Nông thôn điển hình ở xứ Tuyên
Thôn Hoắc (nay là thôn 9) xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang nằm lọt thỏm trong thung lũng, một bên là núi Chữ và một bên là núi Hang Dúi. Giai đoạn 1952-1954, đây là nơi ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Bộ Canh nông.
Thôn Hoắc trước kia nghèo nhất xã Thái Bình, nhưng nay cái nghèo đã là câu chuyện của quá khứ. Từ 3 năm nay, con đường bê tông dài hơn 5km, rộng 5m, nối liền từ Quốc lộ 2C đến trung tâm xã Công Đa đi qua thôn 9 đã giúp cuộc sống của người dân dần đổi thay khấm khá. Con đường mở ra thì những vườn cây ăn quả như bưởi, nhãn, măng mai cũng rộng lớn hơn. Ý nghĩ làm kinh tế cũng lớn dần trong đầu của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thụ, Trưởng thôn 9 phấn khởi kể rằng, từ ngày có con đường, bà con trong thôn rất phấn khởi. Khi Nhà nước triển khai làm đường, nhà nào cũng tình nguyện hiến đất. Có nhà trồng vườn keo đã 4 năm tuổi khi đường đi qua, cán bộ xã chưa kịp đến nhà vận động, họ đã tình nguyện chặt hạ cây để con đường đi qua làng được thẳng, được rộng.
Có đường, thôn cũng đã hình thành được vùng trồng cây ăn quả gồm bưởi, nhãn, cam rộng tới 5ha; vùng trồng măng mai rộng 100ha, vùng trồng cây lâm nghiệp rộng hơn 100ha… Từ những vùng chuyên canh này, đã có khoảng 10 hộ dân trong thôn có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Mới đây, Bộ NN-PTNT triển khai dự án xây dựng thí điểm phát triển sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu cho phụ nữ vùng nông thôn khu vực miền núi phía Bắc tại xã Thái Bình như tiếp thêm sức mạnh cho người dân thôn 9. Những hi vọng mới về cách kết nối cộng đồng, cách khơi dậy tri thức bản địa và tri thức thời đại như ngọn lửa được thắp lên trong mỗi nếp nhà ở xóm làng.
Tháng 8/2022, xã Thái Bình trở thành xã đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Phát huy sức mạnh nội lực, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Thái Bình huy động được hơn 139,3 tỷ đồng, trong đó có hơn 62,1 tỷ đồng ngân sách Nhà nước, còn lại là nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân đóng góp.
Đến nay, trên địa bàn xã có 20/34km đường có rãnh thoát nước (đạt 60%); 21/34km đường được trồng hoa, cây bóng mát; 100% số thôn đã có nhà văn hóa; có 163 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Công tác thu gom, xử lý rác thải, nước thải tại các cơ sở, doanh nghiệp được triển khai thực hiện đồng bộ...
Tri thức hóa nông dân, nông thôn
Xã Thái Bình được chọn triển khai Dự án thí điểm phát triển sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu cho phụ nữ vùng nông thôn khu vực miền núi phía Bắc của Bộ NN-PTNT, đơn vị tài trợ là Chính phủ Ireland thông qua tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO).
Dự án mong muốn xây dựng ngôi làng có khả năng phát triển bền vững, xây dựng vườn mẫu, xây dựng các tổ nhóm nông dân, đặc biệt là quan tâm đến vấn đề người nghèo và chị em phụ nữ… Dự án đã tiếp thêm nguồn cảm hứng và mang đến nhiều khát vọng cho người nông dân nơi đây, góp phần thực hiện những chiến lược mới của ngành nông nghiệp, đặc biệt là chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030.
Các nhà tài trợ coi đây là một dấu ấn cho qua trình Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với thế giới từ góc độ thương mại cho đến việc bảo vệ tài nguyên và bảo đảm sinh kế, phúc lợi xã hội cho khu vực nông thôn. Đây là công việc có ý nghĩa lâu dài, mang tính thời đại, vừa có ý nghĩa ghi nhớ về vùng quê ở Tuyên Quang đã có những đóng góp to lớn trong những năm kháng chiến gian khổ.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT cho biết, Dự án thí điểm phát triển sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu cho phụ nữ vùng nông thôn khu vực miền núi phía Bắc nhằm hỗ trợ nâng cao tri thức và thu nhập cho người dân ở xã Thái Bình. Qua Dự án, Bộ NN-PTNT cũng như Chính phủ Ireland và Tổ chức FAO mong muốn xây dựng làng phát triển bền vững có sự tham gia của người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế; nâng cao năng lực tập trung vào những vườn mẫu phù hợp với điều kiện sinh thái ở miền quê có di tích Bộ Canh nông.
Chương trình cũng hướng tới mục tiêu truyền bá kiến thức, tri thức cho người nông dân thông qua các buổi tập huấn, qua tủ sách nông thôn. Ở tủ sách nông thôn, ngoài sách hướng dẫn về kỹ thuật nông nghiệp còn có sách về triết lý sống; sách hướng dẫn cách phụ nữ chăm sóc con, quản lý kinh tế…
Giấc mơ về làng hạnh phúc
Anh Nguyễn Mạnh Dũng, làm Chủ tịch UBND xã Thái Bình từ khi xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, rồi đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Anh Dũng cảm thấy hạnh phúc khi quê mình không ngừng đổi thay.
Với anh Dũng, để có làng hạnh phúc, khi trước hết các gia đình đảm bảo thu nhập ổn định, để con cái họ có điều kiện học tập. Làng hạnh phúc là có môi trường sống trong lành và cộng đồng đoàn kết cùng nhau giữ gìn, phát triển tri thức bản địa. Đó là những điểm nhấn lớn tạo ra hạnh phúc ở các làng quê. Việc tạo ra thu nhập cần phải kết hợp và phát huy giá trị của bản sắc, bản địa.
"Thế mạnh của xã Thái Bình là tiền đề cho địa phương này phát triển du lịch nông thôn. Đảm bảo hài hòa giữa kinh doanh du lịch với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ những cánh rừng. Tuy nhiên, để phát triển du lịch nông thôn ở Thái Bình thì còn nhiều việc phải bàn. Bởi muốn phát triển du lịch, muốn Thái Bình trở thành làng quê hấp dẫn thì phải có sản phẩm du lịch, có các vườn mẫu quản lý, làm tốt.
Để đạt được làng hạnh phúc thì đích đến vẫn còn ở phía trước, có thể xa hay gần thì thước đo lớn nhất là sự nỗ lực của người dân và sự cam kết của chính quyền xã Thái Bình. Một phần quan trọng nữa là cần thu hút được các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn”, ông Chu Văn Chuông, Phó Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Hội Làm vườn Việt Nam chia sẻ.
Xã Thái Bình là vùng đất có tiềm năng lớn về cây ăn trái với vùng nhãn 112,2ha đảm bảo chất lượng, với 251 hộ trồng nhãn, 100% các hộ cam kết sản phẩm an toàn thực phẩm; vùng trồng măng mai rộng tới 80ha. Ngoài ra các giống cây ăn quả như cây na, cây bưởi, cây hồng cũng khá thích hợp với đồng đất nơi đây… Đặc biệt, nơi đây có khu di tích Bộ Canh nông, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông thôn.
Từ các chương trình, dự án hỗ trợ đồng hành đã khơi gợi được khát vọng từ những nhân tố tiềm ẩn trong làng. Bởi vậy mà giờ đây xã đã xây dựng được sản phẩm nhãn, mật ong đạt 3-4 sao OCOP… Các sản phẩm này dần vươn tới những thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc…
Dấu mốc hình thành, phát triển
Bộ NN-PTNT tiền thân là Bộ Canh nông được thành lập theo Quyết nghị của Hội đồng Chính phủ tại phiên họp ngày 14/11/1945.
Trải qua lịch sử 78 năm hình thành và phát triển, đến nay Bộ NN-PTNT đã có nhiều sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức; từ Bộ Canh nông (1945) đến Bộ Nông lâm và Bộ Thủy lợi (1955); Bộ Nông nghiệp; Bộ Nông trường; Tổng cục Thủy sản; Tổng cục Lâm nghiệp (1960); Ủy ban Nông nghiệp Trung ương (1971); Bộ Hải sản và Bộ Lâm nghiệp (1976); Bộ Công nghiệp thực phẩm và Bộ Lương thực (1981); Bộ Nông nghiệp (1987).
Tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khoá IX (diễn ra từ ngày 3/10 - 28/10/1995), để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy lợi và Phát triển nông thôn đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Bộ NN-PTNT trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ: Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp - Công nghiệp thực phẩm và Bộ Thủy lợi.
Tháng 8/2007, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XII đã quyết định hợp nhất Bộ Thuỷ sản vào Bộ NN-PTNT.
Ngày 22/12/2022 tại Nghị định số 105/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định vị trí, chức năng của Bộ NN-PTNT “là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn; quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ theo quy định của pháp luật”.