| Hotline: 0983.970.780

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 1] Cần 'khám chuyên khoa' cho đất để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu

Thứ Tư 27/11/2024 , 06:00 (GMT+7)

Gần đây, đã có khoảng 20 tỉnh, thành tiến hành kiểm tra chất lượng đất nông nghiệp phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng sản lượng, chất lượng nông sản.

Bản đồ đất Việt Nam.

Bản đồ đất Việt Nam.

Theo PGS.TS Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), gần đây một số tỉnh, thành đã bắt đầu quan tâm đến sức khỏe đất nhưng nhiều tỉnh, thành vẫn chưa bởi không có thông tin vì thiếu đi các mạng lưới chân rết nghiên cứu và quản lý về chất lượng đất sản xuất nông nghiệp. Xưa có một mạng lưới chân rết quan trắc, phân tích đất ở các vùng do Liên Xô (cũ) tài trợ, sau đó mạng lưới này không duy trì được nữa nên thiếu nhiều thông tin.

Cán bộ Viện Thổ nhưỡng Nông hóa không đủ khả năng để đi tới tất cả các tỉnh, thành, trao đổi với lãnh đạo, thuyết phục họ về tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe đất. Bởi thế hi vọng loạt bài về sức khỏe đất trên Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ là một kênh thông tin tốt tới các tỉnh, thành.

Tại sao gần đây người ta lại hay nói về sức khỏe đất? Thực ra trước đây Việt Nam cũng có đánh giá về chất lượng đất, độ phì nhiêu của đất, trong đó cũng có các chỉ tiêu lý, hóa, sinh (dù nghiên cứu về lý, hóa đất ở ta được ưu tiên hơn so với sinh học đất).

Sức khỏe đất được nói nhiều gần đây bởi có chương trình Một sức khỏe (CDC Hoa Kỳ khởi xướng), trong đó sức khỏe đất, sức khỏe cây trồng, sức khỏe con người, sức khỏe vật nuôi, sức khỏe môi trường… là những hợp phần không thể tách rời để có một thế giới mạnh khỏe. Sức khỏe của đất có thể được định nghĩa là trạng thái tối ưu của các chức năng sinh học, vật lý và hóa học của đất hay khả năng của đất để duy trì năng suất, sự đa dạng và các dịch vụ môi trường của các hệ sinh thái trên cạn.

PGS.TS Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa. Ảnh: Dương Đình Tường.

PGS.TS Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sức khỏe đất được đánh giá dựa trên 5 chức năng của đất (tính đa dạng sinh học và năng suất cây trồng; khả năng cung cấp nước và các chất dinh dưỡng hòa tan; khả năng lọc, đệm và giải độc; khả năng lưu trữ, luân chuyển các chất dinh dưỡng và carbon; tính ổn định về cấu trúc vật lý), mỗi chức năng lại có những chỉ tiêu phân tích để đánh giá.

Đánh giá về sức khỏe đất cần phải tiếp cận theo từng loại đất và đối tượng cây trồng cụ thể. Như Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã đưa ra một loạt các chỉ số về lý, hóa, sinh học đất nhưng đó là đánh giá chung. Ở Nhật Bản (trong một dự án hợp tác với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa) đưa ra 19 chỉ số đánh giá sức khỏe đất gồm các tính chất lý, hóa, sinh học đất, hàm lượng các chất dinh dưỡng tổng số dễ tiêu được đặt trong mối quan hệ với hoạt động của hệ vi sinh vật đất và tính chất lý - hóa học của đất. Các chỉ số đều có ngưỡng đánh giá, đất có sức khỏe tốt đảm bảo các chỉ tiêu trong ngưỡng đánh giá.

“Chúng ta trước đây đánh giá sức khỏe của đất mới chỉ dựa vào một số tính chất lý, hóa. Nếu coi đất như là thực thể sống như con người thì chúng ta mới chỉ dừng ở điều tra tổng thể, đo sức khỏe với các chỉ số chiều cao cân nặng thôi, chứ chưa đánh giá được một cách chi tiết.

Với nhiều hiện tượng suy thoái đất bây giờ, cần "phải khám lâm sàng, khám chuyên khoa" thì mới có thể giải quyết được vấn đề. Giống như khi phân tích máu có thể biết được người đó bị tiểu đường hay gút bởi vì có số liệu để so sánh và đánh giá. Chúng tôi cũng muốn tiếp cận theo hướng đó để đánh giá sức khỏe đất cho từng cây trồng cụ thể. Muốn làm được như thế phải có những nghiên cứu rất bài bản và lâu dài để có nhiều dữ liệu.

Các nhà khoa học trong một đợt kiểm tra chất lượng đất.

Các nhà khoa học trong một đợt kiểm tra chất lượng đất.

Mong muốn của chúng tôi là sẽ xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu chất lượng đất trực tuyến, chi tiết đến từng thửa ruộng của toàn quốc để hỗ trợ việc quản lý và sử dụng đất hiệu quả, dẫu rằng chi phí cập nhật và duy trì là rất tốn kém. Nhưng việc tạo lập một khung cơ sở dữ liệu chung thì cần có hỗ trợ của nhà nước, còn việc duy trì và cập nhật sẽ được xã hội hóa với những đối tượng cần và sử dụng bộ cơ sở dữ liệu này.

Chúng ta sẽ tìm cách làm để xã hội hóa việc này nhanh nhất, tương tự như trên Google map, tại sao lại nhiều thông tin đến vậy, vì những người sử dụng phản hồi lại, cập nhật thông tin. Còn để xây dựng toàn bộ bộ cơ sở dữ liệu (như chúng ta mong muốn) mà chỉ bằng kinh phí nhà nước hay chỉ do các các đơn vị có chuyên môn làm thì không biết bao giờ mới xong được dữ liệu chất lượng đất của 63 tỉnh thành, mà lại đến từng thửa ruộng. Mà tới khi hoàn thiện được thì dữ liệu đã lại quá cũ so với diễn biến trên thực tế, bởi có những chỉ số chỉ vài tháng là biến động…”, PGS.TS Trần Minh Tiến bày tỏ.

Cũng theo TS Tiến, sử dụng đất hiệu quả không chỉ quan tâm đến sức khỏe đất (dựa vào các chỉ tiêu lý, hóa, sinh học đất gọi là độ phì tự nhiên của đất) mà còn phải quan tâm đến độ phì thực tế của đất (gồm ngoài độ phì tự nhiên còn các yếu tố khác tác động đến sản xuất như đặc điểm khí hậu, địa hình, khả năng tưới tiêu…). Có những đất độ phì tự nhiên không cao nhưng độ phì thực tế lại rất cao như đất xám bạc màu do phù hợp với các cây trồng cạn và thường phân bố ở gần thị trường tiêu thụ là các vùng đô thị lớn.

Nghiên cứu quan trắc xói mòn và quản lý đất dốc.

Nghiên cứu quan trắc xói mòn và quản lý đất dốc.

Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đang thực hiện nhiều dự án về đánh giá đất đai (thực chất là đánh giá độ phì thực tế của đất) tại các địa phương. Trong quá trình thực hiện, đơn vị cũng phát hiện được các vấn đề liên quan đến độ phì tự nhiên của đất và cũng có nhiều câu hỏi rất lý thú liên quan đến mối quan hệ đất - cây trồng cần có những nghiên cứu chuyên sâu mới trả lời được.

"Ví dụ tại Phú Yên, mọi người có hỏi chúng tôi tại sao cùng một giống xoài ở cao nguyên Vân Hòa có dải đất cây ra hoa, nhưng không đậu quả được. Trả lời được câu hỏi đó không dễ vì liên quan đến nhiều yếu tố tác động, nhưng dựa vào các điều tra đánh giá đất đai thì ít nhất cũng có thể loại trừ được một số yếu tố tác động và có định hướng nghiên cứu yếu tố tác động chính xác hơn", TS Tiến kể.

Thực hiện các nhiệm vụ về đánh giá đất đai tại các địa phương, mục đích chính là giúp các địa phương sử dụng hợp lý nhất nguồn tài nguyên đất, phát huy được các lợi thế về điều kiện tự nhiên (chất lượng đất, điều kiện khí hậu). Nhưng thực tế cũng không dễ vì nông dân sẽ phải theo lợi nhuận sản xuất là chính. Lấy ví dụ nếu giá hồ tiêu mà 250 - 300.000đ/kg bảo là đất không phù hợp thì nông dân vẫn cứ trồng, tuy rủi ro sẽ có nhưng họ chấp nhận được, thậm chí chỉ cần thu hoạch vài vụ rồi thất bại cũng không sao. (Còn nữa).

Triển khai Quyết định số 3592/QĐ-BNN-BVTV ngày 23/09/2023 của Bộ NN-PTNT phê duyệt kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực của Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030, Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 5416/QĐ-BNN-BVTV ngày 18/12/2023 Phê duyệt Đề án Phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030. 

Để triển khai có hiệu quả Đề án về IPHM, việc "khám tổng thể" sức khỏe đất để có cơ sở đưa ra các giải pháp phù hợp trong canh tác nhằm tăng sức khỏe cây trồng trong cách tiếp cận tổng thể "một sức khỏe" là yêu cầu rất cần thiết hiện nay của ngành nông nghiệp.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Lượng tiêu thụ tăng vọt, người trồng rau hối hả vào vụ Tết

HÀ TĨNH Giá rau vụ Tết tuy không nhỉnh hơn nhiều so với bình thường nhưng lượng tiêu thụ thường cao gấp 4 - 5 lần.