| Hotline: 0983.970.780

Sẵn sàng kịch bản sản xuất 'sống chung' với dịch Covid-19

Thứ Hai 20/09/2021 , 06:00 (GMT+7)

Xác định phải 'sống chung với dịch Covid-19', nhiều địa phương đã chủ động phương án khôi phục sản xuất nông nghiệp, sẵn sàng tăng quy mô sản xuất ngay khi nới giãn cách.

Trọng tâm khôi phục nông nghiệp

Theo ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước, để công tác chỉ đạo, điều hành trong ngành nông nghiệp được thông suốt, Sở đã thành lập tổ chỉ đạo sản xuất. Thông qua đường dây nóng, tổ đã kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, lưu thông, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu nhân dân.

Mô hình trồng nấm tại xã Bù Nho, huyện Phú Riềng, Bình Phước. Ảnh: Tr.Trung.

Mô hình trồng nấm tại xã Bù Nho, huyện Phú Riềng, Bình Phước. Ảnh: Tr.Trung.

Từ kết quả đạt được, Sở đã đề nghị từ cấp xã đến huyện phải thực hiện mô hình tương tự, thành lập đường dây nóng, cử người trực thường xuyện 24/24 để lắng nghe các ý kiến phản ánh của người sản xuất, để hướng dẫn, tháo gỡ trong khôi phục sản xuất, chế biến, kinh doanh trong thời gian tới.

Để chủ động thích ứng với tình hình diễn biến dịch Covid-19, tỉnh Bình Phước cũng đặt ra giả thuyết 2 kịch bản để làm chủ mọi tình huống, trong đó, ngành nông nghiệp có vai trò trọng tâm.

Cụ thể, với kịch bản 1 dịch Covid-19 được khống chế trong tháng 9, mọi kế hoạch nông nghiệp đề ra đầu năm cơ bản sẽ vẫn giữ nguyên. Với kịch bản 2 dịch Covid-19 kéo dài, các chỉ tiêu sẽ được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh được thông suốt.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Bình Phước, cho biết: Địa phương sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát, chỉ đạo sản xuất đảm bảo kế hoạch mùa vụ. Cập nhật diễn biến diện tích gieo trồng, dự báo sản lượng thu hoạch trong tuần, tháng, vụ của cây hàng năm và nhóm cây ăn quả từng vùng.

Đặc biệt lúa, ngô, rau màu được định hướng sản xuất, tránh dư thừa hay thiếu cục bộ. Địa phương sẽ quan tâm dự báo kịp thời về dịch hại trên các loại cây trồng, đưa ra các biện pháp phòng trị hiệu quả để hướng dẫn cho nông dân khôi phục sản xuất.

Nông dân xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, Bình Phước thu hoạch lúa. Ảnh: Tr.Trung.

Nông dân xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, Bình Phước thu hoạch lúa. Ảnh: Tr.Trung.

Đối với chăn nuôi, trong điều kiện dịch Covid-19 kéo dài, tỉnh cũng quyết tâm duy trì tổng đàn như hiện nay, trọng tâm là chăn nuôi heo, gà, vịt, cụ thể: Heo trên 1.945.000 con; gà, vịt trên 9.565.000 con. Sản lượng xuất khẩu thịt gà chế biến tiếp tục thực hiện sang thị trường Hồng Kông và Lào. Diện tích nuôi trồng thủy sản duy trì ở mức 1.780 ha, sản lượng ước đạt khoảng 4.320 tấn trong năm 2021.

Còn tại Đồng Nai, ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Hiện các địa phương  đang khẩn trương đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số trong nông nghiệp. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nhằm phát huy vai trò, vị thế của kinh tế tập thể, hệ thống HTX trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản.

“Sở NN-PTNT đang phối hợp với các đơn vị Sở Công thương, Sở GT-VT và các hiệp hội ngành hàng thương mại triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ nhằm sớm khôi phục sản xuất. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ giữa người dân với HTX, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng nguyên liệu lớn, tập trung, kết nối cung cầu của các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương”, ông Sỹ nói.

Một cơ sở chế biến nông sản tại Đồng Nai. Ảnh: M.Sáng.

Một cơ sở chế biến nông sản tại Đồng Nai. Ảnh: M.Sáng.

Giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết: Giá phân bón trong những tháng gần đây tăng mạnh, đã tác động rất lớn đến giá thành sản xuất lúa (chiếm tới 18 - 24% giá thành). Vì thế, trong tổng thể sản xuất lúa của khu vực trọng yếu như ĐBSCL, việc giảm giá thành sản xuất, nhất là phân bón là vấn đề cấp thiết.

Mặc dù trước đây, Bộ NN-PTNT đã có nhiều giải pháp, nhiều gói kỹ thuật đồng bộ để giúp giảm giá thành nhưng vẫn chưa thực hiện được mạnh mẽ. Do vậy, thời gian tới cán bộ kỹ thuật cũng như các nhà chuyên môn cần khuyến cáo và hướng dẫn cho bà con nông dân giảm việc sử dụng phân bón từ 20 - 30% mà năng suất lúa vẫn không suy giảm.

“Điều này cũng đã từng được chứng minh thực tế trong các mô hình của Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng như các cơ quan nghiên cứu ở khu vực ĐBSCL. Nếu thực hiện tốt điều đó thì việc tăng giá phân bón có thể sẽ không tác động quá nhiều đến giá thành sản xuất lúa của bà con”, ông Tùng khẳng định.

Giảm chi phí sản xuất đang là yêu cầu cấp thiết cho sản xuất các tỉnh phía Nam trong bối cảnh giá vật tư tăng mạnh, trong khi sản xuất gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Trần Trung.

Giảm chi phí sản xuất đang là yêu cầu cấp thiết cho sản xuất các tỉnh phía Nam trong bối cảnh giá vật tư tăng mạnh, trong khi sản xuất gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Trần Trung.

Đối với cây ăn trái, không chỉ đối phó với tình hình của dịch Covid -19 mà những năm trước đây còn đối mặt với khó khăn hạn mặn, ngập úng bủa vây hay những biến động của thị trường. Vì thế, ngay từ bây giờ, bà con cần tính toán, không nên chạy theo thị trường kiểu ngày một ngày hai. Trước khi lập vườn mới trồng cây ăn trái hay cải tạo vườn cây cũ, nên lựa chọn theo xu hướng canh tác lớn.

Cần phải giữ lại vùng chuyên canh, chỉ nên cải tạo mương vườn, trẻ hóa lại vườn cây, nâng cấp giống mới, nâng cao chất lượng cây trồng, giảm giá thành, giảm chi phí sản xuất, chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm… Việc này sẽ giúp thay đổi được giá trị vườn cây ăn trái.        

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết: "Vừa qua, Chính phủ đã đưa ra những giải pháp rất trọng tâm, trọng điểm và rất hiệu quả, đặc biệt là Nghị quyết 105 nhằm hỗ trợ HTX và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi rất mừng và mong tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết của Chính phủ sẽ triển khai nhanh chóng ở các địa phương để có thể hoàn toàn vực dậy được các khu vực này”.

Theo ông Toản, với tinh thần của Nghị quyết này, UBND các địa phương cần phải quan tâm; đặc biệt là phải chỉ đạo theo dõi dự báo kế hoạch sản xuất tiêu thụ để đảm bảo tăng trưởng ổn định và điều tiết cung cầu hàng hoá nông sản phục vụ tại chỗ ở các địa phương và cung cấp một phần cho các tỉnh thành lân cận.

Đồng thời, phải rà soát đầy đủ các điều kiện cho sản xuất các vụ tiếp theo như về giống cây trồng, vật nuôi, máy móc thiết bị, vật tư để tổ chức sản xuất cụ thể trong mọi tình huống…  

Bên trong nhà chăn nuôi chế biến gà xuất khẩu CP FOOD Bình Phước. Ảnh: Tr.Trung.

Bên trong nhà chăn nuôi chế biến gà xuất khẩu CP FOOD Bình Phước. Ảnh: Tr.Trung.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT, các địa phương cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo sản xuất, nhất là vấn đề đảm bảo cung ứng giống cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng phương án, kế hoạch duy trì, khôi phục sản xuất trong và sau giai đoạn giãn cách nhằm đảm bảo sản xuất, cung ứng nông sản ổn định, lâu dài.

Trên cơ sở này, tổ công tác cũng có phương án chung cho khu vực báo cáo với tổ công tác đặc biệt của Chính phủ. Từ đó các tỉnh thành có sự chỉ đạo thống nhất, vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo sản xuất, để đạt “mục tiêu kép”.

“Tổ công tác 970 sẽ có tham mưu Bộ trưởng Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ có nghị quyết hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Tổ công tác cũng sẽ làm việc với Bộ Y tế để có hướng dẫn nông dân ra đồng sản xuất, lao động vào nhà máy sản xuất; quan tâm tiêm vacxin cho chuỗi sản xuất nông nghiệp”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Không tiêm vacxin cho nông dân, rất khó tổ chức sản xuất lại

Đặc tính sản xuất nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL cần có sự đan xen, di chuyển mạnh giữa các tỉnh thành. Vì thế, một số địa phương chỉ ưu tiên tiêm vacxin phòng Covid-19 cho lực lượng dịch vụ cung cấp hàng thiết yếu, mà không ưu tiên cho đối tượng sản xuất, điển hình như nông dân là chưa phù hợp.

Nếu không tiêm vacxin cho nông dân, rất khó tổ chức sản xuất lại. Do đó, thời gian tới các địa phương cần tính toán ưu tiên tiêm vacxin cho những người tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp, trong đó có nông dân.

(Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam).

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.