/1 ca làm việc, hoặc 1 người làm QA); có kết quả kiểm nghiệm AND heo/lợn đối với các sản phẩm của doanh nghiệp có sản xuất liên quan đến thịt…

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất