Hạn mặn bủa vây
Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, do ảnh hưởng hiện tượng El Nino đặc biệt khốc liệt nhất trong lịch sử, với cường độ mạnh và kéo dài gần 100 năm qua, từ tháng 12/2015 đến nay hạn và mặn xâm nhập sâu vào các cửa sông vùng ĐBSCL.
Trong các biện pháp đối phó ngắn hạn, trước mắt cần bảo vệ vụ lúa ĐX 2015 - 2016; đề xuất giải pháp cụ thể bảo vệ vườn cây ăn trái, vùng nuôi thủy sản, đặc biệt đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân trong vùng. Trong tương lai, để đối phó trước các tình huống thiên tai dự báo sẽ còn nghiêm trọng, gay gắt thường xuyên hơn, chúng ta phải tính toán tìm giải pháp đối phó lâu dài.
Hiện nay ở các tỉnh ven biển ĐBSCL mặn đã xâm nhập nghiêm trọng từ hai hướng biển Đông và biển Tây. Mặn xâm nhập gần như toàn bộ các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Nước mặn đã vào gần 1/2 diện tích các tỉnh Kiên Giang, một phần phía Đông tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Long An. Tại thị xã Tân An (Long An) cách biển Đông hơn 70km, độ mặn đo được từ 10 - 12g/l, vượt khả năng chịu đựng của cây trồng.
Thiệt hại do khô hạn và xâm nhập mặn tác động mạnh đến SX lúa. Trong vụ lúa mùa 2015, Kiên Giang có hơn 57.800 ha lúa thì riêng vùng đất lúa - tôm bị hạn mặn lên tới 34.000 ha. Trong khi đó vùng lúa TĐ muộn (2015) ở 2 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau có 32.000 ha bị hạn, mặn.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau lo lắng: Hiện có 18.000 ha lúa, chiếm 56% diện tích ở vùng vùng lúa - tôm đang đứng trước nguy cơ thiệt hại nặng, trong đó lúa bị thiệt hại trên 70% có 13.000 ha và bị thiệt hại khoảng 30 - 40% có 4.600 ha.
Hơn nữa, do khô hạn, nắng nóng kéo dài, nước bốc hơi nhanh. Mực nước ở khu vực Vườn quốc gia U Minh hạ hiện giảm hơn 6 tấc (60 cm) gây lo ngại trong việc bảo vệ rừng tràm rộng lớn.
Theo Bộ NN-PTNT, vụ lúa ĐX 2015 - 2016 toàn vùng ĐBSCL có trên 1,5 triệu ha. Trong đó hơn 970.000 ha lúa thuộc 8 tỉnh ven biển, chiếm hơn 62% diện tích ĐX, thì có đến 340.000 ha đứng trước nguy cơ bị hạn, mặn và hiện có hơn 104.000 ha bị ảnh hưởng nặng, chiếm 11% diện tích xuống giống của vùng ven biển.
Tại Vĩnh Long xâm nhập mặn đã ảnh hưởng nhiều vườn cây ăn trái chuyên canh bưởi da xanh, sầu riêng, xoài. Trong khi đó ở Hậu Giang và Sóc Trăng độ mặn có nơi đo được trên 3%o đe dọa nhiều vườn cây ăn trái.
Tiếng nói từ địa phương
Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cực kỳ lo lắng trước tình trạng xâm nhập mặn.
Theo ông Chánh, mặn đã ảnh hưởng rất lớn đến SX nông nghiệp. Năm nay nước mặn từ biển Đông và biển Tây lấn sâu vào địa phận Hậu Giang. Từ trước đến nay ở TX Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp nước ngọt quanh năm vậy mà trong những ngày giáp tết vừa qua mặn xâm nhập đo được từ 2 - 3%o, gây thiệt hại hơn 50% diện tích vườn cây ăn trái và vùng trồng mía. Có nơi độ mặn lên cao nhất 5 - 8%o.
Ông Chánh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành đảm bảo 2 mục tiêu chính: cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân và sớm thực hiện đồng bộ các biện pháp công trình thủy lợi để đảm bảo an toàn cho SX nông nghiệp; đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các địa phương bị nhiễm mặn cao.
Theo ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, hiện nay các tuyến kênh trong tỉnh bị xâm nhập mặn lấn sâu vào 34km nội đồng, riêng tháng 6 - 7/2015 vừa qua tại TP Rạch Giá thiếu nước ngọt sinh hoạt nghiêm trọng kéo dài gần 1 tháng.
Tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống xâm nhập mặn nhằm đảm bảo cung cấp nước nước sinh hoạt phục vụ người dân, đồng thời đáp ứng nhu cầu SX nông nghiệp và phòng chống cháy rừng.
Tỉnh đã cho đóng sớm các hệ thống cống ven biển Tây, đắp 82 đập ngăn mặn tạm với kinh phí gần 20 tỷ đồng. Đồng thời đề nghị các địa phương có biện pháp cấp bách nạo vét kênh mương nội đồng, trữ nước phục vụ SX nông nghiệp, tiếp tục theo dõi lấy ngọt từ sông Hậu về và trữ nước phục vụ sinh hoạt cho người dân. Đối với vụ HT sắp tới, tỉnh chỉ đạo cần thay đổi lịch thời vụ xuống giống để né hạn và mặn.
Lúa bị thiệt hại do khô hạn và xâm nhập mặn
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiến nghị hỗ trợ đầu tư nạo vét các tuyến kênh chứa nước trong mùa mưa ở khu vực rừng U Minh Hạ; đầu tư hệ thống hồ chứa nước ngọt phục vụ nước sinh hoạt cho dân và kết hợp phục vụ phòng cháy rừng; nâng cấp các đập xung quanh rừng tràm; đồng thời xem xét hỗ trợ dự án đầu tư dẫn nước ngọt từ Nam sông Hậu về Cà Mau để hạn chế tối đa tình trạng khoan nước ngầm ở vùng đất bị nhiễm mặn.
Giải pháp trước mắt
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đề xuất một số giải pháp trước mắt: Trong SX lúa cần tập trung chỉ đạo bố trí thời vụ SX và thời gian xuống giống của các vụ HT 2016 và mùa 2016 thật hợp lý, né tránh hạn, mặn, tập trung, nhanh và gọn.
Thời vụ lúa HT 2016 cần tập trung vào tháng 4, tháng 5, điều này phù hợp với chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và sắp xếp thời vụ SX lúa ở ĐBSCL.
Lưu ý không xuống giống lúa XH vì lượng nước phục vụ cho SX lúa khan hiếm và tiềm ẩn nhiều rủi ro như thiếu nước và là cầu nối dịch hại cho lúa HT chính vụ.
Đối với những vùng không chủ động về nguồn nước kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại không đáng có.
Cơ cấu giống, bên cạnh ưu tiên cho SX các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, cần chú ý các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn, đặc biệt ở 8 tỉnh ven biển vùng ĐBSCL sử dụng các giống lúa ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, hạn và mặn là thiên tai nghiêm trọng và rất khó lường trước. Vì vậy đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai ở các địa phương cùng các ngành khẩn trương vào cuộc.
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cập nhật tình hình khí hậu thủy văn trong nước và thế giới, phối hợp với các địa phương có bản tin dự báo 15 ngày/lần đến từng huyện, xã và từng hộ gia đình để biết tích trữ nước sinh hoạt và SX nông nghiệp.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Tình hình hạn và mặn ở ĐBSCL có thể diễn biến lâu dài nên các địa phương phải chủ động ứng phó kịp thời; sử dụng nguồn vốn ODA cho các công trình, dự án phòng chống thiên tai với tầm nhìn lâu dài, có hiệu quả.
Chính phủ giao cho Bộ NN-PTNT và Văn phòng Chính phủ dự thảo dự án phòng chống hạn và xâm nhập mặn với nguồn vốn 2.300 tỷ đồng ưu tiên cho khu vực Nam Trung bộ và đặc biệt ĐBSCL.
Các Bộ ngành cần tiếp tục nghiên cứu để ứng phó biến đổi khí hậu. Bộ NN-PTNT tiếp tục rà soát quy hoạch thủy lợi và chuyển đổi vùng SX, đưa ra các giống cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu với vùng mặn, lợ ở một số tỉnh ven biển.
Đối với vùng SX lúa có mức độ thiệt hại trên 70% các địa phương tạm ứng ngân sách cấp bách theo chính sách hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.
Dự báo xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ có khả năng tiếp tục sâu hơn và cao hơn cùng kỳ mùa khô năm 2015 và trung bình nhiều năm. Từ cuối tháng 2/2016 mặn có khả năng duy trì ở mức cao, nghiêm trọng. Trên sông Tiền, sông Hậu độ mặn trên 4g/l có thể xâm nhập sâu khoảng 50 - 70 km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70 km. Độ mặn sẽ tăng cao và kéo dài đến đầu tháng 5/2016. |