| Hotline: 0983.970.780

Khó xử lý hành vi vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi

Thứ Năm 01/12/2022 , 08:07 (GMT+7)

Hà Tĩnh Có những hộ xây nhà kiên cố trên hành lang kênh dù đã bị chính quyền lập biên bản đình chỉ, xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm lần 2, lần 3.

Hành vi xây dựng công trình kiên cố trên phạm vi bảo vệ kênh Ngàn Trươi của hộ ông Sáng chưa được xử lý. Ảnh: Tâm Phùng.

Hành vi xây dựng công trình kiên cố trên phạm vi bảo vệ kênh Ngàn Trươi của hộ ông Sáng chưa được xử lý. Ảnh: Tâm Phùng.

Một phần kênh chính Ngàn Trươi - Cẩm Trang, huyện Vũ Quang đã hoàn thành, bàn giao cho Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc Hà Tĩnh đưa vào vận hành, khai thác từ tháng 4/2021.

Tuyến kênh này đóng vai trò đặc biệt quan trọng đưa nước từ hồ Ngàn Trươi tưới mát cho hàng chục nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc các huyện Vũ Quang, Đức Thọ, một phần thị xã Hồng Lĩnh, Thạch Hà…

Trong quá trình điều tiết nước, công ty thủy lợi Bắc Hà Tĩnh phát hiện hộ ông Trần Viết Sáng đã thi công hố móng và lắp đặt container, xây dụng công trình kiên cố nằm trong phạm vi bảo vệ công trình kênh chính Ngàn Trươi phía bờ trái kênh tại lý trình K14+870.

Tháng 8/2022 đại diện đơn vị quản lý phối hợp với địa chính xã Tân Dân, huyện Đức Thọ lập biên bản vi phạm, đình chỉ hoạt động xây dựng trái phép của hộ ông Sáng, đồng thời báo cáo lên chính quyền địa phương.

Ngay sau đó, xã Tân Dân ra quyết định xử phạt hành chính, hộ dân chấp hành nộp phạt nhưng sau đó lại tiếp tục vi phạm lần 2, lần 3.

Hàng tháng công nhân công ty thủy lợi Bắc Hà Tĩnh đều phải ra quân nạo vét kênh mương, vệ sinh trạm bơm. Ảnh: Tâm Phùng.

Hàng tháng công nhân công ty thủy lợi Bắc Hà Tĩnh đều phải ra quân nạo vét kênh mương, vệ sinh trạm bơm. Ảnh: Tâm Phùng.

Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, hộ ông Sáng giải trình, ông biết việc xây dựng công trình kiên cố trên hành lang kênh thủy lợi là vi phạm pháp luật song không thực hiện tháo dỡ theo yêu cầu của chính quyền địa phương.

Một lãnh đạo công ty thủy lợi Bắc Hà Tĩnh nói: “Chúng tôi mất cả tháng trời phối hợp chính quyền vận động, tuyên truyền hộ dân tháo dỡ nhưng họ vẫn chưa chấp hành.

Mong rằng huyện Đức Thọ, xã Tân Dân tiếp tục vận động, thậm chí có biện pháp mạnh để ông Sáng sớm tháo dỡ công trình.

Về phía hộ dân, hi vọng ông phát huy vai trò của một cựu chiến binh, chấp hành nghiêm quy định pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi”.

Ngoài vụ việc cụ thể trên, thời gian qua, ý thức của một bộ phận nhân dân trong việc bảo vệ công trình thủy lợi cũng rất hạn chế. Hầu hết hành vi vi phạm là đổ chất thải xuống kênh mương.

“Việc xả thải xuống kênh thủy lợi là vấn nạn thường xuyên. Nhiều hôm anh em công nhân đang vớt rác phía dưới thì bên trên người dân vứt rác xuống kênh hàng loạt, rất thiếu ý thức. Thậm chí nhiều lần rác bịt hết cống lấy nước đúng giai đoạn tưới cao điểm, công nhân phải lặn xuống để khơi thông.

Tuy nhiên, có một vướng mắc, khi vớt rác lên phơi trên bờ kênh để đốt, mùi hôi bốc lên lại bị người dân đe dọa, phản đối”, lãnh đạo công ty thủy lợi Bắc Hà Tĩnh thở dài.

Hành vi xả rác thải vào công trình thủy lợi là vấn nạn thường xuyên xảy ra ở Hà Tĩnh. Ảnh: Tâm Phùng.

Hành vi xả rác thải vào công trình thủy lợi là vấn nạn thường xuyên xảy ra ở Hà Tĩnh. Ảnh: Tâm Phùng.

Theo tìm hiểu của NNVN, hàng năm, trước vụ sản xuất, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở NN-PTNT đều có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ vi phạm về lĩnh vực thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai.

Tuy nhiên, thực tế tại một số công trình việc kiểm tra, phát hiện, xử lý của chính quyền địa phương còn hạn chế, tình hình vi phạm pháp luật về lĩnh vực thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai vẫn diễn ra khá phức tạp, chưa được giải quyết triệt để mà còn có dấu hiệu gia tăng, nhất là các vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Cụ thể, tổng số vụ vi phạm pháp luật về đê điều đến nay khoảng 874 vụ, trong đó: Xây dựng nhà ở kiên cố, nhà tạm, ki ốt có 117 vụ; để vật tư, chất thải trên đê 14 vụ, đào xẻ đê 1 vụ, khoan đào giếng trong phạm vi bảo vệ đê điều 4 vụ; vi phạm khác 104 vụ; vi phạm do lịch sử để lại 634 vụ.

Đối với thủy lợi, tổng số vụ vi phạm là 1.074 vụ, trong đó: Xây dựng nhà ở kiên cố, nhà tạm, ki ốt có 84 vụ; xây dựng các mô hình trang trại, đào ao nuôi trồng thủy sản 143 vụ; trồng cây lâu năm, dựng lều quán, đổ chất thải, rác thải, tập kết vật liệu 847 vụ.

Trước khi mở cống tưới nước, công nhân rất vất vả nạo vét kênh mương. Ảnh: Tâm Phùng.

Trước khi mở cống tưới nước, công nhân rất vất vả nạo vét kênh mương. Ảnh: Tâm Phùng.

Thời gian qua để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quy chế phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Sở NN-PTNT tổ chức thanh tra, kiểm tra và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xử lý các vi phạm.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, đơn vị chỉ mới xử lý được hơn 112 vụ vi phạm (giải tỏa trồng cây, dỡ bỏ hàng rào, lều quán tạm…), phần lớn các vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều gần như chưa được xử lý triệt để, mới chỉ dừng ở mức lập biên bản vi phạm, chưa áp dụng các chế tài xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Xem thêm
4 nguyên nhân của tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền

Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phân tích 4 nguyên nhân tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

TP Đà Nẵng sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính các cấp

Theo phương án sau khi sắp xếp, TP Đà Nẵng sẽ còn 36 phường, giữ nguyên 11 xã thuộc huyện Hòa Vang.