Xây dựng 9 chuỗi an toàn thực phẩm về nông sản, thủy sản
Nhằm hình thành các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực của tỉnh được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi từ khâu trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế, chế biến và tiêu thụ, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Khánh Hòa đã tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh ban hành Quyết định 3961 ngày 26/12/2016 về việc phê duyệt kế hoạch xây dựng, phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Khánh Hòa, đến nay, tỉnh đã xây dựng được 9 chuỗi an toàn thực phẩm về nông sản, thủy sản. Cụ thể, 2 chuỗi cung cấp rau tươi tại Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa) và xã Vĩnh Phương (TP Nha Trang); 1 chuỗi cung cấp tỏi tại xã Vạn Hưng (Vạn Ninh) và các xã Ninh Vân, Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa); 1 chuỗi cung cấp thịt lợn; 1 chuỗi cung cấp thịt gia cầm; 1 chuỗi cung cấp tôm hùm, ốc hương, tôm thẻ tại huyện Vạn Ninh; 3 chuỗi cung cấp trái cây gồm xoài của huyện Cam Lâm; sầu riêng của huyện Khánh Sơn và bưởi da xanh, chanh không hạt tại huyện Khánh Vĩnh.
Các sản phẩm tham gia mô hình được kiểm soát theo chuỗi từ khâu trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến sơ chế, chế biến và tiêu thụ.
Ông Chu Đức Hùng, Trưởng phòng Chế biến thương mại nông sản (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa) cho biết, việc hình thành các chuỗi nông sản, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng là rất cần thiết và quan trọng. Các chuỗi bước đầu đem lại thuận lợi cho Hợp tác xã, tổ hợp tác trong việc tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm, góp phần xây dựng quy trình sản xuất, tiêu thụ nông sản chủ lực tại địa phương theo hướng bền vững.
Điển hình như Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa), các sản phẩm rau của Hợp tác xã này đã vào các siêu thị, bếp ăn tập thể...và được người tiêu dùng tiêu thụ.
Ông Phan Văn Vũ, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Ninh Đông, cho biết, hiện Hợp tác xã có 9 thành viên và 35 lao động trực tiếp sản xuất với diện tích 7 ha. Từ năm 2014 đến nay, Hợp tác xã luôn duy trì sản xuất rau, củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Các sản phẩm của Hợp tác xã hiện đã vào các siêu thị như Co.opmart, Lotte, Go tại TP Nha Trang và các bếp ăn tập thể của trường học, các công ty, nhà máy đường trên địa bàn, với sản lượng tiêu thu khoảng 20 tấn/tháng; doanh thu mỗi năm 6-7 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Ninh Đông, các sản phẩm Hợp tác xã hiện tuân thủ quy trình nghiêm ngặt trong sản xuất, đảm bảo thời gian cách ly khi tiến hành thu hoạch theo quy định tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, hàng năm qua việc lấy mẫu kiểm tra các sản phẩm của Hợp tác xã sản xuất đều đảm bảo an toàn thực phẩm.
Về vấn này, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa xác nhận và cho biết, hàng năm Chi cục đều tiến hành lấy mẫu các sản phẩm được chứng nhận VietGAP để phân tích các chỉ tiêu vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định, kết quả đều đạt yêu cầu.
Nhân rộng các chuỗi sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm
Theo ông Chu Đức Hùng, Trưởng phòng Chế biến thương mại nông sản (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa), trên cơ sở kết quả triển khai xây dựng các mô hình chuỗi cung cấp nông, thủy sản an toàn theo VietGAP, năm 2021, Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh ban hành Quyết định 1261 về việc phê duyệt Đề án phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, giai đoạn này, Chi cục tiếp tục triển khai nhân rộng, phát triển mô hình chuỗi cung cấp nông, thủy sản an toàn theo VietGAP trên địa bàn toàn tỉnh để từ đó hình thành những vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn cả về diện tích, sản lượng, chất lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Do đó, trong thời gian tới, ngoài việc giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân phát triển, nhân rộng các vùng sản xuất được chứng nhận VietGAP, Chi cục sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai hỗ trợ các vùng sản xuất, các doanh nghiệp trong việc đáp ứng các quy định của các thị trường xuất khẩu như mã số vùng trồng, mã số chứng nhận vùng nuôi thủy sản an toàn…Cùng với đó tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng và áp dụng hệ thống truy suất nguồn gốc, đặc biệt là hệ thống truy suất nguồn gốc điện tử để quản lý sản xuất từ khâu sản xuất ban đầu tới sản phẩm cuối cùng.
Đồng thời kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đầu tư công nghệ, máy móc, trang thiết bị để thực hiện quá trình chế biến sâu các sản phẩm tư nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào của tỉnh như xoài, sầu riêng, tỏi, bưởi da xanh… để từ đó nâng cao giá trị, đa dạng hóa sản phẩm, thúc đẩy tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Khánh Hòa, sự thành công của các mô hình sản xuất nông nghiệp tốt đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế tại địa phương, cũng như góp phần vào mục tiêu chung của tỉnh về việc xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với việc tiêu thụ nông sản chủ lực của địa phương, bảo đảm bền vững, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.