| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương hoàn thiện đề án phát triển hệ thống logistics cho nông sản Việt

Thứ Tư 07/02/2024 , 16:39 (GMT+7)

Việc hoàn thiện hạ tầng hệ thống logistics phục vụ sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Hạ tầng hệ thống logistics có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Hạ tầng hệ thống logistics có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Ngày 6/2, Thủ tướng gửi Công điện số 13/CĐ-TTg đến Bộ trưởng các Bộ: NN-PTNT, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Ngoại giao; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam và các Hiệp hội ngành hàng nông nghiệp yêu cầu tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Công điện nêu, hạ tầng hệ thống logistics có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể nền kinh tế nói chung và phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng. So với sức sản xuất, tiềm năng, lợi thế nông nghiệp hiện nay, hệ thống logistics còn là một điểm nghẽn trong kết nối giữa sản xuất và đưa nông sản ra thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

"Việc hoàn thiện hạ tầng hệ thống logistics phục vụ sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu có ý nghĩa hết sức quan trọng, cần được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn", Công điện nhấn mạnh.

Để nhanh chóng hoàn thiện hệ thống logistics nhằm kết nối, sản xuất nông sản, phục vụ tốt hơn phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới, Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan hoàn thiện trình Thủ tướng xem xét phê duyệt Đề án "Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050".

Đây là căn cứ tổ chức và triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển hệ thống logistics nông sản đáp ứng yêu cầu thực tiễn trước mắt và dài hạn.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT có nhiệm vụ phối hợp với các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch các trung tâm dịch vụ logistics nông sản; đồng thời phối hợp Bộ Công thương tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực về logistics, chuỗi cung ứng nói chung và chuỗi logistics nông sản nói riêng cho cán bộ, các doanh nghiệp và HTX.

Với thị trường Trung Quốc, Bộ NN-PTNT khẩn trương phối hợp Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cụ thể hóa các nội dung Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc và các văn kiện hợp tác đã ký kết về hợp tác nông nghiệp, mở cửa thị trường nông sản, thúc đẩy đa dạng hóa kênh phân phối truyền thống qua chợ đầu mối, trung tâm dịch vụ logistics nông sản giữa các cặp cửa khẩu hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại nông sản chính ngạch qua các sàn thương mại điện tử.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam vừa có chuyến công tác tại các tỉnh biên giới Trung Quốc, khảo sát về tình hình giao thương nông sản. Ảnh: VTV.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam vừa có chuyến công tác tại các tỉnh biên giới Trung Quốc, khảo sát về tình hình giao thương nông sản. Ảnh: VTV.

Với Bộ Công thương, Thủ tướng giao khẩn trương xây dựng trình Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045".

Cùng với đó, phối hợp với Bộ NN-PTNT đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản gắn với dịch vụ logistics ra thị trường quốc tế.

Các bộ, ngành khác có trách nhiệm rà soát, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng cho các trung tâm logistics nông sản; tạo thuận lợi cho thương mại nông sản. Ngoài ra, cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống vận tải gắn kết giữa các trung tâm trong hệ thống dịch vụ logistics nông sản.

Đặc biệt, ngay trong quý I/2024, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương trao đổi, làm việc phía Trung Quốc để tối ưu hóa chi phí vận chuyển, thủ tục thông thương, nhanh chóng xây dựng đường chuyên dụng hàng hóa nông sản tại các cặp cửa khẩu phụ giáp biên tại 6 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh, Lai Châu, Hà Giang.

Trên cơ sở kết nối các trục giao thông đang xây dựng, Bộ Giao thông vận tải sẽ hỗ trợ, thúc đẩy cho cư dân địa phương, doanh nghiệp hai nước, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu giao thương từ hai phía.

Tại địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, cơ cấu sản xuất nông lâm thủy sản tại địa phương gắn với phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics nông sản và quy định mô hình hoạt động của các trung tâm dịch vụ logistics nông sản.

Bên cạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách theo thẩm quyền, địa phương được khuyến khích thu hút doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có năng lực tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành các trung tâm dịch vụ logistics nông sản trên địa bàn.

Tất cả nhằm xây dựng những chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản tại các vùng nguyên liệu chủ lực và tổ chức lại sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp để cung cấp nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn và bền vững thông qua hệ thống trung tâm dịch vụ logistics nông sản.

Các hiệp hội ngành hàng có trách nhiệm liên kết, hợp tác thiết lập chuỗi logistics nông sản, áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh nhằm giảm chi phí logistics, gia tăng giá trị hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu. Cùng với đó, khuyến khích các thành viên tham gia thực hiện các chuỗi cung ứng nông sản và các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hệ thống logistics nông sản từ vùng nguyên liệu tới thị trường tiêu thụ.

Xem thêm
Chú trọng tháo gỡ rào cản thể chế để phát triển khoa học, công nghệ

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc chú trọng tháo gỡ rào cản thể chế để phát triển khoa học, công nghệ khi triển khai các nhiệm vụ của Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...