Mặc dù Phó Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo từ trước Tết Quý Tỵ về việc xem xét cho XK đường, nhưng đến đầu tháng 3 này, các DN vẫn đang mòn mỏi chờ được “bật đèn xanh” để thực hiện điều này.
Theo nguồn tin từ một số DN mía đường, trước Tết Quý Tỵ, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính và Hiệp hội Mía đường Việt Nam, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc xuất khẩu đường. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình sản xuất, tiêu thụ đường để giải quyết xuất khẩu bảo đảm cân đối cung cầu đường trong nước và kịp thời giải phóng lượng đường tồn kho ở mức hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất đường, tiêu thụ tốt mía cho nông dân.
Giá đường giảm do tồn kho cao đang ảnh hưởng xấu tới giá mía của nông dân
Sau khoảng 1 tháng có công văn trên, các nhà máy đường vẫn chưa được phép xuất khẩu. Trong khi đó, lượng đường sản xuất ra vẫn tiếp tục tăng lên khá nhiều do đang là thời điểm chính vụ. Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tồn kho đường đang ở mức cao nhất, chưa từng có trong lịch sử ngành Mía đường Việt Nam. Đến ngày 1/3, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đã lên tới 392.162 tấn, tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội Mía đường là 22.699 tấn. Tức là đã có trên 400 ngàn tấn đường đang chờ tiêu thụ. Ngoài ra, do chưa được phép của Bộ Công thương, việc xuất khẩu đường qua đường mòn lối mở sang Trung Quốc như hiện nay bị hạn chế về số lượng, phải tốn rất nhiều chi phí không đáng tốn và bị bên mua chèn ép giá, nhiều rủi ro.
Trước tình hình đó, vào ngày 2/3 vừa rồi, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có công văn gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, về việc xuất khẩu mặt hàng đường để giải quyết khó khăn tồn kho quá lớn. Hiện nay, do tồn kho lớn, giá thị trường liên tục giảm, lãi suất ngân hàng phát sinh ngày càng nhiều, nhiều công ty mía đường đã phải chọn giải pháp bán tháo để chốt lỗ. Điều này làm cho tình hình sản xuất tiêu thụ đường ngày càng xấu đi, nhiều nhà máy đã buộc phải quyết định giảm giá mua mía để giảm lỗ, ảnh hưởng đến nông dân.
Bởi vậy, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã tha thiết đề nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ liên quan giải quyết kịp thời trước mắt việc xuất khẩu đường theo cơ chế như đã thống nhất tại cuộc họp giữa Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Mía đường Việt Nam ngày 15/1/2013 hoặc một hình thức khác thông thoáng hơn.
Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong tháng 3 này, do vẫn đang là chính vụ, nên sản lượng đường tiếp tục cao, vào khoảng 300 ngàn tấn. Vì thế, nhiều khả năng mức tồn kho kỷ lục trên 400 ngàn tấn hiện nay sẽ còn tiếp tục tăng lên nữa, qua đó có thể khiến cho giá đường tiếp tục giảm xuống. Giá đường kính trắng bán buôn tới đầu tháng 3 chỉ còn ở mức 13.600 - 13.900 đ/kg tại TP.HCM, 13.900 - 14.100 đ/kg tại Cần Thơ, 13.500 - 13.600 đ/kg tại miền Trung…
Thông tin mới nhất từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay, vào ngày 4/3 tại Bộ Công thương đã có buổi họp về đề nghị xuất khẩu đường của Hiệp hội này. Thông tin sơ bộ cho thấy Bộ Công thương đã đồng ý cho xuất, nhưng chi tiết chưa rõ vì chưa có thông báo chính thức.