| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hòa hướng nuôi biển bền vững

Thứ Năm 08/11/2018 , 10:05 (GMT+7)

Khánh Hòa là thủ phủ nuôi trồng thủy sản khu vực Nam Trung bộ, nhất là nghề nuôi biển. Nghề này tuy có xu hướng ngày càng phát triển nhưng thời gian qua bộc lộ những nguy cơ thiếu bền vững. 

10-57-04_
Ông Nguyễn Trọng Chánh

Nguyên nhân là mật độ lồng nuôi vượt ngưỡng cho phép, năng suất thủy sản nuôi lồng có xu hướng giảm trong những năm gầy đây.

Bên cạnh đó, người nuôi biển đang đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn sản xuất, giống, môi trường ngày càng ô nhiễm và thị trường tiêu thụ vẫn bấp bênh.

Chúng tôi có cuộc trao với ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, Khánh Hòa có những lợi thế gì với nghề nuôi biển?

Ông Nguyễn Trọng Chánh: Khánh Hòa có 3 vịnh Nha Trang, Cam Ranh và Vân Phong với diện tích trên 100.000ha. Điều kiện tự nhiên, khí tượng thủy văn nơi đây rất thuận lợi cho việc nuôi biển, nhất là đối tượng tôm hùm và cá biển các loại.

Đối với tôm hùm hiện nay 2 đối tượng được người dân nuôi chính là tôm hùm bông (sao) và tôm hùm xanh (tôm đá). Và, cũng tùy theo từng vùng nuôi mà đối tượng tôm hùm bông hay tôm hùm xanh được nuôi nhiều hơn.

Nghề nuôi tôm hùm những năm qua trên địa bàn ngày càng phát triển về số lượng ô lồng nuôi và sản lượng thu hoạch.

Cụ thể, nếu năm 2009 toàn tỉnh có 19.705 lồng nuôi tôm hùm với sản lượng đạt 628 tấn, thì đến năm 2017 mặc dù bị thiệt hại do bão số 12, nhưng sản lượng nuôi tôm hùm vẫn đạt 984 tấn, với 40.620 ô lồng thả nuôi.

Còn đối với nuôi cá biển như cá bớp, cá chim vây vàng, cá hồng, cá chẽm, cá mú... cũng có sự tăng mạnh về cả số lượng lồng bè và sản lượng nuôi. Nếu năm 2010 mới chỉ có 3.502 lồng với 904 tấn thì đến năm 2017 đã tăng lên 7.532 lồng với 3.424 tấn.

Sự phát triển của nghề nuôi biển đã có sự đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của toàn ngành thủy sản.

10-57-04_c
Nghề nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa rất phát triển, mang lại thu cao cho người nuôi.

Được biết, nghề nuôi biển ở Khánh Hòa cũng bắt đầu đối mặt khó khăn nhất là vấn nạn ô nhiễm?

Ông Nguyễn Trọng Chánh: Chất lượng môi trường nuôi có dấu hiệu giảm sút ở một số địa phương đồng thời với tập quán nuôi trồng thủy sản lồng bè theo kiểu truyền thống (lồng gỗ và lồng sắt) và theo kinh nghiệm là chính. Tại một số vùng nuôi mật độ lồng bè nuôi phát triển dày đặc như vùng nuôi lồng bè đảo Trí Nguyên (Nha Trang) 239 lồng/ha. Khoảng cách giữa các bè nuôi <5m tại vùng nuôi Đầm Môn (Vạn Ninh), Cam Bình, Cam Lập (Cam Ranh). Điều này đã tạo điều kiện cho dịch bệnh trên thủy sản phát triển, gây thiệt hại cho người nuôi.

Ngoài ra, một bộ phận người nuôi chưa có ý thức và trách nhiệm với cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường nuôi thủy sản, việc sử dụng hóa chất, kháng sinh còn tùy tiện, nuôi trồng không theo quy hoạch... phần nào hạn chế sự phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương.

Để giải quyết những tồn tại trên, ngành thủy sản Khánh Hòa thực hiện giải pháp gì để giúp người nuôi phát triển bền vững?

Ông Nguyễn Trọng Chánh: Trước hết tổ chức sắp xếp lồng bè đúng vùng quy hoạch theo QĐ số 1788/QĐ-UBND ngày 22/6/2018.

Theo đó, tại vịnh Nha Trang có ba vùng được quy hoạch. Vùng mặt nước đảo Bích Đầm phát triển nuôi lồng truyền thống, diện tích khoảng 6ha. Vùng mặt nước giao giữa đảo Bích Đầm và Đầm Bấy được quy hoạch nuôi công nghiệp (lồng Na Uy), diện tích khoảng 50ha. Vùng mặt nước đảo Trí Nguyên (Hòn Miễu) phát triển nuôi lồng truyền thống, diện tích khoảng 14ha.

Tại Vịnh Cam Ranh cũng được quy hoạch 3 vùng nuôi. Vùng mặt nước tại Bình Ba với diện tích 100ha, chủ yếu nuôi lồng chìm. Vùng mặt nước tại Cam Lập, diện tích khoảng 500ha, chủ yếu nuôi lồng chìm. Vùng mặt nước tại Bình Hưng, diện tích khoảng 30ha, nuôi lồng chìm và lồng nổi.

Còn tại vịnh Vân Phong được quy hoạch 6 vị trí nuôi. Cụ thể, vị trí 1 (thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng), diện tích 120ha, nuôi lồng truyền thống. Vị trí 2 (lạch Cổ Cò, xã Vạn Thạnh), diện tích 100 - 120ha, nuôi lồng truyền thống kết hợp nuôi lồng công nghiệp. Vị trí 3 (Bãi Nặm và Bãi Sau thuộc thôn Khải Lương) diện tích 100ha, nuôi lồng truyền thống kết hợp nuôi lồng công nghiệp. Vị trí 4 (Cửa Lớn phía mũi Cổ Cò) diện tích 50 - 60ha, nuôi lồng công nghiệp. Vị trí 5 (phía Nam hòn Ông) diện tích 100ha, nuôi lồng truyền thống. Vị trí 6 (Hòn Vung) diện tích 50ha, nuôi lồng truyền thống.

Tại TX Ninh Hòa (đầm Nha Phu) với 3 vị trí nuôi. Vị trí 1 nuôi lồng truyền thống, diện tích 40ha ở phía tây nam các đảo Hòn Lăng, Hòn Giữa và Hòn Thị. Vị trí 2 nuôi lồng truyền thống, diện tích 20ha ở phía tây nam đảo Hòn Thị. Vị trí 3 nuôi lồng công nghiệp, diện tích 26ha ở phía tây khu vực bãi giông (xã Ninh Vân).

Bên cạnh đó, xây dựng các chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Chẳng hạn hỗ trợ chi phí mua mới lồng nuôi bằng vật liệu nhựa HDPE cho tổ chức, cá nhân có dự án liên kết...

Đa dạng hóa các mô hình tổ chức sản xuất; khuyến khích phát triển các mô hình liên kết, liên doanh giữa người sản xuất với các nhà máy chế biến, nhà đầu tư... nhằm hình thành chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản nuôi. Kết quả bước đầu, tại thôn Bình Ba, xã Cam Bình (Cam Ranh) đã hình thành một HTX NTTS lồng bè với 12 thành viên và đang gia tăng số lượng thành viên. Tại đảo Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên (Nha Trang) đã hình thành 6 tổ, đội liên kết NTTS với khoảng 100 hộ nuôi lồng bè...

10-57-04_b
Nghề nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa rất phát triển, mang lại thu cao cho người nuôi.

Chúng tôi khuyến khích hỗ trợ ưu tiên sử dụng lồng làm bằng vật liệu HDPE, đáp ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu. Cũng như xây dựng các vùng nuôi khơi, các vùng lồng bè công nghiệp tập trung áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, vật liệu làm lồng có thể chịu được sóng gió, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm tạo ra sản phẩm phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Tại Khánh Hòa hiện có Cty TNHH Thủy sản AUSTRALIS đã nuôi qui mô công nghiệp, sản lượng hàng năm đạt 2.000 - 2.500 tấn. Và trang trại NTTS của Viện Nghiên cứu NTTS 1, sản lượng đạt 350-400 tấn.                       (Ông Nguyễn Trọng Chánh)

 

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.