Đó là chiếc bình thủy tinh và những chiếc cốc thủy tinh xuất hiện trên bàn trong cuộc họp HĐND tỉnh Quảng Nam, thay cho những chai nước bằng nhựa.
Đại biểu dự họp tại UBND tỉnh sử dụng chai nước bằng thủy tinh. Ảnh: V.A/Báo Quảng Nam. |
Rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, đang là một vấn đề cực lớn mà trước mắt chưa có cách gì để loại trừ. Việt Nam đang là một trong 4 quốc gia xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất thế giới.
Những khối rác thải nhựa phải mất hàng vài ba thế kỉ mới phân hủy hết, không chỉ tụ lại thành những bãi nhựa khổng lồ ở đại dương mà còn đang góp phần làm chết sặc các bãi tắm ven biển.
Không ai không cảm thấy bức xúc khi nhìn thấy những bãi rác nhựa khổng lồ tồn tại ngay trên những bãi biển đẹp như mơ. Rác thải nhựa cũng tác hại như thuốc lá. Nhưng cấm sản xuất thì không thể cấm, mà nếu muốn loại trừ chúng ra khỏi xã hội thì chỉ có cách tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân.
Không thể loại trừ rác thải nhựa ngay lập tức mà cần phải có thời gian. Trước mắt chỉ có thể hạn chế sử dụng đồ nhựa từ từ.
Mỗi năm, trên cả nước có hàng chục, hàng trăm ngàn cuộc họp từ cơ sở đến trung ương. Nếu mỗi cuộc họp, bình quân chỉ sử dụng 10 chai nhựa đựng nước uống, thì có nghĩa là có hàng triệu chiếc chai nhựa trở thành rác thải. Nhưng nếu làm được như Quảng Nam, thì chúng ta đã bớt đi được hàng triệu chiếc chai nhựa trở thành rác thải.
Cũng như vậy, trên cả nước có hàng triệu nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng ăn uống. Nếu tất cả các cơ sở đó đều thay nước uống đóng chai nhựa bằng bình, li thủy tinh, thì sẽ hạn chế được hàng chục triệu chiếc chai nhựa đựng nước uống trở thành rác thải.
Và nếu mỗi tuần, bình quân mỗi người dân bớt sử dụng đi 1 cái túi ni lông, thì có nghĩa là mỗi tuần chúng ta bớt đi được 96 triệu chiếc túi ni lông trở thành rác thải, còn 1 năm bớt đi được bao nhiêu?
Việt Nam đang tuyên chiến với rác thải nhựa. Phát biểu tại hội nghị G20 ở Nhật Bản vào cuối tháng 6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển - đại dương và tiến tới khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa ở biển, vì một đại dương xanh.
Riêng Việt Nam, thì đến năm 2025 sẽ không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Để thực hiện được lời cam kết của Thủ tướng, cần hành động một cách quyết liệt với rác thải nhựa. Cùng với Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng cũng đã thay nước đựng trong chai nhựa bằng bình, li thủy tinh trong tất cả các cuộc họp.
Thừa Thiên - Huế cũng đã bắt đầu hạn chế tối đa túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần trong tất cả các cơ quan hành chính. Và còn rất nhiều địa phương, nhiều siêu thị trên cả nước nữa, đã bắt đầu dùng lá chuối, lá sen bọc hàng cho khách, thay cho túi ni lông.
Nếu mỗi ngày, mỗi người dân bớt đi một thứ đồ nhựa dùng 1 lần, thì đại dương sẽ bớt được nhiều tấn rác thải nhựa.