| Hotline: 0983.970.780

Vùng đào cảnh thu hơn 300 tỷ đồng mỗi năm

Thứ Hai 17/02/2025 , 10:56 (GMT+7)

THANH HÓA Vùng trồng đào tại huyện Triệu Sơn mang lại cho nông dân thu nhập hàng trăm tỷ đồng mỗi vụ. Đây đang là hướng đi giúp nhiều bà con làm giàu.

Thu nhập tiền tỷ nhờ trồng đào

Lão nông Trần Sỹ Toàn làm quần quật như trâu mấy mươi năm nay nhưng vẫn không khá nổi. Trước khi trồng đào, lão làm 6 sào ruộng tại thôn Đông Thành (Hợp Lý, Triệu Sơn, Thanh Hóa) nhưng vụ được, vụ mất. Vợ lão khéo co kéo lắm mới đủ ăn cho mấy nhân khẩu trong gia đình.

Quê lão cách đây mười mấy năm thuộc diện nghèo gần nhất huyện Triệu Sơn. Thanh niên trong làng cũng vì thế mà bôn ba tứ xứ để kiếm việc, nhưng lão chọn cách ở lại quê hương vì nhiều lý do. Là trụ cột trong gia đình, lão muốn thay đổi nghề kiếm cơm, nhưng sức vóc có hạn và cũng bởi bản thân không học cao, hiểu rộng như người khác. Lão mặc định số phận mình gắn với việc đồng áng nên cũng chẳng mấy khi kêu than. 

Vườn đào của gia đình ông Toàn cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Ảnh: Quốc Toản.

Vườn đào của gia đình ông Toàn cho thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Ảnh: Quốc Toản.

Trước khi trồng đào, lão đã thử nghiệm qua nhiều loại cây trồng khác thay thế cây lúa nhưng không hiệu quả. Nghề trồng cây cảnh nói chung, đặc biệt là cây đào ngày trước ở quê lão chưa phát triển như bây giờ. Dân quê lão thi thoảng vẫn thuê thợ thuyền từ các tỉnh phía Bắc (chủ yếu là Nam Định) về vườn cắt tỉa, tạo dáng cho cây và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cảnh. Lão học mót được ít ngón nghề để làm vốn cho quá trình khởi nghiệp sau này. 

Để có vườn đào hơn 2.000 gốc như bây giờ, hơn chục năm về trước vợ chồng lão cũng khá chật vật. Khởi nghiệp với đồng vốn ít ỏi, vợ chồng lão phải cặm cụi ngoài đồng từ sáng đến tối mịt để be bờ, đắp thửa, cải tạo đất. Ròng rã 4 năm trời, cánh đồng trồng đào mới hình thành. Khi ấy, cả vùng trồng rộng hàng trăm ha chủ yếu trồng lúa nhưng chỉ có duy nhất gia đình lão trồng đào. 

“Tốn công sức nhất vẫn là công đoạn cải tạo đất và đắp bờ thửa. Chân ruộng trồng đào phải cao hơn đất trồng lúa để tránh ngập úng. Bờ thửa phải quây kín bằng nilon để ngăn tác hại từ việc người dân phun thuốc trừ sâu cho lúa gây ảnh hưởng tới đất và cây trồng của gia đình. Bên cạnh đó, hệ thống tưới, tiêu thoát nước cũng phải làm đồng bộ, đặc biệt là việc đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt để giảm chi phí và sức lao động”, lão Toàn kể.

Nhiều gốc đào gần chục năm tuổi được trồng tại vườn của gia đình ông Toàn. Ảnh: Quốc Toản.

Nhiều gốc đào gần chục năm tuổi được trồng tại vườn của gia đình ông Toàn. Ảnh: Quốc Toản.

Trên diện tích vài sào đất, ban đầu lão nhập giống đào gốc từ các tỉnh phía Bắc để trồng thử nghiệm. Những gốc đào cổ thụ, gốc đào rừng (mua từ Sơn La, Lạng Sơn và các tỉnh miền núi phía Bắc) được ghép cành đào phai cánh kép nhằm tạo ra sản phẩm cây đào cổ thụ cho hoa cánh kép để tăng thẩm mỹ và giá trị kinh tế. Những gốc đào rừng được ghép mắt đào bản địa hợp với chân đất quê lão nên nhanh chóng bén rễ và nở hoa đúng vụ. Vậy nên lão yên tâm nhân giống, mở rộng diện tích đào lên hơn 2ha.

Vườn của lão hiện có hơn 2.000 gốc đào các loại với đủ thế, dáng. Có gốc tuổi đời hơn chục năm trị giá vài chục triệu đồng. Mỗi năm, vợ chồng lão xuất hàng nghìn gốc đào ra thị trường, mang lại doanh thu gần 2 tỷ đồng. Đào của lão đẹp nhất vùng nên được thương lái bao tiêu ngay từ đầu vụ, hiếm có chuyện ế hàng. 

Dù đã qua Tết Nguyên Đán Ất Tỵ nhưng vườn đào vẫn nở hoa khoe sắc. Ảnh: Quốc Toản.

Dù đã qua Tết Nguyên Đán Ất Tỵ nhưng vườn đào vẫn nở hoa khoe sắc. Ảnh: Quốc Toản.

Vào vụ Tết, hàng chục xe tải lớn nhỏ đậu sát chân ruộng của lão để mua đào. Đào của lão và dân làng nay đã cung cấp ra các tỉnh phía Bắc và chất lượng không thua kém so với các vùng trồng đào truyền thống trên cả nước.

Lão bảo: “Yếu tố quan trọng nhất khi trồng đào thế là lựa chọn được gốc cây đẹp, khỏe, bộ rễ tốt. Sau khi tìm được gốc ưng ý thì ghép mắt vào gốc cổ thụ và chăm sóc, cắt tỉa để phân cành, nhánh, tạo bộ khung tán cho vừa ý khách. Việc uốn thế cũng đòi hỏi kỹ thuật cao nên tôi phải thuê nghệ nhân chuyên về cây cảnh về vườn làm việc để cung cấp cho khách hàng những cây đào có dáng thế đẹp nhất”.

Kỳ vọng vùng đào 300 tỷ đồng/năm

Dù sở hữu vùng trồng đào thuộc diện lớn nhất xã Hợp Lý và cho doanh thu "khủng", thế nhưng lão cũng nhiều phen lận đận với nghề. Suốt hơn 10 năm qua, lão đã trải qua nhiều lần thành công nhưng cũng không ít lần thất bại vì thời tiết bất lợi.

Lão nhớ lại, năm 2017, trận lũ ập về trong đêm tối khiến người dân không kịp trở tay. Cả vùng trồng đào rộng hàng chục ha chỉ sau vài tiếng bị ngập trắng băng. Toàn bộ gần 700 gốc đào của gia đình lão chết sạch sau vài ngày ngâm nước. Vụ đó, lão thiệt hơn 300 triệu đồng.

Đào cảnh Triệu Sơn dần khẳng định thương hiệu trên thị trường. Ảnh: Quốc Toản.

Đào cảnh Triệu Sơn dần khẳng định thương hiệu trên thị trường. Ảnh: Quốc Toản.

Chưa hết, năm 2022, toàn bộ 500 gốc đào của gia đình lão bị xóa sổ vì trận mưa axit. “Toàn bộ vườn đào đang chớm hoa thì gặp mưa nên rụng và héo hết. Tôi phải hoàn lại số tiền mà thương lái đã đặt cọc vì không có hàng xuất bán như cam kết”, lão Toàn chia sẻ.

Dù vậy, lão không bao giờ bỏ cuộc vì biết rằng với nghề này, sự kiên trì và tình yêu với cây trồng mới giúp nhà vườn gặt hái thành công. Sau những lần gặp trắc trở, lão nghiệm thấy: “Muốn trồng đào thành công thì 40% phụ thuộc vào kỹ thuật trồng, phần còn lại là do thời tiết.

Để có một cây đào đẹp, nở hoa đúng dịp Tết, phải chú ý đến thời điểm ra hoa. Mỗi cây đào, loại đào đều mang dáng vẻ và tính cách riêng, có cây nở sớm, có cây nở muộn, bởi vậy, người trồng cần cân đối lượng dinh dưỡng phù hợp theo từng giai đoạn và sự sinh trưởng, phát triển của cây".

Nay lão trồng đào tiện hơn ngày trước, chỉ cần đứng ở vườn bấm một cuộc điện thoại là có tất tần tật từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Vườn đào của lão "nói không" với thuốc hóa học mấy năm nay để đảm bảo an toàn cho người chơi và công nhân làm việc trong vườn.

Ông Toàn tỉa hoa và chăm sóc đào sau Tết. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Toàn tỉa hoa và chăm sóc đào sau Tết. Ảnh: Quốc Toản.

Đặc biệt, vài năm trở lại đây, khách hàng có xu hướng thuê đào về chơi Tết nên lão mở thêm dịch vụ cho thuê và nhận chăm sóc đào. Với giá thuê từ 2 - 5 triệu đồng, khách hàng có thể được chưng một cây đào đẹp với chi phí thấp hơn nhiều so với đi mua. Đối với đào thuộc sở hữu của khách hàng, lão nhận chăm với giá từ 2 - 2,5 triệu đồng/năm, đảm bảo tới Tết sang năm, khách hàng nhận lại cây đào nhiều hoa, sống khỏe. 

Nghề trồng đào còn giúp lão Toàn kết nối với cộng đồng. Vào dịp Tết, khi những cánh đào nở rộ, lão lại mang sản phẩm của mình ra chợ Tết giao lưu với bà con, bạn bè và cả những khách hàng phương xa. Lão cũng có thêm thu nhập và mối khách hàng từ việc tham gia hội chợ trưng bày. Lão xem đó là niềm vui, là động lực để tiếp tục gắn bó với nghề trồng đào dù đã ở tuổi xế chiều.

Ngoài trồng đào cảnh trên cánh đồng, lão còn phát triển cây cảnh ở vườn nhà và khu vực đồi sau nhà trong thôn Đông Thành. Những cây bonsai đủ kiểu dáng được tạo thế trong khu vườn và đồi, nhiều cây qua nhiều năm uốn tỉa tạo dáng hiện có giá cả trăm triệu đồng.

Những gốc đào cổ thụ bắt đầu nảy chồi sau Tết. Ảnh: Quốc Toản.

Những gốc đào cổ thụ bắt đầu nảy chồi sau Tết. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Nguyễn Sỹ Chức, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Lý (huyện Triệu Sơn) cho biết: Hiện xã có hơn 400 hộ trồng đào trên diện tích khoảng 50ha. Những năm qua, việc trồng đào cảnh đã mang lại thu nhập hàng chục tỷ đồng cho nhiều người dân địa phương.

Hiện toàn huyện Triệu sơn có khoảng 150ha trồng đào với giá trị sản xuất đạt hơn 100 tỷ đồng mỗi năm. Hoạt động sản xuất cây đào cảnh tại các xã Hợp Lý, Vân Sơn, Hợp Tiến, Thọ Tân, Thọ Dân đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 600 hộ gia đình với khoảng 1.000 lao động, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cơ cấu ngành nghề, lao động nông thôn...

Huyện Triệu Sơn phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích trồng đào cảnh khoảng 260ha trên cơ sở hình thành 11 vùng sản xuất tập trung (Hợp Lý 3 vùng, Vân Sơn 2 vùng, Thọ Tân 2 vùng, Hợp Tiến 1 vùng, Thọ Dân 3 vùng), quy mô mỗi vùng ít nhất từ 5ha tập trung, liền vùng, liền thửa; sản lượng đạt khoảng 500.000 cây đào/năm; giá trị sản xuất bình quân 1,2 tỷ đồng/ha/năm, tổng giá trị trên 300 tỷ đồng/năm, lợi nhuận từ 120 - 150 tỷ đồng/năm (dự kiến tăng thu gấp 3 lần so với năm 2022).

Xem thêm
Giữ sức khỏe cho đàn ngựa để vượt mùa giá rét

LÀO CAI Rét đậm liên tiếp ùa về, bà con Na Hối cẩn trọng chăm sóc, giữ sức khỏe cho đàn ngựa. Với họ, đàn ngựa là tài sản lớn nhất nên không thể lơ là.

Tây Ninh phân bổ 900.000 liều vắc xin cúm gia cầm

Hiện dịch bệnh cúm gia cầm đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành trên cả nước, để bảo vệ đàn vật nuôi, Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh tăng cường công tác phòng, chống.

Doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã là trái tim của chuyển đổi công nghệ

Trưởng nhóm nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cho biết trong chuyển đổi công nghệ, trái tim của hệ thống chính là nông dân.

Bình luận mới nhất