| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hòa sẽ giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất

Thứ Ba 07/02/2023 , 08:44 (GMT+7)

Người lao động bị thu hồi đất ở huyện Cam Lâm và TP Cam Ranh (Khánh Hòa) để thực hiện đô thị mới Cam Lâm sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề và việc làm.

Đào tạo nghề cho lao động bị thu hồi đất

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa mới đây đã ký quyết định về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn huyện Cam Lâm và TP Cam Ranh.

Tỉnh Khánh Hòa đã xây đề án giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất. Ảnh: KS.

Tỉnh Khánh Hòa đã xây đề án giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất. Ảnh: KS.

Theo đó, mục tiêu của đề án này là giúp cho người lao động bị thu hồi đất trong quá trình đô thị hóa được học nghề, có việc làm, có thu nhập và cuộc sống tốt hơn. Cũng như thực hiện đầy đủ và đồng bộ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động bị thu hồi đất với những chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm; đồng thời đảm bảo cung cấp nhân lực qua đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đề án của UBND tỉnh Khánh Hòa, có khoảng 70.975 người trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng do quá trình thực hiện đô thị hóa theo quy hoạch. Tuy nhiên trong số lao động có độ tuổi, trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu tuyển vào làm việc trong các doanh nghiệp là rất ít. Đối với người lao động lớn tuổi với trình độ văn hóa thấp, không có chuyên môn kỹ thuật, chỉ quen với công việc làm nông, khả năng chuyển đổi ngành nghề mới và vào làm việc trong các doanh nghiệp cũng rất hạn chế.

Còn đối với lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp thì đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu để tạo công ăn việc làm…Trong khi đó, với dự báo quy mô lao động đô thị mới Cam Lâm để đạt được mục tiêu phát triển các ngành kinh tế sẽ phải đảm bảo cung cấp lao động cả về lượng và chất. Do đó tỉnh Khánh Hòa dự kiến lực lượng lao động sẽ thay đổi từ nay đến năm 2045.

Trong đó cơ cấu lao động sẽ chuyển dịch mạnh từ nông, lâm, ngư nghiệp sang khu vực dịch vụ, thương mại và công nghiệp - xây dựng. Riêng khu vực dịch vụ, thương mại và du lịch sẽ trở thành nguồn chính của việc làm trong tương lai.

Một góc nhìn trên cao của huyện Cam Lâm. Ảnh: XH.

Một góc nhìn trên cao của huyện Cam Lâm. Ảnh: XH.

Tỉnh Khánh Hòa cho rằng, việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động chuyển đổi nghề nghiệp sẽ tập trung ở các nghề tài chính ngân hàng, dịch vụ du lịch và nhà hàng, khách sạn để cung cấp lao động cho khu vực dịch vụ và du lịch. Đồng thời đào tạo các nghề công nghệ - kỹ thuật nhằm phục vụ cho khu vực công nghiệp, xây dựng và phải đào tạo các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp công nghệ cao cho các lao động ở nhóm có độ tuổi lao động cao để phát triển các nghề truyền thống, buôn bán, dịch vụ nhỏ lẻ và khu vực quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao.

7 mô hình đào tạo nghề giải quyết việc làm

Trên cơ sở thực trạng lao động, trong quá trình xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, tỉnh Khánh Hòa định hướng đào tạo nghề giải quyết việc làm cho đối tượng theo độ tuổi lao động và trình độ văn hóa.

Theo đó, phương án cụ thể cho lao động bị ảnh hưởng dựa trên 7 mô hình. Cụ thể, mô hình 1 sẽ hỗ trợ đào tạo nghề dành cho lao động nằm trong độ tuổi từ 16 – 25; tùy theo trình độ học vấn sẽ tham gia học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng ở các ngành nghề thuộc lĩnh vực thương mại – dịch vụ; dịch vụ du lịch – nhà hàng – khách sạn; chế biến, cơ khí, dệt may, điện - điện tử.

Tỉnh Khánh Hòa xây dựng 7 mô hình để giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn Cam Lâm bị thu hồi đất. Ảnh: KS.

Tỉnh Khánh Hòa xây dựng 7 mô hình để giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn Cam Lâm bị thu hồi đất. Ảnh: KS.

Trong đó, lao động trong độ tuổi này chưa tốt nghiệp THCS sẽ tham gia học nghề ở trình độ sơ cấp hoặc đào tạo dưới 3 tháng; lao động động đã tốt nghiệp THCS sẽ tham gia học nghề ở trình độ trung cấp; lao động đã tốt nghiệp THPT sẽ tham gia học nghề ở trình độ cao đẳng.

Mô hình 2 là mô hình sinh kế không dựa vào đất dành cho các lao động nằm trong độ tuổi từ 26 – 35 sẽ tập trung đào tạo ở trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng đối với các ngành nghề phi nông nghiệp.

Các trường hợp mô hình 1, mô hình 2 được tổ chức đào tạo, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, chuyển đổi nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp.

Mô hình 3 là mô hình sinh kế khai thác trên biển cho các lao động ngư nghiệp sẽ hỗ trợ đào tạo chuyển đổi từ đánh bắt ven bờ sang đánh bắt xa bờ và dịch vụ hậu cần nghề cả (thuộc đề án chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động trong lĩnh vực thủy sản)

Mô hình 4 là mô hình sinh kế dành cho các lao động nằm trong độ tuổi từ 35 – 50 sẽ được tư vấn tham gia học nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng ở các ngành nghề dịch vụ, nghiệp vụ bảo vệ, chăm sóc cây cảnh, nhà hàng – khách sạn, nông nghiệp công nghệ cao.

Mô hình 5 là mô hình sinh kế dựa vào phát triển các nghề truyền thống, buôn bán, dịch vụ nhỏ lẻ. Mô hình này tư vấn chủ yếu cho lao động độ tuổi trên 50 tuổi, tùy theo địa bàn tái định cư sẽ chọn lựa ngành nghề chuyển đổi phù hợp. Đối với đối tượng này hình thức đào tạo chủ yếu là tổ chức các khóa bồi dưỡng, các lớp đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng.

Mô hình 6 là mô hình hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đối tượng áp dụng chủ yếu là thanh niên nằm trong độ tuổi từ 18 – 35 tuổi; trình độ văn hóa THCS trở lên, có sức khỏe. Thực hiện tư vấn tổ chức đào tạo các nghề phù hợp, ngoại ngữ, giáo dục định hưởng của thị trường lao động của nước dự kiến đi lao động theo hợp đồng.

Mô hình 7 là mô hình hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo, hộ người đồng bào dân tộc thiểu số: thực hiện tư vấn hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm căn cứ vào độ tuổi lao động và trình độ học vấn theo 6 mô hình trên. Tỉnh Khánh Hòa sẽ đề nghị chủ đầu tư các dự án ưu tiên tạo việc làm phù hợp ngay tại các dự án đầu tư; ưu tiên tạo việc làm tại các dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao sau khi được đào tạo.

Được biết, mức hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp tối đa 3 triệu đồng/người bị thu hồi đất/khóa học (6 triệu đồng đối với người khuyết tật). Bên cạnh đó còn hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học và tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo cách xa nơi cư trú hơn 15 km (300.000 đồng đối với người khuyết tật/5 km).

UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND huyện Cam Lâm, TP Cam Ranh triển khai thực hiện đề án, cũng như thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện, định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh.

 Đô thị mới Cam Lâm được nghiên cứu phát triển trên phạm vi toàn huyện Cam Lâm và một phần TP.Cam Ranh. Đây là khu vực có vị trí thuận lợi về giao thông, địa hình bằng phẳng, hướng ra biển Đông đối với hàng kinh tế Bắc – Nam và Đông – Tây. Với các tiềm năng, lợi thế như vậy, đô thị mới Cam Lâm sẽ góp phần tạo ra đột phá, phát huy được tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh để trở thành một trung tâm thương mại – tài chính, ngân hàng, du lịch quốc tế, với tầm nhìn phát triển khu đô thị thông minh sinh thái hàng đầu thế giới.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...