Quảng Ninh đã trở thành một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng NTM kiểu mẫu, có xã đạt NTM kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 91/98 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu), vượt mục tiêu đặt ra.
Đến hết năm 2020, bình quân các xã đạt 19,5 tiêu chí và 52 chỉ tiêu, không còn xã dưới 15 tiêu chí, có 7/13 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn khoảng 1%.
Quy hoạch NTM của các xã cơ bản đã được điều chỉnh đảm bảo tính kết nối giữa các xã trong huyện. Các yếu tố trong hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đều cơ bản hoàn thành.
Trong năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu sẽ có thêm ít nhất 6 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số thành 97/98 xã đạt chuẩn NTM.
Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, tham gia xây dựng NTM gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” làm nền tảng để xây dựng thành công NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Đồng thời, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, giảm nghèo nhanh, bền vững.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục bố trí 200 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ thực hiện các tiêu chí đảm bảo mục tiêu theo kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và kế hoạch OCOP năm 2021.
Theo ông Vũ Thành Long, Trưởng ban Xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh, Ban NTM sẽ tiếp tục tập trung nâng cao các tiêu chí theo hướng thực chất, làm từ nhà ra ngõ, từ thôn đến xã, huyện thông qua triển khai xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, thôn đạt chuẩn NTM, vườn đạt chuẩn NTM, hộ mẫu. Đồng thời, tập trung phát triển sản xuất, sản phẩm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo thông qua Chương trình OCOP.
Cụ thể, công tác phát triển sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm tiếp tục được quan tâm với 44 sản phẩm mới được tham gia chương trình, nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh lên 500 sản phẩm, trong đó, có 238 sản phẩm đạt từ 3-5 sao. Hoạt động xúc tiến thương mại được quan tâm, đặc biệt là thương mại điện tử đã góp phần tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Đồng thời, huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội, không để bị chững, ngắt quãng việc hoàn thành và nâng cao các chỉ tiêu, tiêu chí; tập trung giải quyết những vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn xây dựng NTM cho các địa phương; làm tốt công tác phòng, chống dịch tại khu vực nông thôn. Với chương trình OCOP, tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh sẽ rà soát lại nguồn hàng OCOP để có phương án tiêu thụ nông sản cho người dân, trong đó, chú ý phát huy hiệu quả kênh thương mại điện tử.
Tại cuộc họp trực tuyến với các ngành, địa phương để đánh giá kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM 8 tháng năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 4 tháng cuối năm vừa diễn ra, ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đã đề nghị các ngành, địa phương tập trung hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí của các xã có lộ trình về đích NTM nâng cao, kiểu mẫu và đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM.