Cấp bổ sung nước để Hà Nội đủ gieo cấy vụ đông xuân. Hơn 48.000 nông dân sẽ tham gia sản xuất cà phê phát thải thấp. Đậu đũa ngâm muối của Lào Cai lần đầu xuất khẩu sang Nhật Bản. Thủy sản Cần Thơ đặt mục tiêu sản lượng nuôi đạt 214.000 tấn. Chăm sóc cây cảnh sau tết vào vụ
Cấp bổ sung nước để Hà Nội đủ gieo cấy vụ đông xuân
Cục Thủy lợi, Bộ NN-PTNT vừa có văn bản gửi Tập đoàn điện lực Việt Nam – EVN về việc vận hành xả nước các hồ chứa thủy lợi cấp nước bổ sung cho hạ du, hỗ trợ TP. Hà Nội lấy đủ nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2022-2023. Văn bản nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ NN-PTNT và theo đề nghị của Sở NN-PTNT Hà Nội, để đảm bảo đủ nguồn nước cho các trạm bơm dã chiến dọc sông Hồng vận hành lấy nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân và trữ nước dành cho tưới dưỡng, Cục Thủy lợi đề nghị Tập đoàn điện lực Việt Nam tổ chức vận hành các nhà máy thủy điện bảo đảm duy trì mực nước tại trạm thủy văn Sơn Tây từ +1,8m trở lên liên tục từ 17 – 20/2 (4 ngày).Thời gian còn lại của mùa khô, vận hành các nhà máy thủy điện theo quy định. Theo báo cáo nhanh của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai TP Hà Nội, tính đến 7h ngày 14/2, diện tích có nước đạt 88%, dự kiến đến ngày 17/2, còn khoảng 800ha tiếp tục laasy nước từ sông Hồng qua trạm bơm Phù Sa.lấy nước
HƠN 48.000 NÔNG DÂN SẼ THAM GIA SẢN XUẤT CÀ PHÊ PHÁT THẢI THẤP - NGUYỄN THUỶ
Chiều 14/2, tại TP. HCM, Bộ NN-PTNT, Tổ chức IDH và Công ty JDE Peet’s phối hợp tổ chức hội thảo “Giảm phát thải trong các vùng nguyên liệu cà phê tại Việt Nam”, khởi động ba dự án sản xuất cà phê phát thải thấp. Ba dự án này sẽ được triển khai trong giai đoạn 2022-2025 tại 4 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai, trên diện tích trên 31.000ha cà phê với tổng mức đầu tư 3,6 triệu Euro. Hơn 48.000 nông dân tại vùng dự án sẽ được thực hành các biện pháp sản xuất bền vững và cải thiện thu nhập. Mục tiêu của chương trình nhằm xây dựng gần 100.000ha vùng nguyên liệu cà phê và hồ tiêu, giúp giảm phát thải 60% và tăng 15% thu nhập cho 15.000 hộ sản xuất cà phê và hồ tiêu tại khu vực Tây Nguyên. Tại Hội thảo, Tổ chức IDH, Cục Trồng Trọt (Bộ NNPTNT) và Diễn đàn Cà phê Toàn cầu (GCP) đã cùng ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác về sản xuất cà phê giảm phát thải, đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
ĐẬU ĐŨA NGÂM MUỐI CỦA LÀO CAI LẦN ĐẦU XUẤT KHẨU SANG NHẬT BẢN
7,5 tấn đậu đũa ngâm muối của nông dân xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) vừa được đưa xuống cảng Hải Phòng để xuất khẩu sang Nhật Bản.Đây là sản phẩm thu hoạch từ mô hình trồng đậu đũa trái vụ vào tháng 9-11/2022. Theo đó, mô hình được triển khai tại thôn Soi Cờ, xã Gia Phú trên diện tích 1ha với 3 giống đỗ. Người dân tham gia trồng thí điểm được Hội Nông dân huyện Bảo Thắng hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu mua tại vườn để chế biến thành sản phẩm đậu đũa ngâm muối.Việc xuất khẩu thành công lô hàng đậu đũa ngâm muối đầu tiên này đã mở ra cơ hội lớn cho nông dân huyện Bảo Thắng đưa các sản phẩm nông sản của địa phương ra thị trường quốc tế.
THỦY SẢN CẦN THƠ ĐẶT MỤC TIÊU SẢN LƯỢNG NUÔI ĐẠT 214.000 TẤN
Chi cục Thủy sản thành phố Cần Thơ cho biết, năm 2022 thành phố Cần thơ có trên 9.100 ha diện tích nuôi thủy sản, tổng sản lượng nuôi và khai thác đạt hơn 235.700 tấn, vượt 9% kế hoạch.Riêng diện tích nuôi cá tra năm 2022 gần 700ha, trong đó hơn 520ha đã thu hoạch với sản lượng 169.000 tấn, chiếm 80,8% tổng sản lượng thủy sản thả nuôi đã thu hoạch của toàn thành phố.Năm 2023 ngành thủy sản Cần Thơ phấn đấu diện tích nuôi đạt từ 8.300 ha và sản lượng nuôi đạt từ 214.000 tấn trở lên. Trong đó tập trung chủ yếu vào phát triển nuôi các loại thủy sản mới có nhiều tiềm năng và giá trị cao, ứng dụng công nghệ sản xuất giống thủy sản mới và hiện đại, nuôi theo mô hình tuần hoàn, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm nguồn nước, giảm chất thải, nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững.
CHĂM SÓC CÂY CẢNH SAU TẾT VÀO VỤ
- Trần Trung
Sau Tết Nguyên đán, dịch vụ chăm sóc cây cảnh lại “vào vụ” và mang lại thu nhập không nhỏ cho nhiều người.Ghi nhận tại hội quán Mai Vàng Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, tùy vào tay nghề, độ lớn nhỏ và dáng thế, mỗi cây cảnh được nhận chăm sóc với giá từ vài trăm đến hàng triệu đồng. Ông Phạm Ngọc Danh, Chủ nhiệm hội quán cho biết: Thông thường giá chăm sóc mỗi cây cảnh khoảng 20% giá trị của cây đó. Đặc biệt, chăm sóc cây cảnh sau tết rất kỳ công, bởi loại cây này có giá trị lớn, cần theo dõi, chăm sóc cẩn thận. Trong quá trình chăm sóc, nếu cây chết, hư hỏng hay không ra hoa, kết trái đúng dịp tết, nghệ nhân sẽ phải bồi thường cho khách hàng.Xu hướng chơi cây cảnh dịp Tết ngày càng phổ biến, do đó, nghề Chăm sóc cây cảnh đã và đang giải quyết lượng lao động lớn tại địa phương.