Đó là thời điểm cuối tháng 10/2020, nhiều hộ dân trong xã Lý Quốc thấy đàn trâu, bò có dấu hiệu mắc bệnh viêm da nổi cục. Đến hết ngày 1/11, xã có 4 xóm có trâu, bò bị nhiễm bệnh với 102 con mắc, trong đó có 6 con bị chết.
Ông Lương Bế Tuân, xóm Khưa Thoang, xã Lý Quốc, chia sẻ: Gia đình tôi có 8 con bò. Khoảng 1 tuần nay thì thấy một số con có dấu hiệu sốt cao, bỏ ăn, da nổi những nốt sần. Tôi đã báo cho cán bộ thú y của xã đến kiểm tra tình hình. Người dân chúng tôi chỉ có đàn gia súc là tài sản lớn nhất nên rất lo sợ mỗi khi có dịch bệnh bùng phát. Mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý dịch bệnh này.
Ông Phương Đức Thiện, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hạ Lang thông tin: Từ một vài con mắc bệnh đầu tiên ở xã Lý Quốc, mấy ngày gần đây, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã lan rộng ra nhiều xã trong huyện Hạ Lang. Tính đến hết ngày 1/11, toàn huyện có 6 xã (Lý Quốc, Minh Long, Đồng Loan, Thắng Lợi, Kim Loan, Thị Hoa) có trâu, bò mắc bệnh với tổng số 142 con (chủ yếu là bò) bị bệnh, trong đó có 8 con chết.
Phòng NN-PTNT đang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các địa phương có dịch bệnh tuyên truyền người dân cách ly đàn trâu, bò mắc bệnh, nghi nhiễm với những con còn khỏe mạnh để theo dõi và hạn chế lây lan dịch bệnh. Yêu cầu các xã báo cáo số liệu nhiễm mới hàng ngày để theo dõi và kiểm soát.
Theo ông Thẩm Văn Khiêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hạ Lang: Ngay khi nắm thông tin báo lên từ xã, huyện đã tổ chức đoàn xuống kiểm tra tại các địa phương và những hộ dân bị mắc bệnh, nghi nhiễm; chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã có dịch bệnh triển khai thực hiện thông báo tình hình và chỉ đạo các địa phương nghiêm túc quán triệt triển khai văn bản của huyện về khẩn trương thực hiện một số biện pháp chủ yếu nhằm kiểm soát, phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Phối hợp lấy mẫu bệnh phẩm để gửi đi xét nghiệm, nghiêm cấm việc di chuyển trâu bò mắc bệnh ra khỏi vùng.
Ông Bế Xuân Tiến, Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Bằng cho biết: Bệnh viêm da nổi cục trước đây đã xuất hiện ở một số nước và đây là lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Với điều kiện chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ, chuồng trại chăn nuôi đa số ẩm thấp ở Cao Bằng, chính là điều kiện để virus lưu giữ, phát triển trong môi trường và lây nhiễm nhanh thời gian qua. Hiện Cục Thú y đã cử Chi cục Thú y vùng I và vùng II phối hợp với địa phương để lấy mẫu xét nghiệm.
Sở chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác cách ly những con đã nhiễm, có biểu hiện nhiễm. Giám sát chặt việc người dân bán chạy bò bị bệnh, nghi bị bệnh. Sở đã ứng kinh phí dự toán ngành Nông nghiệp để mua thuốc phun diệt ve, ruồi, muỗi (tác nhân lây truyền bệnh lớn nhất) ở tất cả các ổ dịch.