| Hotline: 0983.970.780

Khoa học công nghệ trong nông nghiệp: Cần sự hỗ trợ của đối tác quốc tế

Thứ Năm 01/12/2022 , 07:02 (GMT+7)

Ngành nông nghiệp Việt Nam cần sự đồng hành, hỗ trợ của các đối tác quốc tế để phát triển KHCN, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất bền vững.

Tại diễn đàn “Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu” vừa qua, các đại biểu nhấn mạnh sự tham gia hỗ trợ của các đối tác quốc tế và sự phối hợp giữa các bên liên quan nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp.

Cần sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế

Trong thời gian qua, các tổ chức quốc tế như Nhóm Tư vấn về Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR), Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT)... đã có những hoạt động quan trọng tại Việt Nam. Từ đó, ngành nông nghiệp có những bài học, những thực hành tốt về đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ ở các quy mô khác nhau như nông nghiệp thông minh, nông nghiệp phát thải thấp, hướng tới phát triển xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đại diện Nhóm Quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu, TS Stephan Weise, Giám đốc Khu vực Châu Á Liên Minh Đa dạng Sinh học và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế cho biết, các nghiên cứu đổi mới của CGIAR trong các lĩnh vực canh tác lúa, rau quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thời gian qua được áp dụng và nhân rộng tại Việt Nam, đem lại nhiều kết quả tích cực. Những ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo do CGIAR phối hợp với các đối tác chiến lược triển khai tại Việt Nam đã góp phần chuyển đổi hệ thống sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam theo hướng xanh và bền vững hơn.

stephan-weise

TS Stephan Weise, Giám đốc Khu vực Châu Á Liên Minh Đa dạng Sinh học và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế. 

Bài liên quan

“CGIAR cam kết hỗ trợ Việt Nam giải quyết các thách thức mang tính chiến lược trong ngành nông nghiệp để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay”, TS Stephan Weise khẳng định.

Trong khuôn khổ hợp tác với CGIAR, nhiều sáng kiến được áp dụng tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng cường khả năng chống chịu, năng suất và giảm phát thải khí nhà kính. Ở lĩnh vực lúa gạo, việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng như máy san phẳng đồng ruộng, gặt đập liên hợp, máy sấy lúa... đã giúp nông dân giảm hàng tỷ đồng tổn thất sau thu hoạch. Bên cạnh đó, tăng hiệu quả sử dụng đầu vào, vật tư nông nghiệp thông qua gieo sạ chính xác. Việc áp dụng Bản đồ thích ứng biến đổi khí hậu và lập kế hoạch thích ứng khí hậu (CS-MAP) đã góp phần giảm tổn thất năng suất lúa trên 600.000ha.

Trong lĩnh vực thủy sản, thực hành nuôi trồng thủy sản thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu được giới thiệu và áp dụng rộng rãi. Trong đó, kết hợp nông nghiệp - nuôi trồng thủy sản và quy hoạch diện tích đất trồng rừng ngập mặt, áp dụng nền tảng kỹ thuật số để tính toán lượng thức ăn chăn nuôi, giảm lãng phí thức ăn chăn nuôi - từ đó giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp đánh giá cao sự tham gia của CGIAR trong việc tích cực thúc đẩy nghiên cứu, phát triển KHCN để giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Các trung tâm của CGIAR đã triển khai tốt việc tư vấn cho các địa phương để xây dựng kế hoạch, lựa chọn các công nghệ giảm phát thải có tính hiệu quả về mặt kinh tế-xã hội và môi trường vì nhờ phương pháp tiếp cận chuẩn.

Tuy nhiên theo ông Trịnh, cần thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa CGIAR với các đơn vị nghiên cứu trong nước, bên cạnh đó cần có sự tham khảo của địa phương và các tổ chức nghiên cứu, đơn vị chỉ đạo sản xuất tại địa phương để triển khai phù hợp với điều kiện tập quán, cây trồng, phương pháp canh tác của từng vùng.

“Các giải pháp giảm khí nhà kính đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều ngành sản xuất. Tuy nhiên, khi được áp dụng trên quy mô lớn cần có cách tiếp cận và triển khai đúng đắn hơn, đảm bảo các điều kiện về đầu tư, giám sát của từng lĩnh vực cụ thể như chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt...", ông Trịnh nêu vấn đề. 

Bà Marion Chaminade - Tham tán các vấn đề về nông nghiệp Đại sứ quán Pháp cho biết, từ các số liệu về phát thải khí nhà kính trong hai lĩnh vực của nông nghiệp là ngành lúa gạo và chăn nuôi, có thể thấy đây là những lĩnh vực còn nhiều dư địa để thực hiện chuyển đổi, ứng dụng KHCN nhiều hơn, mở rộng quy mô ứng dụng để có thể tăng cường giá trị và mở rộng thị trường.

Mở rộng mô hình cảnh báo, dự báo CS-MAP cho lĩnh vực lâm nghiệp

Ông Phùng Văn Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, cho biết phát triển nông nghiệp bền vững, lâm nghiệp duy trì thảm thực vật rừng là hai mặt quá trình song hành hỗ trợ nhau. Rừng có tác dụng lớn trong việc điều hòa khí hậu, điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất và chống xói mòn. Như vậy, nếu nói nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế thì quản lý rừng là trụ đỡ của nông nghiệp.

Các nhà khoa học lâm nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận với công nghệ tiên tiến trên thế giới để ứng dụng và tạo ra những sản phẩm có hàm lượng khoa học ngày càng cao, phục vụ sản xuất lâm nghiệp hiệu quả.

Nhiều giống cây lâm nghiệp mới có năng suất cao, chất lượng tốt đã được chọn, tạo và phát triển trong sản xuất. Các tiến bộ kỹ thuật về thâm canh rừng, quản lý rừng bền vững, khai thác, bảo quản, chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ đã được chuyển giao vào sản xuất và mang lại hiệu quả thiết thực.

Vien di truyen-23

Các nhà khoa học lâm nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận với công nghệ tiên tiến trên thế giới để ứng dụng và tạo ra những sản phẩm có hàm lượng khoa học ngày càng cao. Ảnh: Tùng Đinh. 

Tại diễn đàn, ông Khoa nhấn mạnh định hướng xây dựng hệ thống canh tác bền vững dưới tán rừng, áp dụng mô hình kinh tế dưới tán rừng. Theo đại diện Trường Đại học Lâm nghiệp, việc xây dựng hệ thống này có thể tích hợp tất cả các kỳ vọng, ưu điểm của nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, ở đó hạn chế sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật do mật độ sâu hại bị phân tán và tận dụng thiên địch tự nhiên. Đặc biệt về mặt chất lượng, hệ thống canh tác dưới tán rừng có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm lâm sản bằng gỗ hay nông sản dưới tán rừng chất lượng cao.

Theo ông Khoa, bên cạnh thí điểm hệ thống canh tác dưới tán rừng phòng hộ, cần mở rộng mô hình với đối tượng rừng sản xuất vì đây là hệ thống canh tác triển vọng, dư địa lớn. Ông Khoa cũng đề xuất mở rộng mô hình cảnh báo, dự báo khí tượng đối với lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó, ứng dụng hệ thống này trên khía cạnh cảnh báo sớm, dự báo cháy rừng hoạt động thường xuyên, liên tục, bảo đảm trong dài hạn.

Chia sẻ với ý kiến của ông Khoa, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp đề xuất CGIAR hỗ trợ ưu tiên cho nghiên cứu lâm nghiệp khi ngành lâm nghiệp gánh vác trách nhiệm lớn trong nỗ lực giảm phát thải các bon.

“EU kêu gọi cấm tất cả hàng nhập khẩu liên quan đến phá rừng, trong đó các mặt hàng nhập khẩu vào khối này được cho là liên quan tới phá rừng sẽ bị kiểm soát. Cần có sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong nghiên cứu kỹ thuật và chính sách để triển khai tiếp cận việc sản xuất hàng hóa, không gây mất rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho khối tư nhân xuất khẩu hàng hóa sang EU”, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp kiến nghị. 

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Khánh Hòa dự báo mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Theo dự báo, từ đêm 23 - 25/12, tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất…