| Hotline: 0983.970.780

Bộ Công Thương đề ra 5 giải pháp hạn chế tác động của thuế đối ứng

Thứ Năm 03/04/2025 , 22:39 (GMT+7)

Đa dạng thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực phòng vệ thương mại... là những điểm được Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài nhắc tới.

Chia sẻ thông tin với báo chí chiều 3/4, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) cho biết, lấy làm tiếc khi Hoa Kỳ thông báo áp thuế 46% đối với tất cả các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Sắc thuế mới có hiệu lực từ ngày 9/4.

"Mức thuế tối huệ quốc (MFN) trung bình Việt Nam áp với hàng hóa nhập khẩu hiện nay là 9,4%. Do đó, mức thuế đối ứng mà Hoa Kỳ dự kiến áp dụng cho hàng hóa Việt Nam lên tới 46% là thiếu căn cứ khoa học và thực sự không công bằng, không phản ánh thiện chí và nỗ lực của Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua trong việc xử lý tình trạng thâm hụt thương mại giữa hai nước", ông Linh nói.

Ngay sau khi Tổng thống Trump công bố sắc lệnh thuế mới, nhiều quốc gia trên thế giới đã phản ứng. Ảnh: Getty.

Ngay sau khi Tổng thống Trump công bố sắc lệnh thuế mới, nhiều quốc gia trên thế giới đã phản ứng. Ảnh: Getty.

Theo đại diện Bộ Công Thương, Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước.

Hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Hoa Kỳ trên thị trường Hoa Kỳ. Không chỉ dừng ở đó, hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Hoa Kỳ được sử dụng hàng hóa giá rẻ.

Nhận thức được vấn đề cán cân thương mại giữa hai nước, thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành đã xử lý hàng loạt các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trong đó, có việc ban hành Nghị định hạ thuế MFN, gồm 13 nhóm hàng có lợi thế của Hoa Kỳ được hưởng lợi.

"Ngay sau khi Hoa Kỳ công bố áp thuế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã gửi Công hàm đề nghị Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế, dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên", ông Linh nói và cho biết thêm, sắp tới Bộ trưởng hai nước sẽ điện đàm, đồng thời tổ chức các cuộc trao đổi kỹ thuật với Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR).

Thừa nhận, không gian để trao đổi, đàm phán với Hoa Kỳ không còn nhiều, Bộ Công Thương đề nghị sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu  đạt 12% trong năm 2025.

Để giảm thiểu rủi ro từ các biến động thương mại quốc tế, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện 5 giải pháp.

Thứ nhất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, cũng như phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới.

Thứ hai, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường của các thị trường xuất khẩu, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Thứ ba, kiểm soát xuất xứ nguyên vật liệu, trong đó chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong FTA và tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại.

Thứ tư, tăng cường năng lực phòng vệ thương mại. Các doanh nghiệp nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài, thông qua việc cập nhật thông tin và tham gia các khóa đào tạo liên quan.

Cuối cùng, chủ động cập nhật thông tin thị trường, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về thị trường và chính sách thương mại của các quốc gia, để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.

"Một nền xuất khẩu bền vững không thể chỉ dựa vào gia công, mà còn phải dựa trên trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nền kinh tế có sức chống chịu bền bỉ hơn, giảm thiểu tác động tiêu cực từ các cú sốc bên ngoài", ông Linh nhấn mạnh.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ cam kết thúc đẩy đàm phán các FTA với các thị trường mới như Trung Đông, Mỹ La tinh, Trung Á... Cùng với đó, tăng cường xúc tiến thương mại và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh đánh giá, thị trường Hoa Kỳ chiếm 13% lượng hàng nhập khẩu toàn cầu nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm đến 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là một lợi thế nhưng cũng là điểm yếu của hoạt động xuất khẩu. 

Xem thêm
Cùng sinh viên kiến tạo con đường nông nghiệp hạnh phúc

THÁI NGUYÊN Ngày 2/4, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã ký kết hợp tác toàn diện với Tập đoàn Tân Long với nhiều nội dung nội dung quan trọng, hỗ trợ sinh viên phát triển.

VRG ký kết hợp tác với Becamex và VSIP trên nhiều lĩnh vực

VRG vừa cùng Becamex, VSIP ký thỏa thuận hợp tác ba bên phát triển các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, năng lượng sạch... trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Cổ phiếu khoáng sản Việt Nam tăng mạnh sau động thái thuế quan của Mỹ

Sau khi Trump công bố thuế quan mới, cổ phiếu các công ty khoáng sản Việt Nam tăng mạnh, tạo cơ hội và thách thức lớn cho ngành này.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Bí kíp 'chốt đơn' 20 lô đất/tháng của nhà môi giới tại Hải Phòng

Bí kíp 'chốt đơn' và cơ duyên đến với nghề môi giới bất động sản của anh Nguyễn Văn Sen khá tình cờ và thú vị trong 'một lần mua đất bị hớ'.

Bình luận mới nhất