| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 03/03/2020 , 09:46 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 09:46 - 03/03/2020

Khẩu trang không chỉ ở trên mặt người

Muốn chung tay vượt qua hiểm họa virus Corona, còn phải nhìn thấy cái khẩu trang nữa nằm trong lòng người.

Vụ thầy N.V.T phát khẩu trang cho học sinh bỗng dưng bị làm lớn chuyện. Ảnh: Minh họa.

Vụ thầy N.V.T phát khẩu trang cho học sinh bỗng dưng bị làm lớn chuyện. Ảnh: Minh họa.

Thầy giáo N.V.T ở Trường THCS Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau vừa bị kiểm điểm vì... buôn bán khẩu trang với giá cao. Sự kiện này không chỉ gây xôn xao cho người dân mảnh đất cực Nam, mà còn khiến dư luận cả nước ngỡ ngàng. Thầy giáo N.V.T là người đầu cơ kiếm lợi từ khẩu trang chăng?

Khi tin tức về virus Corona được cảnh báo trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, thầy giáo N.V.T đã vượt 30km từ huyện Đầm Dơi lên thành phố Cà Mau để mua 2 hộp khẩu trang với giá 260 nghìn đồng, tổng cộng được 100 cái. Buổi lên lớp trước khi nghỉ học tránh dịch, thấy nhiều học sinh trong lớp không có khẩu trang, thầy giáo N.V.T đã chia lại cho các em.

Dĩ nhiên, 20 học sinh được phát khẩu trang cũng lễ phép gửi lại tiền cho thầy giáo N.V.T, trong đó 19 em đưa 3 nghìn đồng và 1 em đưa 4 nghìn đồng. Thầy giáo N.V.T không có tiền lẻ để thối lại và học sinh cũng không cò kè với người thầy tốt bụng.

Vụ việc bỗng dưng thành lớn chuyện khi Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Huân thuận theo yêu cầu của Phòng Giáo dục huyện Đầm Dơi để bắt thầy giáo N.V.T phải kiểm điểm vì hành vi bán khẩu trang tăng giá là vi phạm quy định của Chính phủ. Biện pháp cứng nhắc ấy, thật khiến nhiều người băn khoăn.

Ở một địa phương vùng sâu vùng xa muốn mua khẩu trang không dễ dàng, trong hoàn cảnh loại hàng hóa chống dịch đang khan hiếm. Không thể khép tội thầy giáo N.V.T buôn bán khẩu trang để kiếm lời.

Bởi lẽ, với 20 cái khẩu trang đã chia cho học sinh sử dụng, thầy giáo N.V.T chỉ dư ra 9 nghìn đồng. Có ai kinh doanh để thu 9 nghìn đồng không? Chắc chắn không.     

Đành rằng, ngăn chặn đầu cơ khẩu trang trong mùa Covid-19 hoành hành là rất cần thiết, nhưng không thể “nâng quan điểm” với trường hợp thầy giáo N.V.T.

Nếu gọi là trục lợi từ khẩu trang, thì phải đề cập đến ông Phạm Hữu Quốc - Giám đốc Bệnh viện Gò Vấp, TP.HCM đã tranh thủ vị trí công tác để gom 500 nghìn cái khẩu trang và phân phối giá cao ra thị trường.

Cái khẩu trang chống dịch là vấn đề nóng bỏng hiện nay. Ứng xử với cái khẩu trang có không ít điều phải bận tâm về môi trường cộng đồng lẫn ý thức phòng bệnh.

Chia sẻ khẩu trang khác hoàn toàn đầu cơ khẩu trang. Đừng vì sự lo lắng và sự sốt ruột mà gây thêm những sự bất thường. Cách phản ứng của Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Huân và Phòng Giáo dục huyện Đầm Dơi đã làm tổn thương thầy giáo N.V.T.

Nếu khăng khăng về sự đúng đắn của bản kiểm điểm dành cho thầy giáo N.V.T, thì sẽ tiêu diệt thái độ tương thân tương ái trong xã hội, nhất là trong không gian trường học đang bị bủa vây với nhiều hệ lụy từ Covid-19.

Cái khẩu trang đâu chỉ ở trên mặt người. Muốn chung tay vượt qua hiểm họa virus corona, còn phải nhìn thấy cái khẩu trang nữa nằm trong lòng người.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm