| Hotline: 0983.970.780

Không dễ khống chế quảng cáo phản cảm?

Thứ Tư 03/07/2019 , 09:24 (GMT+7)

Dư luận vừa xôn xao vụ chấn chỉnh quảng cáo “Mở lon Việt Nam” của hãng Coca-cola.

Dù còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng trước quan điểm của Cục Văn hoá cơ sở - Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, thì đơn vị sản xuất nước ngọt lừng danh đã nhanh chóng thay đổi cụm từ “Mở lon Việt Nam” thành “Cơ hội trúng vàng mỗi ngày” cho chương trình khuyến mãi trên truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.

Quảng cáo Điện Máy Xanh trên nền nhạc "Duyên phận".

Trên thực tế, còn có rất nhiều sản phẩm quảng cáo khác, rất phản cảm mà những cơ quan quản lý Nhà nước lại chưa có biện pháp khống chế hữu hiệu. Trong đó, tiêu biểu nhất là hiện tượng dùng nhạc chế để quảng cáo!

Không ai phủ nhận, âm nhạc có tác dụng lớn lên sự cảm xúc của từng cá nhân. Dùng âm nhạc, cụ thể là dùng ca khúc, để quảng cáo là một chọn lựa không phải không khôn ngoan. Thực tế chứng minh, nhiều bài hát quảng cáo đã bước ra khỏi giới hạn kích cầu sản phẩm, để trở thành tác phẩm nghệ thuật.

Ví dụ, ca khúc “Tóc hát” vốn được đặt hàng để quảng cáo dầu gội đầu, không ngờ lại theo ca sĩ Đoan Trang vào lòng công chúng một cách tự nhiên.

Ngoài ra, nhiều ca sĩ khác được yêu thích nhờ chính những bài hát quảng cáo như Minh Hằng với “Sắc môi em hồng” hoặc Mỹ Tâm với “Tôi yêu Việt Nam”. Thậm chí, ca khúc “Cười lên Việt Nam ơi” quảng cáo kem đánh răng P/S qua một thời gian đã được xem như một bài hát tập thể phổ biến!

Sự lan tỏa của bài hát quảng cáo là chuyện rất ít ai tiên liệu được. Những nhà kinh doanh cũng không nghĩ họ bỏ tiền quảng cáo, để quần chúng có được một bài hát quyến rũ. Mặt khác, sự thành bại của bài hát quảng cáo, phụ thuộc vào tài năng của đội ngũ chuyên gia quảng cáo lẫn tài năng nhạc sĩ. Đầu tư cho một bài hát quảng cáo rất tốn kém, chi bằng dùng… ca khúc cũ cho an toàn và tiết kiệm.

Trường hợp ca khúc “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” được ca sĩ Mỹ Linh trình bày, được chọn làm nền nhạc quảng cáo cho một ngân hàng, nằm trong xu hướng này. Và khi cạn kiệt những ý tưởng hay ho, thì những chuyên gia quảng cáo chuyển sang chiêu trò… tái chế âm nhạc.

Ca khúc “Bống bống bang bang” vốn gắn với bộ phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể”, lại được nhãn hàng Biore đưa vào quảng cáo thành phiên bản “Vũ điệu diệt khuẩn” với ca từ buồn cười: "Ngày nay, nay ơi là nay, khi hè sang tận làng Ninja. Nhà kia có hai mẹ con tiêu diệt vi khuẩn đang quấy phá…".

Tương tự, ca khúc ‘Duyên phận” nổi đình nổi đám qua giọng ca Như Quỳnh, lại được (hay bị?) nhãn hàng Điện Máy Xanh thay đổi tinh thần một cách ngược ngạo: "Phận là phụ nữ. Mua đồ là đam mê".

Và đỉnh cao khiến người yêu nhạc phải ngán ngẩm là ca sĩ Hồng Nhung đã đổi câu hát quen thuộc “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội” thành câu quảng cáo phở “lòng vẫn nhớ phở Hà Nội”. Nhạc chế quảng cáo, có lợi cho thị trường, có hại cho văn hóa chăng?

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.