Kinh nghiệm hay "vừa sản xuất, vừa chống dịch"
Công ty TNHH Sài Gòn Stec (KCN VSIP II, TP.Thủ Dầu Một) có 100% vốn đầu tư Nhật Bản, với 6.600 công nhân. Làm thế nào để Công ty duy trì sản xuất trong dịch và khôi phục tốt sau giãn cách?
Dấu mốc bắt đầu từ ngày 22/7/2021, Công ty TNHH Sài Gòn Stec xuất hiện ca F0 đầu tiên, nên phải tạm ngừng sản xuất toàn bộ. Đến ngày 10/8, doanh nghiệp chính thức hoạt động trở lại theo phương án "3 tại chỗ".
Ông Đỗ Quang Tùng, Trưởng Phòng Quản lý nhân sự Công ty cho biết, thời điểm dịch, với vài nghìn công nhân sản xuất, và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, nên các loại chi phí như: cơ sở vật chất đáp ứng phương án "3 tại chỗ", lưu trú cho công nhân, chi phí y tế…và nhiều loại chi phí khác, đã khiến Công ty bị ảnh hưởng không nhỏ. “Để vừa duy trì được hoạt động, vừa đảm bảo an toàn cho công nhân, Công ty luôn phải căng mình lên, rất khó khăn”, ông Tùng nói.
Tuy nhiên, nhờ kiên trì áp dụng các biện pháp chống dịch, từ đó đến nay, Công ty vẫn hoạt động sản xuất ổn định theo phương án “ba tại chỗ” với 2.000/6.600 công nhân. Cụ thể, Công ty quán triệt và thực hiện nghiêm ngặt kỷ luật lao động và nâng cao ý thức của người lao động theo nguyên tắc 5K, cách ly tuyệt đối với bên ngoài, kể cả quá trình giao, nhận hàng. Việc áp dụng “3 tại chỗ” là điều không dễ chịu với nhiều công nhân, nắm bắt điều này, ngoài việc chăm lo chu đáo nơi ăn chốn ở, lãnh đạo Công ty cũng rất quan tâm, thường xuyên thăm hỏi, động viên công nhân. “Sắp tới, Công ty sẽ triển khai phương án “một cung đường, hai điểm đến” để đưa dần công nhân trở lại làm việc. Khi Công ty hội đủ các điều kiện về an toàn dịch bệnh, sẽ tổ chức cho 100% công nhân trở lại làm việc bình thường”, ông Tùng cho biết.
Tương tự, là doanh nghiệp quản lý, vận hành hàng chục khu công nghiệp (KCN) quy mô lớn trong và ngoài tỉnh, nên ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Tổng công ty Becamex IDC với tinh thần quyết tâm cao độ, vẫn duy trì an toàn các hoạt động. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Becamex IDC cho biết, từ khi xuất hiện dịch bệnh trên địa bàn đến nay, lãnh đạo Becamex IDC đã chủ động phòng chống dịch ngay từ trong nội bộ, không để Covid-19 có cơ hội từ bên ngoài “lẻn” vào.
Đơn vị thực hiện quân số làm việc tại chỗ từ 30% - 50%, còn lại làm việc trực tuyến tại nhà để bảo đảm “ai ở đâu, ở yên đó”. Becamex IDC cũng linh hoạt xúc tiến các hoạt động hợp tác đầu tư, điều hành công việc bằng hình thức trực tuyến. Ngay từ thời điểm dịch Covid-19 năm 2020 đến nay, Becamex IDC đã tổ chức thành công qua nền tảng trực tuyến nhiều hội thảo, hội nghị về xúc tiến đầu tư với các đối tác nước ngoài như Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan...
Ngoài đạt những thành quả về duy trì hoạt động, Becamex IDC cũng là đơn vị tiên phong tham gia phòng chống dịch với nhiều đóng góp thiết thực. Bên cạnh việc đóng góp tài chính và góp vào quỹ vaccine, mua sắm các trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực, doanh nghiệp còn hỗ trợ thành lập, vận hành nhiều bệnh viện đã chiến hiện đại, quy mô lớn.
Cũng tại KCN VSIP II, ông Hoàng Ngọc Yến, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH nhựa Nhị Bình, chia sẻ, việc quan tâm chăm sóc đến dời sống vật chất, tinh thần cho công nhân là rất quan trọng. Bên cạnh các khoản chi hỗ trợ của Công ty, LĐLĐ Bình Dương cũng đã kịp thời có chính sách hỗ trợ tiền ăn cho công nhân các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” 1 triệu đồng/người, nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn cho người lao động.
Nếu như trước đây công nhân có 3 bữa chính, thì nay sẽ bổ sung thêm các bữa phụ với những món như trái cây, sữa chua và các loại bánh. Bữa chiều được bổ sung thêm món để tái tạo sức lao động. Việc này giúp công nhân vui vẻ, tinh thần lạc quan hơn trong quá trình làm việc, sinh hoạt.
Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn KCN VSIP cho biết, đến nay đơn vị đã chi hỗ trợ cho 71 doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” với số tiền gần 10 tỷ đồng. Qua giám sát, các doanh nghiệp đã phối hợp với công đoàn rất hiệu quả, bữa ăn được cải thiện tốt hơn. Đặc biệt, đây là nguồn động viên tinh thần không nhỏ đối với người lao động”.
Mô hình mới tiếp sức doanh nghiệp
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh trong quý III/2021 có chậm lại và giảm so với những tháng đầu năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9/2021 tăng 3,15% so với tháng trước. Lũy kế 9 tháng năm 2021, Chỉ số IIP ước tính tăng 4,87% so với cùng kỳ.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh đã duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc "an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn".
Hiện nay, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh của tỉnh từng bước được kiểm soát và chuyển biến khả quan, Bình Dương đã triển khai các mô hình mới như "3 xanh" (nhà máy xanh, nhà trọ xanh, công nhân xanh), "3 tại chỗ linh hoạt" được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí duy trì chuỗi cung ứng sau thời gian dài giãn cách xã hội.
“Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, địa phương xây dựng kịch bản tái sản xuất ngay cả khi nhà máy có F0. Theo đó, khi phát hiện có F0, doanh nghiệp chỉ tạm ngừng hoạt động tại dây chuyền/khu vực nơi có ca liên quan trực tiếp, không phải dừng toàn bộ nhà máy. Đồng thời, doanh nghiệp bố trí khu vực cách ly F0 tại nhà máy bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, có đội ngũ chăm sóc y tế, có tủ thuốc để phục vụ công tác điều trị ban đầu, khuyến khích các DN thực hiện tự cách ly, điều trị F0 nhẹ”, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương cho biết.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, xác định sự phát triển của doanh nghiệp chính là sự phát triển của tỉnh, lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành hỗ trợ kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch từng bước phục hồi kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Theo đó áp dụng lộ trình tổ chức lại sản xuất, kinh doanh theo 3 giai đoạn tương ứng 30%, 50% và 70% công suất. Trong đó tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất bao gồm: Hỗ trợ tín dụng, thực hiện các chính sách thuế - bảo hiểm xã hội, các chính sách về lao động, tiếp cận thị trường, tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo lộ trình cụ thể.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Y tế tiếp tục trao đổi với doanh nghiệp về phương án tái sản xuất và đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch để phối hợp triển khai nhịp nhàng, hiệu quả.
Các sở, ngành tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuế đất trong năm 2021. Đồng thời, tiếp tục thống kê tình hình lao động, xử lý, giải quyết các vướng mắc về lao động trong các doanh nghiệp và có giải pháp để động viên tinh thần của người lao động; đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau giãn cách, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.