| Hotline: 0983.970.780

Khởi nghiệp từ Sachi, sơn nữ Tày làm giàu trên quê hương Đà Bắc

Thứ Sáu 27/12/2019 , 11:22 (GMT+7)

Với ý tưởng chuỗi liên kết trong việc trồng sachi, Thanh Hòa xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019.

Nhóm khởi nghiệp từ cây thầu dầu sachi có giá trị dinh dưỡng rất cao, nhất là hàm lượng omega-3, 6, 9 chiếm 46%, cao gấp bảy lần so với dầu ăn làm từ cá hồi. Ảnh: Ngô Hà.

Nhóm khởi nghiệp từ cây thầu dầu sachi có giá trị dinh dưỡng rất cao, nhất là hàm lượng omega-3, 6, 9 chiếm 46%, cao gấp bảy lần so với dầu ăn làm từ cá hồi. Ảnh: Ngô Hà.

Nhận thấy tiềm năng và hiệu quả của giống cây sachi, bạn trẻ người Tày Trịnh Thị Thanh Hòa ở Đà Bắc, Hòa Bình đã nảy ra ý tưởng và phát triển thành mô hình khởi nghiệp. Sau hai năm khởi nghiệp, lợi nhuận Hoà thu được gần 1 tỷ đồng/năm. Để tăng giá trị, Hoà tìm cách chế biến sachi thành  trà, dầu ăn và nhiều sản phẩm tiện dụng khác.

Cơ hội từ “siêu thực phẩm mới”

Sachi có tên khoa học là Plukenetia volubilis L, là loại thực vật thuộc họ Euphorbiaceae (thầu dầu), có nguồn gốc từ vùng rừng rậm Amazon, phân bố từ Bolivia tới Mexico, nhưng phổ biến nhất là ở Peru, Ecuador và Colombia.

“Ông vua của các loại hạt”, “siêu thực phẩm mới”… là những cụm từ thường được dùng để nói về hạt của sachi, bởi theo tài liệu khoa học, tỷ lệ tiêu hoá các chất dinh dưỡng và các acid béo không bão hoà đối với con người rất cao, đạt đến 96%.

Hàm lượng omega-3, 6, 9 trong sachi giúp giảm cholesterol, giảm các nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch, giảm thoái hoá não, tăng cường thị lực, chống rối loạn tim mạch và cao huyết áp… Chính vì thế, loại quả này được nhiều quốc gia nhập khẩu với số lượng lớn, như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, các thị trường khác vẫn đang bỏ ngỏ, vì nguồn cung không đủ.

Là thạc sĩ ngành nông nghiệp của học viện Nông nghiệp Việt Nam, thêm vào đó là nhiều năm làm việc tại trạm khuyến nông, khuyến lâm huyện Đà Bắc của tỉnh Hoà Bình, Trịnh Thị Thanh Hoà sớm nắm bắt các thông tin về loại cây sachi, được khảo nghiệm tại học viện Nông nghiệp Việt Nam từ năm 2014.

Tò mò, tìm giống trồng thử và nhân rộng diện tích trên những đồi trọc, đến năm 2017, Hoà bắt đầu thu hoạch được những hạt sachi đầu tiên và xuất khẩu thành công.

Đây chính là tiền đề để cô sơn nữ Tày này tự tin chia sẻ về giống, kỹ thuật canh tác cùng người dân bản xứ, với mục tiêu từng bước giúp xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là phụ nữ đồng bào dân tộc Tày của mình và nhiều dân tộc thiểu số ở địa phương.

Tại cuộc gặp ở vòng bán kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn – năm 2019” do trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn phối hợp với trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức, Hoà chia sẻ rằng, diện tích trồng cây sachi ở một số nước láng giềng như Thái Lan, Lào, Campuchia xấp xỉ 3.000ha, sản lượng dầu vẫn chưa đủ cung cấp cho thị trường thế giới.

Ngay cả Peru, quốc gia xuất khẩu sachi lớn nhất thế giới, cũng không đủ sản lượng, do vậy, giá cả ngày càng tăng. Cây sachi thường cho năng suất cao và ổn định từ năm thứ 3 trở đi, cần phải có thời gian xây dựng vùng nguyên liệu trong thời gian dài.

Ở Việt Nam, diện tích trồng sachi còn khá khiêm tốn với khoảng 500ha, phân bố rải rác ở một số địa phương như Ninh Bình, Hoà Bình, Gia Lai… Cây sachi thích hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, và Việt Nam là quốc gia được đánh giá là nơi có khả năng sản xuất hạt thô lớn ở châu Á.

Đây là cơ hội không chỉ đối với bản thân, mà còn với nhiều bà con trên khắp cả nước.

Muốn tăng giá trị phải chế biến

Tham gia cuộc thi với dự án có tên “Chuỗi liên kết phát triển vùng nguyên liệu trồng và sản xuất các sản phẩm của cây sachi theo tiêu chuẩn VietG.A.P. trong sản xuất nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình”, Hoà cho biết, sachi là loại cây trồng có giá trị dinh dưỡng rất cao, nhất là hàm lượng omega-3, 6, 9 chiếm 46%, cao gấp bảy lần so với dầu ăn làm từ cá hồi.

Hiện nay, quả sachi được dùng rất nhiều trong ngành công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoà Bình của Hoà hiện đã trồng được 100ha sachi trên những quả đồi trọc, và liên kết với nhiều địa phương trong tỉnh Hoà Bình, huyện Thanh Sơn ở Phú Thọ, huyện Chư Prông ở Gia Lai, để phát triển thêm vùng nguyên liệu lên 150ha trong thời gian tới.

Nói về tiềm năng, sơn nữ Tày sinh năm 1987 cho rằng, trong 90 triệu dân Việt Nam, có đến 30% là khách hàng mục tiêu, tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn. Đây là thị trường đầy tiềm năng.

Đặc biệt, đối tượng là các bà mẹ trẻ nuôi con nhỏ và phụ nữ là nhóm khách mà sản phẩm Sachi đang hướng tới, bởi dầu ăn từ sachi bổ sung dinh dưỡng cho sự phát triển não bộ của bé, hoặc các sản phẩm tinh chế từ dầu sachi dưới dạng viên nang, giúp bổ sung dinh dưỡng vi chất, hỗ trợ làm đẹp cho phụ nữ.

Trong khi đó, nhóm đối tượng cần bổ sung dinh dưỡng nâng cao sức khoẻ (độ tuổi từ 15 – 80), cũng là nhóm khách hàng tiềm năng, vì sachi được chế biến thành nhiều sản phẩm có lợi cho hệ tuần hoàn, tim mạch, cung cấp canxi…

“Từ năm 2017, chúng tôi có sản phẩm là hạt thô xuất sang Hàn Quốc (thông qua một doanh nghiệp xuất khẩu) đạt 80 tấn mỗi năm, giá trị đạt được hơn 3,2 tỷ đồng. Lợi nhuận đạt gần 1 tỷ đồng, số còn lại là chi phí sản xuất của các hộ dân liên kết với 300 lao động. Chúng tôi có ý muốn chế biến, để gia tăng giá trị. Chúng tôi đang thu hoạch 120 ha sachi.

Giai đoạn tiếp theo từ 2020 trở đi, chúng tôi định hướng sản xuất các sản phẩm chủ lực như dầu omega 3, hạt rang sấy, một số sản phẩm khác như bột protein, hoặc có thể làm thêm các sản phẩm khác như rau sachi an toàn. Khi gia tăng giá trị sản phẩm này lên thì sẽ có lợi hơn rất nhiều."

Thanh Hòa cho biết với hình thức sản xuất theo chuỗi liên kết, tức là liên kết giữa doanh nghiệp với Hội nông dân, mà cô sẽ triển khai trong thời gian tới, sẽ  tận dụng đất đồi hoang hóa chuyển đổi sang trồng cây sachi có giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm cho 400 - 500 lao động nông nhàn ở địa phương, đồng thời hướng tới xuất khẩu.

Với ý tưởng chuỗi liên kết trong việc trồng cây sachi, Trịnh Thị Thanh Hòa đã xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019.

Hòa đã được chọn là một trong những Start-up tiêu biểu tham gia sự kiện, trưng bày sản phẩm tại Impact Techfest các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc tổ chức tại Phú Thọ tháng 12/2019 và Techfest Quốc gia 2019 tại Quảng Ninh.

Đây là động lực để cô gái trẻ người dân tộc Tày tiếp tục thực hiện giấc mơ làm giàu trên quê hương Đà Bắc (Hòa Bình).

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Khẩn thiết cần 1 đầu mối đứng ra đàm phán

'Chúng tôi chỉ là hiệp hội, không có chức năng quản lý và chưa được hướng dẫn thủ tục cấp giấy kiểm định vàng O', Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.