| Hotline: 0983.970.780

Không chủ quan với bệnh hen phế quản ở trẻ em

Thứ Bảy 01/05/2021 , 08:48 (GMT+7)

Khi thấy trẻ khó thở, thở khò khè, tức ngực, ho,... cha mẹ cần đặc biệt lưu ý vì đây rất có thể là những biểu hiện của bệnh hen phế quản.

Hen phế quản là một bệnh viêm mãn tính đường hô hấp, gây tắc nghẽn đường thở từng cơn, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và rất hay tái phát. Bệnh gây ra những hậu quả xấu trước mắt và lâu dài cho trẻ. Cơn hen kịch phát nặng có thể đe dọa đến tính mạng trẻ nếu không được xử trí và cấp cứu kịp thời.

Trẻ xuất hiện những cơn ho, khò khè có thể là biểu hiện của cơn hen phế quản nhẹ. Còn với cơn hen phế quản vừa, trẻ ho, thở khò khè, nói ngắt quãng, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp,…

Khi cơn hen phế quản nặng, trẻ nhỏ sẽ không bú được, khó thở nặng hơn, nhìn rõ co kéo lồng ngực, môi tím, khó khăn khi nói hoặc khóc,… Đối với cơn hen phế quản rất nặng, trẻ sẽ không thể nói hoặc khóc, khó thở dữ dội, thậm chí có cơn ngưng thở.

Trẻ có các dấu hiệu ho dai dẳng, cơn ho kéo dài và nặng hơn về đêm, thở khò khè, thở khó, có cảm giác nặng ngực…, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám và điều trị.

Khói thuốc, bụi bẩn, nấm mốc, lông động vật… là nguyên nhân gây hen phế quản. Ảnh minh họa

Khói thuốc, bụi bẩn, nấm mốc, lông động vật… là nguyên nhân gây hen phế quản. Ảnh minh họa

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới trẻ bị hen phế quản: như yếu tố di truyền, cơ địa dị ứng, môi trường sống,…

Yếu tố gia đình: Trẻ sinh ra trong gia đình có cha mẹ không bị hen phế quản thì nguy cơ bị bệnh hen phế quản rất thấp, khoảng 10%; nguy cơ mắc hen phế quản sẽ tăng lên 25% nếu một trong hai người cha hoặc mẹ bị hen phế quản và tăng lên 50% nếu cả cha lẫn mẹ bị hen phế quản.

Cơ địa dị ứng: Những trẻ bị chàm, nổi mề đay, viêm mũi dị ứng hay mắc các bệnh dị ứng khác… có nguy cơ bị hen phế quản.

Yếu tố thời tiết, môi trường sống (khói, bụi, lông động vật…), vi sinh vật (một số virus viêm đường hô hấp, nấm mốc), thức ăn (tôm, cua, ốc, đồ ăn có chất bảo quản), vận động quá sức.

Cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị nếu trẻ có các biểu hiện: ho dai dẳng, cơn ho nặng hơn về đêm; thở khó, thở khò khè; có cảm giác nặng ngực… Ảnh minh họa

Cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị nếu trẻ có các biểu hiện: ho dai dẳng, cơn ho nặng hơn về đêm; thở khó, thở khò khè; có cảm giác nặng ngực… Ảnh minh họa

Những cách phòng bệnh hen phế quản ở trẻ em

Phải cách ly trẻ bị hen phế quản do virus (thường hắt hơi, chảy nước mũi) với trẻ khỏe.

Ngay cả khi cảm thấy trẻ khỏi bệnh, không lên cơn hen, cha mẹ vẫn cần phải cho trẻ tái khám đúng lịch hẹn. Bác sĩ sẽ theo dõi và xem lại diễn tiến của bệnh, đánh giá hiệu quả điều trị để có thể tăng, giảm liều hoặc thay thuốc phù hợp.

Tránh cho trẻ tiếp xúc với các yếu tốt kích thích cơn hen như phấn hoa, bụi, khói, lông động vật...

Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, nhất là những ngày thời tiết thay đổi thất thường đang nóng lại trở lạnh đột ngột.

Cẩn thận với thức ăn hàng ngày cho trẻ. Nhiều trẻ bị lên cơn hen sau khi ăn một số loại thực phẩm: trứng, sữa, thức ăn nhanh,… nên cha mẹ cần lưu ý với nhóm thực phẩm này.

Tránh dùng các loại thuốc xịt như nước hoa xịt phòng, thuốc xịt muỗi, côn trùng…

Phòng ngủ của trẻ cần được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, không nên trải thảm. Không nên cho trẻ chơi thú nhồi bông cũng như không cho thú cưng nhà nuôi vào nơi trẻ ngủ…

Không xả quần áo bằng các hóa chất có mùi thơm. Đặc biệt, người lớn không được  hút thuốc lá trong nhà.

Nếu trẻ có các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, viêm mũi họng… cần được điều trị sớm, vì đây có thể là yếu tố làm cơn hen tái phát.

Vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi hay tiền sử gia đình có bố mẹ bị hen hoặc trẻ bị dị ứng, chàm cần đưa trẻ đi khám, điều trị dự phòng hen theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

Nếu trẻ đã từng bị hen thì cần tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ để chỉnh liều thuốc dự phòng hen.

Khi chăm sóc trẻ mắc bệnh hen phế quản tại nhà, cần phải biết cách nhận biết và xử trí khi trẻ lên cơn hen. Ảnh minh họa

Khi chăm sóc trẻ mắc bệnh hen phế quản tại nhà, cần phải biết cách nhận biết và xử trí khi trẻ lên cơn hen. Ảnh minh họa

Điều trị bệnh hen phế quản thế nào?

Hiện nay, hen phế quản có thể kiểm soát được nhưng không điều trị khỏi hoàn toàn. Tùy từng trẻ, khi đạt được kiểm soát bệnh, có thể trong thời gian dài không còn triệu chứng của hen nữa. Tuy nhiên, tuyệt đối không được chủ quan hoặc tự ý dùng thuốc cho trẻ, bởi các cơn hen có thể xuất hiện lại khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp hoặc khi trẻ đã trưởng thành.

Thời điểm giao mùa, thời tiết nồm, độ ẩm trong không khí cao là điều kiện thuận lợi cho khởi phát cơn hen phế quản. Các gia đình có con bị bệnh hen cần giám sát chặt chẽ trẻ, tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.

Khi trẻ bị hen phế quản, để điều trị bệnh, có hai loại thuốc chính có tác dụng khác nhau là thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng.

Thuốc cắt cơn tác dụng nhanh dạng xịt khí dung là loại thuốc trẻ có thể sử dụng ngay khi bắt đầu có triệu chứng hen. Thuốc sẽ nhanh chóng làm giãn phế quản, giúp trẻ dễ thở hơn.

Thuốc dự phòng có tác dụng bảo vệ niêm mạc đường thở, giảm sưng và ngăn những kích ứng với tác nhân gây bệnh hen phế quản ở trẻ em. Tuy nhiên, không phải trẻ em nào cũng cần dùng thuốc này. Bên cạnh việc chữa trị hàng ngày, cha mẹ cần động viên con, và bản thân cha mẹ tránh bi quan, quá lo âu sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Cha mẹ hãy hiểu biết về bệnh hen phế quản ở trẻ em để có những biện pháp phòng và điều trị bệnh phù hợp. Khi chăm sóc trẻ mắc hen phế quản tại nhà, cần phải biết cách nhận biết và xử trí khi trẻ lên cơn, tránh các nguyên nhân làm khởi phát cơn hen, biết cách phòng ngừa bằng thuốc và tái khám theo đúng hẹn của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc khi trẻ lên cơn hen cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Cha mẹ không tự ý mua thuốc về điều trị vì sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.

(Kiến thức gia đình số 17)

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Bệnh tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì để kiểm soát đường huyết

Đối với bệnh nhân bị tiểu đường thì chế độ ăn uống phù hợp là điều cần được chú trọng.

Chữa đau đầu bằng ngải cứu nhanh chóng, hiệu quả

Ngải cứu được biết đến với khả năng xoa dịu cơn đau thần kinh, thúc đẩy tinh thần tỉnh táo, giảm mệt mỏi, và cải thiện lưu thông máu đến não.