| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương phòng chống nắng nóng cho thủy sản

Thứ Tư 02/06/2021 , 16:19 (GMT+7)

Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương triển khai ngay một số biện pháp ứng phó với nắng nóng kéo dài.

Tổng cục Thủy sản ngày 2/6 đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản trong điều kiện thời tiết nắng nóng năm 2021.

Tổng cục Thủy sản cho biết theo Dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, nắng nóng và nắng nóng gay gắt sẽ xảy ra tại khu vực miền Bắc và Nam Trung Bộ từ tháng 6 đến tháng 8/2021 với nền nhiệt phổ biến 37 - 40 độ C, mỗi đợt nắng nóng kéo dài từ 4 - 6 ngày.

Cần tích cực tạo oxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí vào thời điểm 10-18h và ban đêm khi trời nắng nóng. Ảnh: TL.

Cần tích cực tạo oxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí vào thời điểm 10-18h và ban đêm khi trời nắng nóng. Ảnh: TL.

Kết quả quan trắc, giám sát môi trường tại các ao nuôi, vùng bãi triều và đầm/vịnh cho thấy nhiệt độ nước có xu hướng tăng cao (≥ 33 độ C) từ 13-15 giờ trong ngày.

Hiện tượng nắng nóng bất thường, hạn hán có thể xảy ra ở nhiều địa phương; sau nắng nóng rất có thể sẽ có mưa dông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của thuỷ sản nuôi.

Để kịp thời ứng phó với các hiện tượng bất thường của thời tiết, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đối với sản xuất thuỷ sản, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương triển khai ngay một số nội dung:

Chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; tăng cường quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi; triển khai ngay các khuyến cáo qua các bản tin cảnh báo môi trường của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I, II, III.

Tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi nhằm hỗ trợ, phục vụ người dân bơm nước cho hoạt động nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm.

Thả giống với mật độ hợp lý và có biện pháp chăm sóc đúng kỹ thuật. Dừng thả giống khi điều kiện thời tiết không cho phép nhằm hạn chế thiệt hại do nắng nóng và các hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra.

Phổ biến và hướng dẫn người nuôi thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật ứng phó với nắng nóng, hạn hán và biến động bất thường của thời tiết giai đoạn đầu mùa mưa nhằm ổn định môi trường ao nuôi, nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nuôi.

Chủ động thu hoạch thuỷ sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm khi nắng nóng kéo dài. Ảnh: TL.

Chủ động thu hoạch thuỷ sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm khi nắng nóng kéo dài. Ảnh: TL.

Tổng cục Thủy sản đã có hướng dẫn về một số giải pháp kỹ thuật ứng phó với tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, mưa dông bất thường. Cụ thể:

Đối với thuỷ sản nuôi trong ao

Kiểm tra bờ, cống ao để tránh hiện tượng rò rỉ nước. Duy trì mực nước trong ao trên 1,5 m, tích cực tạo oxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí vào thời điểm 10-18h và ban đêm. Những nơi có điều kiện thay nước có thể thay từ 15-20% lượng nước cũ và cấp thêm nước mới vào ao dưới dạng phun mưa (tốt nhất vào sáng sớm).

Dùng lưới lan che che phủ 2/3 diện tích mặt ao và cao hơn mặt nước trên 2m để hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, giảm tăng nhiệt độ nước trong ao, tránh gây sốc cho tôm nuôi.

Giảm 50% lượng thức ăn khi trời nắng nóng gay gắt. Bổ sung vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng, duy trì đàn tôm nuôi.

Hàng tuần nên dùng vôi bột hòa tan tạt đều khắp ao vào buổi chiều mát để khử trùng nguồn nước và ổn định pH trong ao với hàm lượng 2 - 4 kg vôi bột/100 m3 nước.

Chủ động thu hoạch thuỷ sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm hoặc san thưa mật độ ngay khi thiếu nước, hạn hán xảy ra.

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe thủy sản nuôi khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Ảnh: TL.

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe thủy sản nuôi khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Ảnh: TL.

Đối với nuôi nhuyễn thể (ngao)

Định kỳ kiểm tra, vệ sinh bãi nuôi, san bằng mặt bãi, khai thông vùng nước ở các bãi nghêu nhằm tránh hiện tượng nước đọng cục bộ và giảm thiểu ảnh hưởng của sự chênh lệch nhiệt độ trong ngày làm ngao yếu và chết.

Vào thời điểm nắng nóng, đối với các bãi ngao nằm ở vùng cao triều, thời gian phơi bãi quá 4h/ngày cần san thưa mật độ và cào ngao đến vùng thấp hơn, thu gom xác ngao chết để hạn chế lây lan dịch bệnh.

Thu tỉa khi ngao đạt kích cỡ thu hoạch. Đối với ngao nuôi chưa đạt kích cỡ thu hoạch, tiến hành kiểm tra mật độ để có kế hoạch chủ động san thưa, đảm bảo mật độ nuôi từ 180 – 200 con/m2 đối với cỡ ngao từ 400 – 600 con/kg, dưới 250 con/m2 đối với cỡ ngao từ 500 – 800 con/kg, 250 – 350 con/m2 đối với cỡ ngao từ 800 – 2000 con/kg.

Hạn chế thả giống vào thời điểm nhiệt độ cao và nắng nóng kéo dài.

Đối với thủy sản nuôi sông/hồ và trong các đầm, vịnh

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe thủy sản nuôi, thu gom thức ăn thừa, vỏ lột, xác thủy sản chết. Di chuyển lồng bè chưa nuôi nhằm tăng sự thông thoáng mặt nước cho vùng nuôi. Sử dụng lưới lan che bề mặt lồng bè nuôi để giảm ánh sáng trực tiếp xuống đáy lồng nuôi.

Khi mực nước trên sông/hồ giảm cần hạ thấp lồng nuôi hoặc di chuyển lồng nuôi đến nơi có mực nước sâu để bảo đảm độ sâu luôn ở mức 2,5 – 3,0 m. Đối với vùng nuôi tôm hùm có hàm lượng vật chất hữu cơ nhiều nên đặt lồng nuôi cách đáy khoảng 1,5-2,0 m nhằm khắc phục việc thiếu oxy cục bộ.

Giảm 50-70% lượng thức ăn cho ăn hàng ngày hoặc ngừng cho ăn vào những ngày nắng nóng gay gắt. Chọn loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao kết hợp với việc bổ sung vitamine C, khoáng chất, chế phẩm để duy trì thuỷ sản nuôi trong giai đoạn nắng nóng gay gắt.

Tiến hành thu tỉa khi tôm, cá nuôi đạt kích cỡ thu hoạch. Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày.

Xem thêm
Chính phủ sẽ nghiên cứu làm đường sắt tốc độ cao đến Cần Thơ, Cà Mau

Tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ dừng lại ở TP Hồ Chí Minh, Chính phủ và các cơ quan đang nghiên cứu kéo dài về Cần Thơ và đến tận Cà Mau.

Thủy lợi nội đồng cho vùng ngọt - nhiệm vụ cấp thiết

Cà Mau Giữ vùng ngọt, điều tiết nước hợp lý, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi để đáp ứng sản xuất là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Cà Mau.

Nhiều vùng trũng thấp ở Nha Trang bị ngập

KHÁNH HÒA Do những ngày qua có mưa lớn kết hợp hồ chứa nước điều tiết nên nước sông Cái Nha Trang dâng cao, nhiều vùng trũng thấp tại TP Nha Trang bị ngập.