| Hotline: 0983.970.780

Khống chế dịch bệnh, tăng, tái đàn đảm bảo nhu cầu thị trường tết

Thứ Ba 23/11/2021 , 18:33 (GMT+7)

Vượt qua những khó khăn về dịch bệnh, ngành chăn nuôi tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn người dân chăn nuôi an toàn sinh học để cung cấp cho thị trường tết Nguyên đán.

Thời gian qua, ngành chăn nuôi cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dịch covid-19 ảnh hưởng tới sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp; giá thức ăn tăng cao… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý đầu tư tăng, tái đàn của người chăn nuôi. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số chủ trang trại, gia trại trên địa bàn có tâm lý "găm" hàng để phục vụ thị trường tết.

Công tác kiểm soát xe chở gia súc, gia cầm đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa được thực hiện nghiêm ngặt. Ảnh: Việt Khánh.

Công tác kiểm soát xe chở gia súc, gia cầm đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa được thực hiện nghiêm ngặt. Ảnh: Việt Khánh.

Trong tháng 10/2021, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 3 loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm như cúm gia cầm; viêm da nổi cục trên trâu, bò; dịch tả lợn châu Phi.

Bài liên quan

Trước đó, từ đầu 2/2021, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra tại 25 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y, đơn vị cung ứng và nhập khẩu vắc-xin để thực hiện tiêm thử nghiệm, đánh giá kết quả và chuẩn bị điều kiện để tổ chức tiêm trên diện rộng, tạo miễn dịch cá thể, quần thể.

Theo thống kê, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục cho đàn trâu bò tại Thanh Hóa đạt tỷ lệ gần 98% diện tiêm. Với nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống dịch, đến đầu  8/2021, Thanh Hóa công bố hết dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; tổng đàn trâu, bò vẫn ổn định ở mức 455 nghìn con.

Nhiều biện pháp quyết liệt trong công tác phòng chống dịch được triển khai đã giúp Thanh Hóa từng bước kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: Việt Khánh.

Nhiều biện pháp quyết liệt trong công tác phòng chống dịch được triển khai đã giúp Thanh Hóa từng bước kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: Việt Khánh.

Đến cuối tháng 9, dịch tả lợn châu Phi tái xuất hiện tại Thanh Hóa. Trước nguy cơ dịch lây lan ra diện rộng, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các địa phương thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nhiều đội phản ứng nhanh, hàng chục chốt kiểm soát được các địa phương thành lập.

Ngành chức năng và chính quyền các địa phương kiên quyết, kịp thời tiêu hủy toàn bộ số lợn của các hộ chăn nuôi có bệnh theo đúng tinh thần chỉ đạo để hạn chế phát tán mầm bệnh.

Để phòng, chống dịch dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Thanh Hóa đã huy động gần 32 nghìn lít hóa chất phun tiêu độc, khử trùng; trên 1,8 nghìn lít hóa chất diệt côn trùng...

Đến đầu tháng 11, huyện Thiệu Hóa là địa phương đầu tiên công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tình hình dịch tả lợn châu Phi đang dần được khống chế, tổng đàn lợn của tỉnh Thanh Hóa ổn định ở mức gần 1,2 triệu con.

Bên cạnh các giải pháp riêng dành cho từng loại dịch bệnh, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa thường xuyên đôn đốc các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, rà soát các hộ chăn nuôi để theo dõi dịch bệnh.

Nguồn thức ăn, nguồn giống được ngành chức năng và người chăn nuôi kiểm soát chặt chẽ; chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tiêm phòng vắc-xin đầy đủ đã tạo ra một “tấm khiên” bảo vệ và phát triển ngành chăn nuôi tại Thanh Hóa…

Để phát triển ngành chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung cho thị trường vào những tháng cuối năm, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Đây được và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.

Người chăn nuôi Thanh Hóa tái đàn, tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để đảm bảo cung ứng mặt hàng thịt các loại cho thị trường tết. Ảnh: Việt Khánh.

Người chăn nuôi Thanh Hóa tái đàn, tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để đảm bảo cung ứng mặt hàng thịt các loại cho thị trường tết. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cho hay, hiện tại tổng đàn lợn trên địa bàn vẫn đạt gần 1,2 triệu con, bằng 100% tổng đàn trước khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện. Hiện nay, giá lợn đang ở ngưỡng thấp nên một số trang trại, gia trại chưa xuất được hàng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc tái đầu tư chăn nuôi.

Tuy nhiên, nhiều chủ trang trại, gia trại vẫn đầu tư con giống để có hàng phục vụ thị trường tết. Chính vì vậy, về cơ bản Thanh Hóa đủ đáp ứng nhu cầu thịt lợn cho Tết Nguyên Đán.

“Hiện nay, chúng tôi đã thông báo số điện thoại của các cá nhân, tổ chức thu mua lợn hơi trên địa bàn tỉnh cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng giới thiệu với các đơn vị thu mua trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ lợn cho người chăn nuôi. Các cơ sở giết mổ tập trung hiện nay cũng được ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo không lây lan nguồn dịch bệnh” – ông Hiệp cho hay.

    Tags:
Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hỗ trợ sinh kế và 12.000 vịt giống giúp nông dân thoát nghèo

THANH HÓA Ngày 16/5, tại Thường Xuân, Tập đoàn Mavin phối hợp với tổ chức World Vision trao tặng 12.000 vịt giống trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ sinh kế giai đoạn 2022 - 2024.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.