Họp khẩn cấp
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp, nhằm bàn giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở kè đê biển Bạc Liêu trong những ngày vừa qua. Tham gia cuộc họp có lãnh đạo các sở, ngành có liên quan cùng với đại diện Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam.
Nhiều đoạn kè sóng đánh cao hơn 3m.
Chủ tịch Dương Thành Trung cho biết, tình trạng sạt lở kè Nhà Mát và kè Gành Hào từ thời điểm trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu đến nay vẫn diễn biến phức tạp. Phạm vi, mức độ hư hại của hai kè trên đang ngày càng nghiêm trọng hơn. Khả năng vỡ kè Gành Hào đang ở mức báo động. Đặc biệt, đời sống hơn 8.000 hộ dân ở khu vực I thị trấn Gành Hào đang bị ảnh hưởng trực tiếp do sạt lở, triều cường.
Sau khi nghe đơn vị tư vấn thông qua phương án xử lý, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh cần tập trung bàn thảo đi đến thống nhất phương án xử lý hiệu quả, hợp lý để khắc phục nhanh sự cố, đảm bảo tính mạng, tài sản, ổn định đời sống người dân.
Đại diện Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam - đơn vị tư vấn kỹ thuật công trình khắc phục sạt lở Gành Hào trình bày chi tiết, cụ thể phương án thiết kế công trình khắc phục đoạn sạt lở G1 kè Gành Hào năm 2017 trên cơ sở phân tích hiện trạng kè và nguyên nhân gây sạt lở.
Đời sống hơn 8.000 hộ dân ở khu vực I thị trấn Gành Hào đang bị ảnh hưởng.
Phương án được đơn vị tư vấn đề xuất là đóng cột bê tông cốt thép tại đoạn kè G1 – 835 Gành Hào, xây lại tường hắt sóng mới với cao trình +5 (dương 5) thay cho +4 (dương 4) trước đây và sử dụng cấu kiện Tetrapod (một loại cấu kiện kỹ thuật bằng bê tông cản, phá sóng gần bờ) để đặt lên mái kè đoạn bị vỡ nối dài đến khu vực dân cư tập trung sau kè.
Giải pháp nào cứu đê?
Đại diện Viện KHTL Miền Nam giải trình, bổ sung thông tin đối với các yêu cầu, đề nghị của các đơn vị chuyên môn của tỉnh. Đồng thời, Viện đề xuất, tỉnh Bạc Liêu cần xem xét để nhanh chóng đưa công trình trên vào công trình cấp bách, ứng phó thiên tai để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thiết kế, thi công công trình nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn trình trạng sạt lở.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND Dương Thành Trung nhất trí chọn phương án sử dụng cấu kiện Tetrapod cản, phá sóng gần bờ và thiết kế khắc phục đoạn sạt lở G1 kè Gành Hào do Viện KHTL Miền Nam tư vấn.
Khắc phục lại những đoạn kè bị sạt lở này là rất khó và cần nguồn kinh phí lớn.
Để việc thi công kịp thời, hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn kỹ thuật tiếp tục nghiên cứu chi tiết hơn, cụ thể hơn, chính xác hơn các thông số đặc thù của khu vực thi công “cuối biển đầu sông” của kè Gành Hào như độ lún, độ trượt, dòng chảy và khả năng chịu lực của toàn bộ hệ thống kè hiện nay. Các Sở, ngành cần tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn để thực hiện nhanh thủ tục, phân bổ nguồn vốn để đẩy sớm tiến độ công việc.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, xây dựng phương án khắc phục sạt lở kè Nhà Mát để triển khai nhanh việc gia cố đoạn kè bị vỡ mái và bảo vệ kè. Định hướng lâu dài cho tình trạng sạt lở, ngành NN- PTNT cần nghiên cứu các giải pháp phá sóng xa bờ, ưu tiên việc gây bồi tạo bãi, trồng rừng bảo vệ kè.
Tuy nhiên, theo lo lắng của các đại biểu, việc sửa chữa, khắc phục lại đoạn kè bị sạt lở này rất khó, mất nhiều thời gian. Bởi hiện tại thời tiết trên biển xấu, sóng to, gió mạnh, trong khi đây là vùng bán thủy triều, nước dâng lên rút xuống ngày 2 lần, việc thi công chủ yếu vào ban đêm nên gây nhiều khó khăn.
Nguyên nhân được xác định là do thay đổi dòng chảy, triều cường dâng, sóng to, gió mạnh đã tạo những cột sóng cao cả chục mét, va đập trực tiếp vào thân kè đê làm sạt lở, vỡ kè.
Theo Sở NN- PTNT Bạc Liêu, kè đê biển Gành Hào (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) và kè đê biển Nhà Mát (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) xuất hiện sạt lở từ cuối tháng 1 đến nay. Hiện kè đê Gành Hào sạt lở dài gần 90m, rộng 10m, sâu 2,5m, tổng diện tích sạt lở 870m2; kè Nhà Mát đã vỡ dài 24m và phần còn lại của tuyến kè trên đã xuất hiện nhiều vét nứt, sụp lún, nguy cơ sạt lở cao. Đặc biệt, trong đợt triều cường dâng, gió mạnh, sóng to các ngày 27, 28/2 đến rạng sáng 1/3, tại các tuyến kè này tiếp tục sạt lở phát sinh, trong đó lo lắng nhất là kè đê biển Gành Hào đang đứng nguy cơ vỡ rất cao. |