| Hotline: 0983.970.780

Làng mai cảnh kỳ vọng thị trường Tết

Chủ Nhật 14/11/2021 , 17:35 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Trong bối cảnh nhiều địa phương đã công bố bình thường mới trong phòng, chống dịch Covid-19, làng mai cảnh kỳ vọng Tết năm nay sẽ thoát cảnh ế ẩm như năm ngoái.

Ám ảnh cảnh mai ế ẩm

Hiện nay, những cây mai chuẩn bị được tung ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022 đã đóng nụ, chờ ngày lặt lá, bung hoa đón Tết. Qua mùa hoa ảm đạm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, những chủ nhà vườn trồng mai cảnh ở Thị xã An Nhơn (Bình Định) hiện vẫn còn nhớ như in thảm cảnh đầu ra của mai Tết năm ngoái do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Để chuẩn bị cho mùa hoa mới, những cây mai cảnh được đầu tư chăm sóc rất kỹ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Để chuẩn bị cho mùa hoa mới, những cây mai cảnh được đầu tư chăm sóc rất kỹ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo anh Nguyễn Xuân Phúc (49 tuổi), chủ nhà vườn Xuân Hà ở phường Bình Định (Thị xã An Nhơn, Bình Định), sức tiêu thụ mai cảnh trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 ế ẩm không tả nổi, do thị trường bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Tết Tân Sửu 2021, anh Phúc chỉ bán được 120 cây mai. Vì vậy, số mai tồn đọng trong nhà vườn Xuân Hà hiện còn đến 1.500 cây, dự kiến sẽ được tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp tới.

“Từ đầu năm đến nay, tôi đầu tư cho 1.500 chậu mai còn tồn đọng tốn rất nhiều tiền. Nào là chi phí thay chậu, thay đất cho những chậu mai, thuê công cắt hoa, cắt nụ còn trên cây và những nhánh phụ để cây mai dồn sức nuôi những nhánh chính chuẩn bị cho mùa hoa mới”, anh Phúc cho hay.

Anh Nguyễn Việt, người chuyên trồng mai cảnh ở phường Hòa Cư (Thị xã An Nhơn, Bình Định) tính toán chi li mức đầu tư chăm sóc cho những cây mai của mình từ đầu năm đến nay. Anh Việt hiện đang có 300 cây mai 3 năm tuổi trồng trong chậu và hơn 1.000 cây mai 2 năm tuổi trồng dưới đất.

Riêng 300 cây mai 3 năm tuổi, dự kiến sẽ được bán trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, từ đầu năm đến nay, vườn mai của anh Việt đã trải qua 2 đợt chăm sóc, chi phí hết gần 40 triệu đồng; hơn 1.000 cây mai 2 năm tuổi chăm sóc ít tốn chi phí hơn, bởi cành còn nhỏ nên uốn sửa nhanh, ít tốn công.

Người trồng mai cảnh ở Thị xã An Nhơn (Bình Định) kỳ vọng mai cảnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ tiêu thụ tốt hơn năm ngoái. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Người trồng mai cảnh ở Thị xã An Nhơn (Bình Định) kỳ vọng mai cảnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ tiêu thụ tốt hơn năm ngoái. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo anh Việt, tốn chi phí công chăm sóc nhiều nhất là những cây mai 5 - 6 năm tuổi. Mai cỡ này người nào làm giỏi nhất 1 ngày chỉ được 10 cây. Tiền thuê công chăm sửa mai hiện 300 ngàn/người/ngày, cộng với tiền ăn nửa buổi, mỗi ngày 1 gói thuốc lá rồi 2 - 3 ngày nhậu 1 lần, vị chi mỗi ngày công là 400 ngàn đồng. Chăm sửa 1.000 cây mai cỡ 5 - 6 năm tuổi phải mất đến 100 công, mỗi công chi phí hết 400 ngàn đồng/ngày, vị chi tốn hết 40 triệu đồng chi 1 đợt sửa cây.

Đó là chưa kể chi phí mua đất, mua chậu, thuê công thay đất, thay chậu cho những cây mai. Năm nay, nếu mai cũng ế ẩm, còn tồn đọng như Tết ngăm ngoái thì người trồng mai sẽ đuối sức, không còn tiền để đầu tư chăm mai trong những năm tới.

Lo ngập lụt

Trong thời gian nhiều địa phương trên cả nước thực hiện Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 để phòng, chống dịch Covid-19, người trồng mai ở các làng mai cảnh của Thị xã An Nhơn (Bình Định) như ngồi trên đống lửa.

Nếu dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp, người đi lại không được, xe cộ tắt đường vận tải thì thị trường tiêu thụ mai trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp tới cầm chắc sẽ còn ảm đạm hơn năm ngoái. Mai không bán được, đồng nghĩa sẽ còn lưu vườn, công sức và tiền của đầu tư cho những cây mai từ đầu năm đến nay của các chủ nhà vườn sẽ lại trở nên "công cốc".

Chủ nhà vườn ở xã Nhơn Phong (Thị xã An Nhơn, Bình Định) tưới nước rửa những cây mai bị ngập lũ trong những ngày cuối tháng 10/2021. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chủ nhà vườn ở xã Nhơn Phong (Thị xã An Nhơn, Bình Định) tưới nước rửa những cây mai bị ngập lũ trong những ngày cuối tháng 10/2021. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trong khi đó, ở Thị xã An Nhơn hiện có khoảng 1.500 hộ dân trồng mai cảnh trên diện tích 145 ha với khoảng 2 triệu chậu mai với nhiều độ tuổi, tập trung tại các xã Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh và phường Bình Định. Có nhà vườn chuyên trồng mai Bonsai, có nhà vườn chuyên trồng mai chợ.

Những ngày cuối tháng 10 vừa qua, trên địa bàn Thị xã An Nhơn có mưa lớn kéo dài, khiến nước sông Kôn dâng cao, tràn vào làm ngập nhiều ruộng mai. Trong những ngày này, anh Lê Văn Phúc (41 tuổi) ở xã Nhơn Phong (Thị xã An Nhơn) phải cấp tập di chuyển 1.500 chậu mai dự kiến sẽ xuất bán trong Tết Nguyên đán năm nay từ ruộng lên chỗ cao ráo để tránh ngập lũ mà lòng đầy kỳ vọng.

Những cây mai đang trong thời kỳ đóng nụ mà bị ngập lũ là nguy cơ nụ rụng hết, Tết đến sẽ không có hoa. Mai Tết mà không có hoa thì chẳng ai mua. 

"Mai cảnh trồng ở Thị xã An Nhơn chủ yếu tiêu thụ ở thị trường miền Bắc và miền Nam vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Dù năm nay kinh tế suy thoái, nhưng vẫn hy vọng mai cảnh vẫn tiêu thụ tốt”, ông Đặng Trường Sanh, nguyên Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Thị xã An Nhơn kỳ vọng.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Bắt chó thả rông trên tinh thần không đánh trống bỏ dùi

ĐỒNG NAI Trước diễn biến bệnh dại phức tạp, tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu sẽ chặt đứt nguồn lây bệnh từ chó thả rông, chó dại.

Nuôi vịt, chăm lợn bằng điện thoại thông minh

Với sự chủ động đổi mới tư duy, nông dân Quảng Ninh ngày càng tự tin làm chủ công nghệ để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.