Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh các kết quả đạt được của ngành NN – PTNT thì chất lượng sức cạnh tranh của hàng nông sản của Việt Nam có nhiều hạn chế.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng |
“Vấn đề, được mùa mất giá cứ nhắc mãi. Chất lượng quy hoạch chưa cao, trách nhiệm này thuộc nhà nước. Sản xuất không gắn với thị trường. Cà phê vượt 21,9%; cao su vượt 25%; hồ tiêu vượt 149%”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, những dự báo trong quy hoạch chưa chính xác, như chăn nuôi mà ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) đề cập. Quy hoạch thì cao, sản xuất chưa đạt đến nhưng vẫn không tiêu thụ được sản phẩm. Điều chỉnh quy hoạch chậm, đầu tư vượt quy hoạch, theo phong trào quá phố biến. Trách nhiệm này là của nhà nước.
Phó Thủ tướng cho rằng, hệ thống hạ tầng phục vụ cho sản xuất hiện chưa đáp ứng yêu cầu. Về tổ chức sản xuất thì còn nhiều bất cập. Chúng ta đặt ra yêu cầu CNH - HĐH nông nghiệp nhưng sản xuất nhỏ lẽ, mạnh mún, ứng dụng KHCN chưa mạnh, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, một số thị trường nông sản thì không ổn định. Khi Trung Quốc đóng cửa thị trường thì như một cái phanh đối với xuất khẩu con lợn.
Về một số giải pháp nhằm chuyển biến tình hình SXNN trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đồng tình với trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trước các chất vấn của các ĐBQH. Phó Thủ tướng cho rằng, các giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra có tính khả thi, sát thực tế.
Về chiến lược lâu dài, Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, doanh nghiệp được bình đẳng tiếp cận thị trường đất đai, tín dụng; tháo gỡ những điểm nghẽn các vùng sản xuất nông sản lớn.
“Cần thay đổi chính sách hạn điền để tích tụ đất đai. Rà soát điều chỉnh lại quy hoạch để đáp ứng nhu cầu thực tế và các hàng rào kỹ thuật; gắn quy hoạch sát với thị trường trong và ngoài nước. Gắn quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Vẫn theo Phó Thủ tướng, chúng ta phải tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã làm trung tâm trong chuỗi giá trị; coi nông dân nòng cốt sản xuất. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề sản xuất trong nông thôn; chuyển giao ứng dụng KHCN; tổ chức lại hệ thống thương mại. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp, trang bị kiến thức cho nông dân, HTX, doanh nghiệp để tiếp cận với thị trường.
ĐBQH Lê Thanh Vân (ảnh) đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Theo ĐB Vân, mặc dù mới nhận nhiệm vụ Bộ trưởng chưa tròn 1 năm nhưng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã bắt nhịp rất nhanh, nắm chắc vấn đề, tư duy tổng hợp tốt và gom vấn đề lại với nhau theo từng chủ đề cụ thể để cắt nghĩa trả lời một cách thẳng thắn, mạch lạc cho ĐBQH và cử tri được rõ. “Cũng có một số ĐB giơ biển tranh luận cung cấp thêm thông tin, chia sẻ làm rõ hơn... Việc tranh luận của ĐBQH, kể cả thể hiện thái độ phần nào đó chưa hài lòng trong một phần trả lời của Bộ trưởng, tôi cho rằng điều này sẽ rất tốt cho tư lệnh ngành. Về phần mình tôi đánh giá Bộ trường Nguyễn Xuân Cường đã trả lời trọng tâm, mạch lạc các chất vấn của ĐBQH”, ĐB Lê Thanh Vân chia sẻ với PV bên hành lang Quốc hội. |