| Hotline: 0983.970.780

Khốn đốn vì nước sinh hoạt

Thứ Ba 16/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Dự báo nắng hạn còn kéo dài khiến hàng chục nghìn hộ dân ở hai huyện Hậu Lộc và Nông Cống(Thanh Hóa) méo mặt vì phải đi mua nước với giá “cắt cổ”...

Người khát, gia súc khát, đồng ruộng khát… là thực trạng chung đã diễn ra gần một tháng nay ở xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc và 7 xã vùng sình lầy, chua mặn của huyện Nông Cống (Thanh Hóa).

Dự báo nắng hạn còn kéo dài khiến hàng chục nghìn hộ dân méo mặt vì phải đi mua nước với giá “cắt cổ”...

60% giếng khơi trơ đáy

Xuân Lộc là một xã ven biển của huyện Hậu Lộc, hơn 30 năm nay trên 5.000 hộ dân của xã phải sống chung với nguồn nước bị xâm nhập mặn và nhiễm phèn nặng. Giải pháp để khắc phục tình trạng trên là xây bể chứa nước mưa để sinh hoạt.

Tuy nhiên, thời gian qua, nắng hạn kéo dài khiến hầu hết bể chứa nước mưa và nguồn nước giếng khoan, giếng khơi cạn trơ đáy.

Ông Trần Thanh Hùng, Trưởng thôn Đông Thịnh cho biết, nước giếng khơi ở Đông Thịnh nhiễm phèn, mặn đến nỗi nấu canh không cần bỏ muối, nấu cơm thì mùi vôi nồng nặc, cả làng chẳng mấy người dám mặc áo trắng vì giặt một vài lần là vàng ố hết. Còn nước giếng khoan nấu sôi bỏ chè vào là chuyển màu đen, bốc mùi khó chịu.

“Chúng tôi biết nguồn nước ở Đông Thịnh nói riêng, Xuân Lộc nói chung đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, nếu sử dụng trong thời gian dài chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tất cả đều lực bất tòng tâm”, ông Hùng nói.

10-50-32_4
Dù biết nước sông rất bẩn nhưng người dân vẫn phải sử dụng để sinh hoạt

Theo ông Hùng, hơn 30 năm qua chưa bao giờ ông chứng kiến hạn khốc liệt như năm nay. Đến ngày 10/6, khoảng 80% giếng khơi, giếng khoan của 170 hộ dân trong thôn đã cạn nước nên bà con phải sử dụng nước ao và sông Cống Nguyễn (đoạn chảy qua Xuân Lộc) để sinh hoạt.

“Nước ao, nước sông đều là nước đọng nên rất bẩn, không đảm bảo vệ sinh, thậm chí người và trâu bò phải tắm chung một nguồn nước nhưng biết bẩn vẫn phải dùng vì bể nước mưa, giếng khơi chẳng còn giọt nào”, ông Hùng cho biết thêm.

Hiện người dân Xuân Lộc phải chia sẻ với nhau từng xô nước mưa để nấu ăn, một số hộ khác lặn lội lên thị trấn Hậu Lộc mua bình nước lọc (35.000đ/bình) về dùng.

Chị Bùi Thị Huệ, một hộ dân thôn Đông Thịnh mồ hôi nhễ nhại nói: “Chưa có năm nào như năm nay, nắng nóng kéo dài, không có mưa nên nhà nào nhà nấy đều hết sạch nước mưa.

Như nhà ông Quang có 2 bể 18m3 không còn một giọt nào, nhà ông Dưỡng bể 30m3 nước cũng hết sạch. Nhà tôi gần sông nên may mắn còn một ít nước giếng khơi để tắm giặt chứ dùng nước sông thì bẩn lắm!”.

10-50-32_2
Một số giếng khơi của bà con còn nước thì nhiễm phèn, mặn không thể sử dụng

Theo phản ánh của người dân Xuân Lộc, điều họ lo lắng nhiều năm qua không chỉ thiếu nguồn nước sạch để sử dụng mà việc nhiều người dân trong xã mắc bệnh ung thư ở độ tuổi lao động cũng khiến họ lo lắng, không biết nguyên nhân có phải từ việc sử dụng nguồn nước hay không?

Được biết, riêng thôn Đông Thịnh, khoảng 10 năm trở lại đây trong thôn có khoảng chục người chết vì ung thư và hiện tại có 4 người trên 40 tuổi đang mắc căn bệnh hiểm nghèo này.

Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc cho hay: “Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang là vấn đề nan giải trên địa bàn xã. Đến thời điểm này, 60% giếng khơi và 90% bể chứa nước mưa của hơn 5.000 hộ dân đã cạn kiệt.

Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài thì bà con buộc phải mua nước về để sử dụng. Trước đó, trong các cuộc họp HĐND địa phương cũng đã đề nghị UBND huyện có chương trình hỗ trợ nước sạch cho bà con nhưng vẫn là việc làm khó vì kinh phí quá lớn”.

Năm 2008, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Sở NN-PTNT đã về xã Tượng Văn (Nông Cống) khảo sát, tham vấn, lấy ý kiến nhân dân để xây dựng nhà máy nước sạch tại địa phương nhưng đến nay dự án vẫn chưa thấy triển khai.

Cũng theo ông Long, việc bà con phản ánh có hiện tượng người dân bị bệnh ung thư trong xã là có thật, không tập trung ở một thôn mà thôn nào cũng có. Chủ yếu là ung thư gan, ung thư vòm họng… Cho đến bây giờ, chính quyền và người dân vẫn chưa biết nguyên nhân do đâu.

Chật vật kiếm tiền mua nước

Chung cảnh ngộ như người dân Xuân Lộc, 7 xã vùng bốn (vùng sình lầy, chua mặn) của huyện Nông Cống như Tượng Văn, Trường Trung, Trường Sơn… cũng đang phải thắt lưng buộc bụng chi ra một khoản tiền khá lớn để mua nước sạch về chống chọi cơn “khát”.

10-50-32_3
Bể chứa nước mưa cạn trơ đáy

Theo đó, hầu hết các hộ dân thuộc các xã trên đã phải mua nước của các hộ làm dịch vụ về sử dụng với giá từ 70.000 - 90.000đ/m3.

Mặc dù chỉ dám sử dụng tiết kiệm nguồn nước này cho các hoạt động ăn uống, nhưng 1 tháng mỗi gia đình cũng phải chi từ 300.000 - 350.000đ tiền mua nước. Điều này thật sự gây khó khăn đối với người dân các vùng nông thôn vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.

Bà Phạm Thị Diện, thôn 9, xã Tượng Văn phàn nàn: “Đã 2 tháng nay nhà tôi phải đi mua nước về ăn rồi. Họ bán với giá 70.000đ/m3, tùy thuộc vào chiều dài đoạn đường mà họ có thể lấy các mức 70.000đ - 80.000đ hoặc 90.000đ/m3.

Mỗi tháng tiết kiệm lắm gia đình vẫn dùng hết 4m3 nước. Đối với nông dân như chúng tôi để có tiền mua chừng ấy nước là cả một vấn đề”.

Được biết, nguồn nước mà các hộ làm dịch vụ bán được lấy từ một giếng nước trong núi thuộc xã Tượng Văn. Theo người dân thì giếng nước này từ bao đời nay không bao giờ cạn nhưng năm nay cũng gần hết nước.

Ông Bùi Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND xã Trường Trung cho hay: “Chưa có năm nào xã lại thiếu nước trầm trọng như năm nay. Hiện toàn xã có tới 80 - 90% người dân phải đi mua nước về ăn nên bà con kêu ca rất nhiều”.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.