| Hotline: 0983.970.780

Bảo hiểm thất nghiệp - Điểm tựa của người lao động vùng Việt Bắc

Không coi Bảo hiểm thất nghiệp chỉ là nguồn trợ cấp cho người mất việc làm

Thứ Năm 08/06/2023 , 14:25 (GMT+7)

Những năm qua, những người lao động bị mất việc làm ở Thái Nguyên không chỉ được hưởng phần trợ cấp thất nghiệp để ổn định đời sống, mà còn nhiều hơn thế…

Ổn định đời sống người lao động sau khi bị mất việc làm

Anh Phạm Huy Giang (50 tuổi), hiện đang sinh sống ở tổ 3, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên. Anh vừa trở thành người thất nghiệp sau nhiều năm làm việc tại một doanh nghiệp chuyên kinh doanh xe máy tại thành phố Thái Nguyên, hiện chưa xin được việc làm mới nên không có thu nhập. Đến với Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên để xin nhận trợ cấp thất nghiệp để ổn định cuộc sống gia đình và mong muốn tìm được việc làm mới.

Anh Giang tâm sự: Tôi làm việc cho Công ty xe máy Bộ Oanh được 23 năm thì bị cho nghỉ việc. Mới đầu tôi làm kỹ thuật được hơn 20 năm, đến khi càng nhiều tuổi thì kỹ năng chậm chạp đi, năng suất công việc giảm. Sau đó, công ty có chuyển tôi ra làm bộ phận khách hàng, nhưng không phù hợp, cảm thấy mình không khéo léo và nhanh nhẹn như lớp trẻ. Do hiệu quả không cao và không đạt theo yêu cầu nên công ty đã cho tôi nghỉ việc. Nay tôi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên là để nhận trợ cấp thất nghiệp, còn được tư vấn về nhu cầu thị trường lao động, mong muốn tìm được công việc nào đó phù hợp hơn với sức khỏe và năng lực của bản thân.

Anh Phạm Huy Giang, người mất việc làm sau hơn 20 năm làm việc cho một doanh nghiệp ở thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Toán Nguyễn.

Anh Phạm Huy Giang, người mất việc làm sau hơn 20 năm làm việc cho một doanh nghiệp ở thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Toán Nguyễn.

Chị Hoàng Thị Kim Ngà (50 tuổi), ở phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên có 25 năm công tác trong ngành Bưu chính và phải nghỉ việc trước thời hạn với lý do sức khỏe. Chị đã làm thủ tục thanh toán Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên và đang được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau quá trình làm việc với cán bộ của trung tâm, chị đã chọn cho mình được một nghề mới và chuẩn bị được đi đào tạo.

Chị Hà phấn khởi nói: Sau khi được tư vấn, tôi thấy mình phù hợp vấn đề sức khỏe, yêu thích với nghề nấu ăn nên đã đăng ký học nghề và được nhận quyết định đi học từ đầu tháng 6/2023. Việc học nghề nấu ăn sẽ không phải đóng góp tiền học phí, được cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên thông báo là tiền này được Quỹ BHTN thanh toán. Sau khi có chứng chỉ nấu ăn, tôi sẽ xin đi làm ở bếp ăn nào đấy, hoặc tự mở quán nho nhỏ, hoặc ít nhất là về nấu cho gia đình những bữa ăn ngon hơn.

Còn trường hợp của anh Nguyễn Văn Tâm (34 tuổi) ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, là một kỹ sư xây dựng mất việc làm do công ty tạm dừng hoạt động. Anh Tâm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm làm các thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp theo quy định, nhưng cũng đồng thời xác định hướng đi mới của mình là đi xuất khẩu lao động. Rất nhanh chóng, sau khi anh Tâm được cán bộ trung tâm tư vấn đã chọn đi lao động ở Nhật Bản theo diện kỹ sư xây dựng và hiện đang làm những thủ tục cuối cùng để xuất cảnh sang nước bạn.

Theo tổng hợp của ngành Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thái Nguyên (BHXH), trong 3 năm gần đây, số lượng người lao động trên địa bàn tỉnh được giải quyết chế độ BHTN có xu hướng tăng cao. Cụ thể, năm 2020 là 8.968 người với tổng số tiền 121 tỷ đồng; năm 2021 là 9.730 người với tổng số tiền 157 tỷ đồng; năm 2022 là 10.547 trường hợp với tổng số tiền lên đến 171 tỷ đồng; riêng quý I/2023 là 2.175 trường hợp với tổng số tiền là 42 tỷ đồng.

Trung bình mỗi năm Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên hỗ trợ cho trên dưới 10.000 lao động về các chính sách BHTN. Ảnh: Toán Nguyễn.

Trung bình mỗi năm Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên hỗ trợ cho trên dưới 10.000 lao động về các chính sách BHTN. Ảnh: Toán Nguyễn.

Bảo hiểm thất nghiệp đưa người lao động đến nơi có việc làm

BHTN đã và đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình sử dụng nhân lực của xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong những năm vừa qua. Với đặc thù địa phương có nhiều khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở chế xuất… giúp cho hàng trăm ngàn người có việc làm, có thu nhập. Song song với đó thì mỗi năm có tới hàng chục ngàn người lao động trở thành đối tượng thất nghiệp sau những đợt đào thải công nhân, hoặc doanh nghiệp gặp khó khăn phải dừng hoạt động. Đấy chính là lúc chính sách BHTN giúp đảm bảo một phần an sinh xã hội khi giải quyết được khó khăn cho người lao động của tỉnh Thái Nguyên.

Ông Phạm Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên (Sở LĐ-TB&XH) cho rằng, trong những năm vừa qua, chính sách BHTN đã khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, đóng vai trò chính trong đảm bảo an sinh xã hội; BHTN nằm trong lưới an sinh đa tầng, trợ cấp thất nghiệp giúp cho người lao động vượt qua khó khăn trong giai đoạn bị mất việc làm; Hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm mới cho người lao động để đảm bảo cuộc sống…

Ông Phạm Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên khẳng định BHTN là trụ đỡ của nền kinh tế. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Phạm Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên khẳng định BHTN là trụ đỡ của nền kinh tế. Ảnh: Toán Nguyễn.

Hiện nay, đơn vị tiếp nhận và giải quyết các thủ tục liên quan tới các chính sách BHTN là Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên đã tăng cường các biện pháp nhằm hỗ trợ người lao động. Cụ thể như: Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hướng dẫn người lao động trong giới thiệu việc làm, học nghề nhằm mục tiêu chuyển đổi nghề nghiệp; Tư vấn về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp và khuyến khích để doanh nghiệp đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ, năng lực của người lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động, phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp. 

Ngoài ra, để làm tốt hơn về thông tin thị trường, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên cũng đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập dữ liệu Việc tìm người - người tìm việc, cung cấp thông tin việc làm, thất nghiệp, biến động lao động trong thị trường lao động; đặc biệt là kết nối cung – cầu lao động và liên thông thị trường lao động.

Bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên dự đoán những năm tới, BHTN sẽ là cầu nối kết nối người lao động với doanh nghiệp cần sử dụng lao động. Ảnh: Toán Nguyễn.

Bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên dự đoán những năm tới, BHTN sẽ là cầu nối kết nối người lao động với doanh nghiệp cần sử dụng lao động. Ảnh: Toán Nguyễn.

Bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên thông tin, những năm qua BHTN đã khẳng định vị trí là một trong những chính sách an sinh xã hội. Trong tương lai, hướng tới của BHTN sẽ là điều phối nguồn nhân lực từ các doanh nghiệp hết việc làm, sang các doanh nghiệp có nhu cầu. Thậm chí là giữa các Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước sẽ liên kết điều phối lao động từ địa phương này sang địa phương khác.

Để chính sách BHTN thực sự mang lại giá trị an sinh xã hội, thời gian tới được định hướng mở rộng diện bao phủ tham gia, nhất là với số đông người lao động trong khu vực phi chính thức, bổ sung các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong suốt quá trình tham gia BHTN.

Mỗi ngày Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên hỗ trợ cho trên dưới 200 người lao động các chế độ BHTN. Ảnh: Toán Nguyễn.

Mỗi ngày Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên hỗ trợ cho trên dưới 200 người lao động các chế độ BHTN. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thái Nguyên cho rằng: Cùng chung với công tác quản lý, giải quyết chế độ BHXH, quản lý và giải quyết chế độ BHTN là một vất đề được cơ quan BHXH tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm. Thường xuyên phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên trong giải quyết và chi trả chế độ cho người lao động. Việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng…

Ông Trường cũng chia sẻ: “Nhất là do ảnh hưởng có đại dịch Covid-19, những người lao động phải nghỉ việc từ 01/01/2021 – 30/09/2021 rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn trong cuộc sống. Tất cả lãnh đạo và các cán bộ BHXH tỉnh đã tăng cường làm ngày, làm đêm để kịp thời chi trả tiền trợ cấp đến tay người lao động. Qua đó đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh công việc, thu nhập của người dân chịu ảnh hưởng tiêu cực từ tác động sau đại dịch Covid-19”.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.