| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 12/04/2024 , 10:45 (GMT+7)
Nguyễn Kiên Trung

Nguyễn Kiên Trung

Nhà báo 10:45 - 12/04/2024

Khi màu xanh rời bỏ những cánh rừng...

Chúng ta có thể nhìn thấy màu xanh rời bỏ những cánh rừng, nhưng, chúng ta không thể nhìn thấy những dòng nước ngầm rời bỏ chúng ta đi!

Người dân Thủ đô mấy năm trước đã từng trải qua cơn ác mộng về thiếu nước sinh hoạt khi sự cố đổ dầu thải ở đầu nguồn Nhà máy nước sạch sông Đà; tiếp đó là liên tiếp các vụ việc đường ống dẫn nước bị vỡ; các khu dân cư bị cắt nước luân phiên, cắt nước theo giờ…

Hình ảnh ám ảnh vào năm 2019, tại một khu chung cư có hàng vạn dân, hàng người xếp hàng dài cả trăm mét lỉnh kỉnh mang theo các vật dụng chờ hứng nước từ xe bồn đến tiếp tế. Nó là một sự cố hi hữu, nhưng đã xảy ra, ở giữa thế kỷ 21, giữa một thành phố lớn thứ 2 cả nước.

Khi thiếu nước, người ta mới thấm thía nước quý giá như thế nào.

Câu chuyện "đến hẹn lại lên" và luôn là nỗi ám ảnh của người dân vùng ĐBSCL: hạn mặn. Năm 2024 được dự báo hạn mặn ở ngưỡng cao hơn trung bình nhiều năm: từ đầu mùa khô 2023 - 2024, ĐBSCL đã hứng chịu 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao (từ 8 - 13/2, từ 10 - 14/3 và từ 22 - 28/3); ranh mặn, xâm nhập mặn sâu hơn trên các hệ thống sông; các kênh rạch một số tỉnh ĐBSCL khô cạn, tình trạng sụt lún vẫn tiếp tục tại một số tỉnh phía Nam sông Hậu…

Diễn biến hạn mặn đang gây áp lực lớn đối với ngành nông nghiệp, bởi cuối tháng 3 là thời điểm các tỉnh ĐBSCL chuẩn bị kết thúc thu hoạch và sẽ tiến hành xuống giống vụ lúa hè thu 2024.

Nguyên nhân được cơ quan chuyên môn lý giải, đó là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên từ đầu năm 2024 đến nay, ĐBSCL hầu như không mưa, hụt chuẩn từ 60 - 95% lượng nước; ngày nắng kéo dài làm cho một lượng lớn nước mặt tích trữ trong các ruộng, kênh, sông, hồ bị bốc hơi…

Đó là những nguyên nhân vật lý, và thường được gọi tên bằng một cụm từ mà ai cũng nghĩ mình đã hiểu - biến đổi khí hậu - nhưng thực ra, cắt nghĩa nó là cái gì, không phải ai cũng giải nghĩa được hết.

Nguyên nhân sâu xa, hệ lụy đó được tích tụ từ hàng loạt những thứ gọi thành tên, mà con người là tác nhân: phá rừng, cạo đồi khoét núi để làm các công trình, dự án… Rừng ngã xuống, nhà mọc lên, thiên tai, lũ quét, sạt lở…, nước ào ạt đổ ra biển cuốn theo đất đá, và không bao giờ quay trở lại.

Trong những chuyến công tác vào ĐBSCL, tôi thấy nhà nào cũng có những chiếc lu kích thước rất lớn, được bịt kín mảnh nilon trên miệng, và xếp thành hàng ngay ngắn trong những nhà kho bên trên lợp lá. Đó là những lu nước mưa được người dân tích trữ, để dành đối phó với những cơn hạn mặn, cứ đến hẹn lại lên, dẫn tới khan hiếm nước sinh hoạt.

Gần chục năm nay, các vùng quê vùng Bắc Bộ hầu hết đã phá bỏ những bể chứa nước mưa được xây nổi bên chái nhà, hay xây chìm trong lòng đất, hoặc có thể đặt nổi trên sân thượng… Lý do phá bỏ, đó là đường nước máy đã dẫn tới từng nhà, từng ngõ thay thế cho nước trời tự nhiên.

Nhưng, nước mưa trong những năm gần đây không ai dám hứng, hoặc nếu có hứng, cũng không dám sử dụng để làm nước ăn uống, sinh hoạt. Lý do: những hạt nước từ trên trời rơi xuống nó không còn thanh khiết như trước. Qua tầng không trung, nó cuốn theo vô số những tạp chất, bụi mịn…, thứ được các chuyên gia khí tượng đặt cho tên gọi "ô nhiễm không khí".

Các phần mềm Pam Air tự động đo chất lượng không khí hàng ngày đưa ra các cảnh báo, chỉ số. Thủ đô Hà Nội có những ngày ô nhiễm không khí ở ngưỡng cao thứ 3 trên toàn thế giới. Người ta đã viện dẫn nhiều nguyên nhân: do mật độ xây dựng, mật độ xe cơ giới tham gia giao thông xả khí thải ra ngoài, do người dân đốt rơm rạ trong những vụ thu hoạch lúa…

Nhưng, những vụ thu hoạch lúa và đốt rơm rạ, một năm chỉ có hai lần. Còn, ô nhiễm không khí, bụi mịn… xảy ra quanh năm. Có những ngày, Hà Nội mờ ảo như xứ sở sương mù…

Ngày 27/11/2023, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước năm 2023 sẽ có hiệu lực vào 1/7/2024. Tại bộ luật này đã cụ thể hóa các hành vi bị nghiêm cấm (cấm lấp sông, suối, kênh, rạch trái phép); khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phục hồi “sông chết”; chính sách ưu đãi với dự án cấp nước cho vùng sâu, vùng xa; chính sách sử dụng nước tuần hoàn; hộ gia đình khoan giếng để lấy nước sinh hoạt phải kê khai; rút ngắn thời hạn của giấy phép khai thác tài nguyên nước (thời hạn tối đa 10 năm, tối thiểu 5 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 5 năm thay vì tối đa 15 năm, tối thiểu là 5 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối thiểu là 3 năm, tối đa là 10 năm)...

Những chính sách, chế tài ngày càng được hoàn thiện để tiếp tục bảo vệ tài nguyên nước. Nhưng, nhìn từ góc độ thực tiễn, những quy phạm pháp luật được ban hành hầu như đều chậm chạp hơn những quan hệ xã hội đã được hình thành, những hành vi xã hội đã xảy ra và hình thành hậu quả...

Trong những ngày nay, nhiều tỉnh ở ĐBSCL đang công bố tình huống khẩn cấp về hạn mặn và thiếu nước sinh hoạt; nhiều tổ chức, cá nhân đang phát động phong trào hỗ trợ nước ngọt cho người dân vùng hạn mặn; nhiều quy chế yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp sử dụng nước không đúng mục đích sinh hoạt… được ban hành.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những giải pháp tình thế.

Nước không chỉ là hợp chất được tạo thành từ hai nguyên tố hóa học như trong sách giáo khoa. Nó là mạch nguồn, và hơn cả mạch nguồn, nó là sự sống. Một bát nước khi chúng ta hất đi, sẽ không bao giờ lấy lại được...

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm