Ông Nguyễn Xuân Sứng,Trưởng thôn Khánh Chúc Bãi trước đoạn đường vừa mới mở. |
Trong mắt của nhiều người, trưởng thôn vốn “quyền rơm, vạ đá”. Bởi vậy, muốn được dân tin, dân nghe, không gì bằng chính bản thân mình phải gương mẫu, đi đầu về mọi việc kể cả hi sinh quyền lợi kinh tế cá nhân cho mục đích phát triển cộng đồng…
Khánh Thượng là xã miền núi nghèo thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội với đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Vài năm trở lại đây đã có rất nhiều công trình điện, đường, trường, trạm được xây dựng, tạo nên bộ mặt mới cho nông thôn.
Bên cạnh việc đầu tư của Nhà nước thì có một phần đóng góp không nhỏ của người dân trong việc hiến đất mở đường, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng.
Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng cho biết: “Các công trình được thành phố và huyện đầu tư cho xã thường chỉ có vốn cho xây dựng, mua sắm trang thiết bị còn mặt bằng phải vận động người dân chung sức hiến đất và tài sản trên đất.
Để làm được điều đó, khi nhận được các dự án, chính quyền xã tổ chức họp các thôn, phổ biến thật kỹ chủ trương, đường lối đến người dân để họ biết và đồng thuận thực hiện nhất là giải thích những lợi ích của các công trình khi hoàn thiện sẽ đem lại cho họ các lợi ích cụ thể gì…”.
Ông Nguyễn Xuân Sứng, Trưởng thôn Khánh Chúc Bãi cho hay với phương pháp tiến hành bài bản và dân chủ trong năm 2018, thôn đã có 9 hộ hiến đất để làm đường giao thông liên xã Khánh Thượng- Minh Quang. Đây là tuyến đường có chiều dài khoảng 1km đi qua đất nông nghiệp của các hộ dân. Khác với thời trước, hiện nay đất đai ngày càng có giá trị nên để vận động bà con hiến cho mục đích công cộng không gì tốt hơn bằng việc chính bản thân mình, là đảng viên, là trưởng thôn phải làm gương trước.
Theo như tính toán, con đường mới sẽ xén vào mảnh đất của gia đình với chiều dài 70m, sâu 1,5m, tổng diện tích khoảng 85m2 ông Sứng đã đăng ký hiến luôn và hi sinh cả những cây đã trồng trên diện tích này.
Thấy trưởng thôn hiến đất mà không mảy may đắn đo suy tính thiệt hơn về quyền lợi, 8 hộ còn lại cũng hăng hái hiến mỗi gia đình từ 10-30m2. Nhờ vậy mà tuyến đường trước đây chỉ có chiều rộng 2,5m giờ đã thành 4,5m rất thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân trong sản xuất cũng như giao thông, buôn bán hàng hóa.
Trong công cuộc xây dựng NTM, tuy còn nhiều khó khăn nhưng huyện Ba Vì đã tuyên truyền để nhân dân tự giác hiến hàng vạn m² đất thổ cư, đất nông nghiệp, góp hàng vạn ngày công để làm đường giao thông, xây dựng trường học, nhà văn hóa và 144 tỷ đồng. |
Ở thôn Khánh Chúc Bãi đã vậy, tại thôn Ninh năm 2018 có chương trình Nhà nước đầu tư làm đường thoát nước cho nhà văn hóa, hai hộ dân là bà Đinh Thị Lý và ông Nguyễn Văn Cường cũng đã tự nguyện hiến 30m2 đất.
Theo báo cáo của UBND xã Khánh Thượng trong 2 năm 2018, 2019 địa phương triển khai nhiều dự án liên quan đến việc giải phóng mặt bằng đều nhờ vào phong trào dân hiến đất trong đó các cán bộ, đảng viên trở thành người tiên phong đi đầu.
Tiêu biểu có thể kể đến như dự án đường Khánh Chúc Đồi có 22 hộ hiến đất với tổng diện tích 2.200m2, đường Hương Canh đi xóm Bóp có 33 hộ hiến đất với tổng diện tích 5.800m2...Mới chỉ tính qua 4 dự án được đầu tư toàn xã Khánh Thượng đã có 88 hộ ở các thôn hiến gần 15.000m2 đất trị giá hàng tỉ đồng.
Những kết quả trong công tác vận động nhân dân hiến đất, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng nhanh chóng đã góp phần cho xã đạt tiến độ thi công công trình đảm bảo đúng kế hoạch đề ra. Đây cũng là địa phương được Ban Dân vận Huyện ủy Ba Vì nhiều năm đánh giá cao trong công tác dân vận chính quyền về vận động người dân hiến đất xây dựng các công trình công cộng.