Sáng 3/12, Bộ NN-PTNT phối hợp với Trung tâm BSA tổ chức Tọa đàm - Họp mặt với chủ đề "Khởi nghiệp xanh - Hành trình 10 năm kiến tạo thế hệ doanh nông trẻ".
Chương trình Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo từ 2013 đến nay và kể từ 2023 là chương trình Khởi nghiệp xanh, với sự đồng hành của tổ chức, các doanh nghiệp "hàng Việt Nam chất lượng cao", hoạt động với mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và lập nghiệp thành công, xây dựng cộng đồng tài năng trẻ khởi nghiệp.
Sự kiện cũng là cầu nối kết nối nguồn lực với doanh nghiệp trong Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, mạng lưới để các doanh nghiệp trẻ, các bạn thanh niên trao đổi kinh nghiệm khởi sự kinh doanh, lập nghiệp, kết nối với nhau xây dựng chuỗi giá trị liên kết vững mạnh.
Trải qua chặng đường 10 năm, chương trình Khởi nghiệp xanh tập trung vào các nội dung chính như: huấn luyện - đào tạo, hội thảo - diễn đàn - toạ đàm, xúc tiến thị trường, truyền thông và tổ chức cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp - đổi mới sáng tạo, Khởi nghiệp xanh.
Nhiều hoạt động thực tế được triển khai như những chương trình giao lưu, trải nghiệm tham quan học tập các mô hình khởi nghiệp thành công tại các địa phương, cùng đi có các chuyên gia, doanh nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, những bài học phát triển sản phẩm, phát triển kinh doanh, xây dựng vùng nguyên liệu. Đồng thời, tổ chức những chuyến thực địa tại các nhà máy, để được lắng nghe những chia sẻ từ chủ nhà máy…
Tính đến nay, đã có gần 400 lớp tập huấn với khoảng 30.000 lượt thành viên tham dự; hơn 50 lượt chuyên gia tham gia chia sẻ, hướng dẫn.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao; Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ Doanh nghiệp Việt (BSA) chia sẻ, có thể nói doanh nông trẻ đội ngũ “tự hình thành” từ nhu cầu của cuộc sống với người dẫn dắt đầu tiên là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (nay là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan).
Chương trình Khởi nghiệp xanh đã và đang tạo ra một thế hệ những người làm ăn kiểu mới, là những “Doanh nông trẻ”, gắn với nông nghiệp, nông thôn, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa vốn là những sản vật của vùng, miền, rồi nghiên cứu, sáng tạo, cho ra những sản phẩm mới độc đáo, có tính thương mại hóa trên thị trường.
Giới thiệu về doanh nông xanh, bà Hạnh nhấn mạnh rằng đây là đội ngũ có tinh thần kết nối cao, có nhu cầu chia sẻ, dẫn dắt nhau phát triển rất lớn. Những phẩm chất tốt đẹp của các doanh nông xanh là luôn kiên định theo đổi mục tiêu của bản thân và tổ chức, ham học hỏi, sáng tạo và không sợ thất bại.
Chia sẻ ý kiến tại "Khởi nghiệp xanh - Hành trình 10 năm kiến tạo thế hệ doanh nông trẻ", bà Nguyễn Thị Thu, Công ty Mevi, Trưởng làng Nông nghiệp Techfest - sáng lập hệ sinh thái Mevi bày tỏ mong muốn Bộ NN-PTNT có thể hỗ trợ xây dựng bộ công cụ đánh giá sức khỏe doanh nghiệp, để các doanh nghiệp nhận diện khó khăn trong quá trình sản xuất từ đó tìm kiếm sự hỗ trợ của sở, ban, ngành địa phương, hệ sinh thái bên ngoài và lực lượng khuyến nông cấp địa phương.
Bên cạnh đó, bà Thu cho biết các doanh nghiệp khởi nghiệp bị rơi vào trạng thái đầu tư máy móc sản xuất ra sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường cần. Như vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần cơ chế hỗ trợ để tiếp cận các gói nghiên cứu, thử nghiệm tại các viện nghiên cứu cũng như tham gia các buổi trình diễn sâu về công nghệ.
Theo bà Thu, các doanh nghiệp trẻ nếu được tiếp xúc, hiểu để làm chủ công nghệ có thể bước chân vào sản xuất sản phẩm một cách hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường và tránh lãng phí nguồn đầu tư.
Chia sẻ với đại diện các doanh nông trẻ tại tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng thế hệ doanh nông mới cần sự sáng tạo, chuyển đổi sang tư duy phi tuyến tính để tạo ra sản phẩm không chỉ có giá trị tích hợp từ công nghệ, từ vốn đầu tư. Bộ trưởng cho rằng trước khi đưa ra sản phẩm khởi nghiệp, các doanh nông trẻ cần coi khởi nghiệp là sứ mạng, trong đó quan trọng là ý chí, nghị lực, sự dấn thân, sẵn sàng thất bạt, sự kết nối, hợp tác.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về mô hình kinh tế xanh lam, mô hình thân thiện nhất với thiên nhiên, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của thế giới trong tương lai, đây có thể hướng đi mới cho các doanh nghiệp non trẻ.
Theo Bộ trưởng, đạo đức cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của doanh nghiệp ngoài chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng. Theo đó, đi theo hành trình khởi nghiệp nên là hành trình học tập đạo đức để định hướng đến một doanh nghiệp tử tế.
Theo Bộ trưởng, tùy cách đi để doanh nghiệp có thể tạo ra sự khác biệt nhưng các doanh nông trẻ cần phải hiểu rằng có quá nhiều sản phẩm tương đồng để người tiêu dùng lựa chọn, ai biết kể câu chuyện vượt trội, khác biệt sẽ là người thắng.
"Chất lượng sản phẩm chỉ là điều kiện cần chưa phải điều kiện đủ khi người tiêu dùng ngày càng có trách nhiệm hơn với lựa chọn của mình, người ta không mua một sản phẩm mà người ta mua cách tạo ra sản phẩm đó (có ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng đa dạng sinh học, gây biến đổi khí hậu…)", Bộ trưởng cho biết.
Bên cạnh đó, Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng nhấn mạnh, câu chuyện khởi nghiệp cần bắt đầu từ nâng cao giá trị sản phẩm, tích hợp các giá trị về văn hóa, du lịch, bản sắc… để nâng tầm sản phẩm, đây là đề tài khởi nghiệp mà các doanh nông trẻ cần quan tâm hơn nữa.