| Hotline: 0983.970.780

Khởi động 3 dự án sản xuất cà phê phát thải thấp tại Tây Nguyên

Thứ Tư 15/02/2023 , 19:43 (GMT+7)

3 dự án sản xuất cà phê phát thải thấp tại 4 tỉnh Tây Nguyên, với mức đầu tư 3,6 triệu Euro, trên 31.000ha, với hơn 48.000 nông dân tham gia, chính thức khởi động.

Xây dựng các vùng nguyên liệu phát thải thấp, tăng hấp thụ carbon

Năm 2014, Bộ NN-PTNT, Tổ chức IDH đã hợp tác cùng UBND các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông cũng như các doanh nghiệp sản xuất và thu mua cà phê, hồ tiêu trong nước và quốc tế, các tổ chức phát triển "Chương trình Cảnh quan và Chương trình Cà phê", nhằm đồng thiết kế, đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu quy mô lớn phát thải thấp, triển khai các giải pháp sản xuất, thu mua bền vững các sản phẩm cà phê áp dụng phương pháp tiếp cận cảnh quan, nông nghiệp tái sinh, gia tăng diện tích cây trồng xen, sử dụng có trách nhiệm vật tư đầu vào, tài nguyên đất và nước. Qua đó, từng bước cắt giảm phát thải, gia tăng khả năng lưu trữ các-bon của các vùng sản xuất cây công nghiệp tại Tây Nguyên. 

Theo bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc khu vực Châu Á tổ chức IDH, Chương trình Cảnh quan IDH, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn, phát thải thấp, không phá rừng, đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân là giải pháp căn cơ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu như Mỹ, EU.

"Gần một thập kỷ qua, IDH nỗ lực cùng Bộ NN-PTNT, JDE Peet’s, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên và các công ty cà phê đã triển khai thử nghiệm cách tiếp cận cảnh quan và thực hành sản xuất cà phê bền vững để xây dựng gần 100.000 ha vùng nguyên liệu cà phê và hồ tiêu, giúp giảm phát thải 60% và tăng 15% thu nhập cho 15.000 hộ sản xuất cà phê và hồ tiêu tại khu vực Tây Nguyên”, bà Chi thông tin.

Bà Chi cho rằng, tiềm năng để giảm phát thải từ việc hướng dẫn cho nông dân cách thực hành phân bón là giải pháp rất quan trọng để có thể đóng góp 50-60% việc giảm phát thải trong các vườn cà phê. Và giải pháp được đưa ra là tăng cường thảm phủ - bảo tồn đất/nước; sử dụng cây/hoạt chất cố định đạm; thực hành bón đúng, bón đủ để giúp làm giảm khả năng phát thải trong sản xuất cà phê.

Ngoài việc giảm phát thải, theo bà Chi, còn khả năng tăng hấp thụ phát thải trong vườn cà phê. Mức phát thải ròng đối với hệ thống cây trồng xen (xen cà phê với bơ, sầu riêng; hoặc xen cà phê với sầu riêng) thì thấp hơn hẳn so với hệ thống trồng thuần.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, sinh khối trong các hệ thống trồng xen gấp 1.57 – 2.1 lần sinh khối của hệ thống trồng thuần, đây chính là lý do dẫn đến việc nếu chúng ta trồng xen đúng thì vùng sản xuất cà phê có thể trở thành vùng hấp thụ các-bon chứ không phải là phát thải các-bon. “Tất cả nghiên cứu này cho thấy, với một hệ thống trồng xen đa tầng, đa tầng hợp lý, đa mục đích thì  hoàn toàn có thể đạt được khả năng vùng hấp thụ các-bon. Ngoài ra, hệ thống nông lâm kết hợp, trồng xen mang lại hiệu quả về mặt kinh tế gấp 2 lần so với trồng thuần mà hiện nay chúng ta vẫn đang áp dụng”, bà Chi nói.

Nói về tiềm năng giảm phát thải ròng ở Tây Nguyên qua các giải pháp can thiệp, bà Chi cho biết, phần lớn nhất chiếm 42% là thông qua tăng hấp thụ qua tái canh cây cà phê; 28% tăng hấp thụ thông qua hệ cây trồng xen và cải thiện đất hợp lý; và 30% thông qua giảm phát thải qua phân bón.

Trong giai đoạn 2021-2025, ngoài mục tiêu nhân rộng tiếp cận cảnh quan, sản xuất bền vững và nâng cao thu nhập nông hộ trên 85.000 ha đất nông nghiệp và 150.000 ha đất rừng, Chương trình Cảnh quan/Cà phê IDH và các đối tác sẽ tiến hành thí điểm các mô hình đo lường, báo cáo phát thải và xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích, tạo động lực tái đầu tư, nhân rộng các mô hình sản xuất bền vững giảm phát thải. 

“Cần phải coi việc giảm phát thải, tăng hấp thụ carbon như là cơ hội để người nông dân, ngành cà phê, ngành nông nghiệp có được thêm nguồn tài chính để tiếp tục duy trì các hoạt động phát triển bền vững”, bà Chi nói.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và PTNT (Bộ NN-PTNT), Quyết định 1088 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án "Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025", hiện nay đang thí điểm mô hình ở khoảng 200.000 ha, trong đó cà phê khoảng 20.000 ha.

Nó đặt ra 6 yêu cầu trong vùng nguyên liệu. Đó là: nông sản phải được sản xuất theo tiêu chuẩn; Nhà nước phải hỗ trợ cho ngành hàng này phát triển; Nông dân vùng này phải được tổ chức trong các tổ chức của mình và để tạo ra các đầu mối trong chuỗi giá trị vận hành, cũng như thực hành nông nghiệp phải đi đúng theo yêu cầu của chuỗi giá trị; Nông dân phải được đào tạo, nông dân chuyên nghiệp hoá, nông dân phải được tri thức hóa, được đào tạo ở mức tối thiểu; Số hóa để truy xuất nguồn gốc, minh bạch hoá quá trình sản xuất của nông dân. "Chính vì thế, vùng nguyên liệu này đã được ký kết giữa Bộ NN-PTNT với 13 tỉnh. Các doanh nghiệp, nông dân, chính quyền đều được phân định trách nhiệm rõ ràng trong quá trình phát triển", ông Thịnh cho hay.

Vùng nguyên liệu phải đạt chuẩn về tiêu chuẩn nông sản và môi trường. Như vậy, tất cả vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu cần phải được thực thi thực hành theo các tiêu chuẩn, tín hiệu của thị trường. Vì thế, trong vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp đầu ra sẽ là doanh nghiệp dẫn dắt trong chuỗi giá trị: tiêu thụ được nông sản cho nông dân, đảm bảo nông sản sản xuất đạt tiêu chuẩn.

Còn về môi trường, phải đảm bảo môi trường cho cả con người, sinh vật, cây trồng, vật nuôi trong vùng đó. Vì như vậy, những câu chuyện liên quan đến giảm khí phát thải, chế biến các sản phẩm sau thu hoạch là những cái trong vùng nguyên liệu đặt ra.

Khởi động 3 dự án sản xuất cà phê phát thải thấp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Khởi động 3 dự án sản xuất cà phê phát thải thấp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

48.000 nông dân hưởng lợi từ ba dự án sản xuất cà phê phát thải thấp 

Việt Nam cam kết đến năm 2030 đóng góp giảm phát thải 550 triệu tấn CO2 tương đương, trong đó ngành nông nghiệp đặt mục tiêu cắt giảm phát thải tối thiểu 129,8 triệu tấn CO2 tương đương.

Trong khi đó, năm 2022, ngành cà phê vượt chỉ tiêu ngành khi xuất khẩu 1,77 triệu tấn, đạt tổng kim ngạch trên 4 tỷ đô-la Mỹ, mang lại việc làm và nguồn thu nhập cho hơn 700.000 nông hộ. Hàng năm, ngành sảnh xuất cà phê Robusta của Việt Nam phát thải khoảng 800.000 tấn CO2 tương đương 95% tổng sản lượng cà phê Việt Nam được sản xuất tại khu vực Tây Nguyên đang khiến khu vực này trở thành một nguồn phát thải lớn gây ra bởi thâm canh sản xuất, độc canh cây cà phê, phương thức canh tác kém bền vững khi lạm dụng vật tư đầu vào như phân bón hóa học, hoá chất nông nghiệp, nước tưới, năng lượng...

Các vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng và thu nhập của nông hộ về trung hạn, dẫn đến các rủi ro về suy giảm diện tích canh tác, gia tăng phá rừng/mất rừng về dài hạn.

Biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực đến ngành cà phê toàn cầu, cũng như các vùng nguyên liệu của Việt Nam, thôi thúc các bên triển khai những can thiệp cấp thiết liên quan đến cắt giảm phát thải nhằm ứng phó với các tác động này.

7Z5A8093

Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), Tổ chức IDH ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: IDH.

Vì vậy, ngày 14/2, tại TP.HCM, trong khuôn khổ Hội thảo “Giảm phát thải trong các vùng nguyên liệu cà phê tại Việt Nam”, Cục Trồng Trọt (Bộ NNPTNT), Tổ chức IDH ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện Quyết định 1088 của Thủ tướng Chính phủ về "Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025.

Sự hợp tác này hướng tới mục tiêu tăng cường hiệu quả đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu, đạt được các mục tiêu bền vững thông qua phối hợp xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư, đồng triển khai các hoạt động và đẩy mạnh việc chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu hóa và mô hình hóa các mô hình và can thiệp thành công để sẵn sàng nhân rộng sang các vùng sản xuất nông nghiệp khác của Việt Nam. 

Cũng trong khuôn khổ buổi hội thảo, 3 dự án sản xuất cà phê phát thải thấp được khởi động. Theo đó, ba dự án này sẽ được đồng triển khai từ năm 2022-2025 bởi JDE Peet’s, IDH, ACOM, LDC Việt Nam, Simexco, GCP, Syngenta và các nông hộ tại 4 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai, với tổng mức đầu tư 3,6 triệu Euro.

Ba dự án này sẽ tạo ra tác động trực tiếp lên hơn 31.000ha canh tác cà phê, hồ tiêu và trái cây và hơn 48.000 nông dân sẽ được nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, tiếp thu và thực hành các biện pháp sản xuất bền vững. Từ đó, cải thiện điều kiện vườn trồng, bảo tồn tài nguyên đất và nước, và cải thiện thu nhập.

Đối với mục tiêu giảm phát thải, các bên kỳ vọng sẽ xây dựng cơ chế ghi nhận đóng góp giảm phát thải của các bên, cơ chế thu mua ưu tiên cho chuỗi cung ứng giảm phát thải của các công ty, giảm phát thải khí nhà kính và gia tăng khả năng lưu trữ carbon trên diện tích dự kiến tác động, xây dựng khung các phương pháp và công cụ đo lường phát thải phù hợp cũng như hệ thống giám sát - báo cáo - xác nhận (MRV) liên quan đến giảm phát thải, đồng thời xác định các cơ chế trước và sau đầu tư vào giảm phát thải carbon khả thi và hiệu quả.

"Với dự án này, chúng tôi mong muốn có thể cắt giảm và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Qua đó, tăng tính kinh tế cho các nông trại, giảm tình trạng phơi hóa chất phun xịt của nông dân, cũng như sức ép lên tài nguyên đất và nước. Từ đó, từng bước giảm phát thải trong các hoạt động sản xuất của người dân”, ông Laurent Bossolasco Quản lý vùng Châu Á - Thái Bình Dương, Công ty Acom (Tập toàn ECom) cho biết.

Xem thêm
Làng bánh lá răng bừa nức tiếng xứ Thanh

Toàn xã Xuân Lập có khoảng 240 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa, sản phẩm được bán quanh năm, đặc biệt bán chạy vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền…

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Agribank Bình Định sát cánh cùng tam nông

5 năm gần đây, Agribank Bình Định luôn có mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, chiếm tỷ lệ cao trong tổng dư nợ là cho vay nông nghiệp, nông thôn…

Hà Nội rà soát, công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1044/QĐ -TTg ngày 26-9-2024 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm triển khai thi hành Luật Đường bộ.