Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG), năm nay, Bộ NN-PTNT đã sớm tổ chức hội nghị đánh giá kết quả vụ đông 2019, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2020 đối với 31 tỉnh/thành phía Bắc.
Theo đó, ngành nông nghiệp đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, dồn nguồn lực, tập trung sự vào cuộc, sáng tạo chung của các địa phương, doanh nghiệp và nhiều đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT như Cục Trồng trọt, Cục BVTV, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Tổng cục Thủy lợi, Trung tâm KNQG, các viện nghiên cứu...
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng đã chỉ đạo Trung tâm KNQG và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chuẩn bị kỹ lưỡng các hướng dẫn, tài liệu về quy trình kỹ thuật sản xuất, tinh thần tiếp cận mới đối với sản xuất các cây vụ đông chủ lực để tăng cường phổ biến, tuyên truyền cho nông dân ở các địa phương.
Hiện Trung tâm KNQG cũng đã ưu tiên phối hợp, giành nguồn lực cho một số đơn vị, địa phương nhằm đẩy mạnh chuyển tải thông tin, hỗ trợ các mô hình sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm...
Hiện đang là thời điểm quan trọng để triển khai sản xuất vụ đông. Qua nắm bắt thực tế, ông đánh giá thế nào về tình hình ở các địa phương so với vụ đông các năm trước? Ông có lưu ý nào trong việc triển khai sản xuất vụ đông ở các tỉnh?
Đến nay, việc triển khai sản xuất vụ đông năm 2020 đã tạo được sự lan tỏa ở nhiều địa phương, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp “đầu ra”, tiêu thụ, chế biến sản phẩm.
Ngay tại hội nghị triển khai sản xuất vụ đông 2020 của Bộ NN-PTNT, cũng đã chứng kiến các văn bản nguyên tắc về hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông giữa các địa phương với các doanh nghiệp lớn về chế biến, tiêu thụ nông sản, nhất là về ngô sinh khối.
Rất mừng là đến thời điểm này, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã có những hợp đồng cụ thể về hợp tác sản xuất, tiêu thụ, chế biến các sản phẩm cây vụ đông. Không khí triển khai sản xuất vụ đông đang có những chuyển biến với luồng gió mới, khí thế hết sức tích cực. Người sản xuất nhìn thấy đích đến rõ ràng hơn, tươi sáng hơn, hào hứng hơn, tin tưởng hơn vào sự thắng lợi của vụ đông 2020.
Mặc dù vậy, tôi cho rằng chúng ta cũng không nên quá lạc quan mà cần đặc biệt quan tâm, lưu ý đến những khó khăn trong tổ chức sản xuất.
Lưu ý thứ nhất là về thời vụ, giai đoạn chuyển vụ từ thu hoạch lúa mùa và gieo trồng mới vụ đông do khoảng thời gian chuyển tiếp này rất hẹp. Địa phương nào càng tiết kiệm được quỹ thời gian chuyển tiếp ngắn ngủi đó để nhanh chóng triển khai sản xuất vụ đông thì địa phương đó sẽ quyết định được thắng lợi. Các cây vụ đông ưa ấm tranh thủ triển khai sản xuất được càng sớm càng tốt, càng đảm bảo thắng lợi.
Theo đó, một trong những giải pháp để tranh thủ triển khai được sớm vụ đông, đó là công tác chuẩn bị đất và nên làm đất kiểu gì cho từng đối tượng cây trồng.
Điểm lưu ý thứ hai đó là với một số loại cây vụ đông, sức sống, sức tăng trưởng của cây con là yếu tố mang tính quyết định. Ví dụ cây đậu tương, nếu như trong khoảng 10 ngày đầu sau gieo, cây không thể cạnh tranh lấn át được cỏ dại thì coi như vứt bỏ. Với cây ngô cũng thế, trong một vài tuần đầu, nếu không thoát được tình trạng bị nghẹt rễ, thiếu dinh dưỡng để vượt lên được thì về sau, cây còi cọc, càng đầu tư chăm bón thì chỉ càng lỗ.
Một trong những giải pháp để vừa tranh thủ được thời vụ ở vụ đông, vừa tạo được sức bật cho cây con ở giai đoạn đầu, đó là giải pháp làm bầu, nhất là đối với cây có giá trị như các loại rau chất lượng cao.
Một điểm cần lưu ý nữa, đó là cần có giải pháp để xử lí, tận dụng rơm rạ sau khi thu hoạch lúa vụ mùa che phủ cho cây vụ đông.
Những năm qua, một số nơi nông dân đã biết tận dụng tốt nguồn rơm rạ này, tuy nhiên nhìn chung còn lãng phí, nhiều nơi nông dân vẫn đốt rơm rạ, một số nơi còn có tình trạng nông dân đổ rơm rạ xuống kênh mương, gây khó khăn cho tiêu thoát nước, gây ngập úng cây vụ đông.
Cuối cùng, việc sản xuất vụ đông cần chú trọng tới khâu tổ chức liên kết và sản xuất an toàn. Hiện nay, người dân đã nhận thức rõ việc sản xuất cây vụ đông là sản xuất có điều kiện, trong đó điều kiện tiên quyết vẫn phải là đầu ra tiêu thụ sản phẩm.
Các địa phương hiện cũng đã hình thành được những chuỗi liên kết giữa nông dân, HTX với các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến nông sản, trên cơ sở hợp tác chặt chẽ về tiêu chuẩn số lượng, chất lượng sản phẩm, hạn chế dần việc sản xuất tự phát như trước đây.
Vụ đông năm nay, ngô sinh khối đang được kỳ vọng sẽ có sự đột phá. Ông đánh giá gì về triển vọng của sản xuất ngô sinh khối?
Đối với ngô sinh khối, bên cạnh các diện tích đã có, vụ đông năm nay, có thêm hàng chục nghìn ha đã được các doanh nghiệp lớn như Công ty CP Giống và Thức ăn Chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình, TH True Milk, Vinamilk, nhiều đơn vị chăn nuôi lớn khác... ký hợp đồng và triển khai sản xuất tăng thêm ở nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An...
Việc sản xuất ngô sinh khối thực ra đã có từ lâu, nhưng sở dĩ đây đang là vấn đề thu hút được nhiều sự quan tâm, bởi hiện nay chúng ta đã định hướng lại cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng đẩy mạnh tỉ trọng các đối tượng đại gia súc ăn cỏ như trâu, bò, dê...
Về giải pháp kỹ thuật, trồng ngô sinh khối về cơ bản không quá khác xa so với ngô lấy hạt. Vì thế các địa phương cũng có thể dễ dàng điều tiết về mục đích sản xuất giữa ngô lấy hạt hoặc ngô sinh khối.
Khâu sản xuất ngô sinh khối thì không khó, nhưng khâu chế biến đối với ngô sinh khối như ủ chua, chế biến thành thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh phù hợp nhất dành cho đại gia súc còn nhiều vấn đề và chưa sẵn sàng. Về mặt quy trình công nghệ chế biến thức ăn thô, hiện chúng ta cũng đã có, tuy nhiên việc sản xuất, chế biến để dự trữ, tổ chức tiêu thụ đối với ngô sinh khối thì chưa được tiến hành ở quy mô lớn.
Về giải pháp kỹ thuật, cây ngô vụ đông, nếu chúng ta cày đất, lên luống, sẽ tạo nên sự không đồng đều của mặt ruộng.
Vì vậy nếu để nguyên trạng được mặt ruộng bằng phẳng sau khi thu hoạch lúa mùa, thì đây là điều kiện tạo ra nền giữ ẩm rất tốt, thoát nước tốt, độ đồng đều cao, rất thuận lợi cho chăm sóc, đặc biệt là rất thuận tiện cho thu hoạch ngô sinh khối bằng cơ giới...
Vì vậy đối với cây ngô, quan điểm của tôi trong sản xuất vụ đông, đó là không nên làm đất, lên luống, và như thế sẽ giúp hạ được chi phí sản xuất rất lớn.
Song giải pháp này phải đảm bảo được vệ sinh đồng ruộng thật tốt để đảm bảo tiêu thoát nước tổng thể, giữ được ẩm cho đồng ruộng, nhưng lại phải thoát được nước khi có mưa, nhất là giai đoạn cuối tháng 9, đầu tháng 10 hàng năm thường có mưa lớn. Việc tiêu nước cho cả cánh đồng lớn, cần đảm bảo mang tính tổng thể, chứ không phải ruộng này thoát nước sang ruộng kia.
Xin cảm ơn ông!
Sản xuất vụ đông chung quy lại thì vẫn là theo quy luật kinh tế, sự lựa chọn giữa có lợi hoặc thấy không có lợi của người dân. Mà đã theo quy luật kinh tế, để nó vận hành được bình thường thì cần nhiều giải pháp đồng bộ.
Ví dụ như với ngô sinh khối, ai cũng nói là cần, là có nhu cầu. Ngành chăn nuôi thì bảo còn thiếu ngô sinh khối để phát triển ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ, trong khi ngành trồng trọt thì lại bảo thừa, băn khoăn việc trồng ra thì liệu có ai mua không?
Rõ ràng ở đây có câu chuyện giữa khâu trồng trọt và khâu chăn nuôi còn thiếu một mắt xích liên kết, đó là khâu thu hoạch và bảo quản chế biến để làm sao nâng được cả tổng thể cho toàn bộ chuỗi sản xuất tuần hoàn giữa người chăn nuôi gia súc và người trồng ngô sinh khối.
Vấn đề nữa, đó là về đặc thù đồng ruộng manh mún, chúng ta cũng cần thêm chính sách linh hoạt, phù hợp để vận dụng ở từng địa phương, trong đó vai trò sáng tạo của từng địa phương là cực kỳ quan trọng.
(Ông Lê Quốc Thanh)