| Hotline: 0983.970.780

Không được lơ là phòng chống dịch bệnh trên lúa

Thứ Năm 02/04/2020 , 11:15 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các đơn vị liên quan không lơ là, bám sát đồng ruộng, ứng phó sớm trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên lúa đông xuân.

Trước nguy cơ cao về một số dịch bệnh trên lúa vụ đông xuân 2020 tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là tác tỉnh Bắc Trung Bộ, hôm qua (1/4), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã họp chỉ đạo các đơn vị liên quan như Cục BVTV, Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia... nhằm chủ động triển khai các phương án phòng chống. 

Nguy cơ lặp lại kịch bản vụ đông xuân 2017

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá vụ đông xuân 2020, do có nhuận hai tháng tư, dự báo diễn biến thời tiết thời gian tới sẽ tiếp tục âm u kéo dài, độ ẩm rất cao, ít nắng... Đây là những điều kiện vô cùng thuận lợi cho dịch bệnh trên lúa bùng phát, nhất là có nguy cơ lặp lại kịch bản giống như vụ đông xuân năm 2017 đã từng bùng phát bệnh đạo ôn, gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là tỉnh Hà Tĩnh. Đặc biệt hiện nay, lúa đông xuân tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, nhất là Nghệ An, Hà Tĩnh một số diện tích đã bị nhiễm bệnh đạo ôn, bạc lá...

Năm 2017, bệnh đạo ôn đã tàn phá nghiêm trọng lúa đông xuân tại tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Năm 2017, bệnh đạo ôn đã tàn phá nghiêm trọng lúa đông xuân tại tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Với diễn biến thời tiết dự báo thời gian tới, có nguy cơ cao bùng phát bệnh đạo ôn nặng tương tự như vụ đông xuân 2017 tại tỉnh Hà Tĩnh. Đối với tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng cho biết qua nắm bắt, nhiều địa phương của tỉnh này cũng gieo cấy vụ đông xuân 2020 khá sớm, nhiều nơi đã cấy xong trước Tết nguyên đán Canh Tý. Do đó, lúa có thể làm đòng, trỗ sớm, có nguy cơ trùng với thời điểm thời tiết vẫn diễn biến bất lợi như ít nắng, âm u, độ ẩm cao, rét muộn... Điều này không chỉ có nguy cơ ảnh hưởng tới sinh trưởng của lúa, giảm năng suất, mà còn tiềm ẩn mối lo bùng phát dịch bệnh, nhất là đạo ôn.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh trong bối cảnh cả nước đang căng sức chống dịch Covid 19, công tác chỉ đạo, điều tra, phát hiện và kịp thời phòng chống dịch bệnh trên lúa đông xuân 2020 tại các tỉnh phía Bắc vẫn cần phải được duy trì, không được chủ quan lơ là nhằm đảm bảo thắng lợi về mục tiêu lương thực năm 2020.

Theo đó, Cục BVTV, Cục Trồng trọt cần khẩn trương bố trí các đoàn công tác về các địa phương để bám sát đồng ruộng, nắm bắt tình hình dịch hại trên lúa đông xuân, nhất là đối với bệnh đạo ôn nhằm kịp thời có chỉ đạo các địa phương chủ động có kế hoạch phòng chống kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.

“Đạo ôn là bệnh bùng phát và lây lan rất nhanh, chỉ trong vòng vài ngày là đã có thể tàn phá trên diện tích lớn. Vì vậy, phương châm là phải chủ động điều tra phát hiện, phòng ngừa từ sớm”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý.  

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng chỉ đạo Cục BVTV phối hợp với Cục Trồng trọt, khẩn trương soạn thảo Chỉ thị trình Bộ NN-PTNT để chỉ đạo các địa phương về các kịch bản phòng chống dịch bệnh cho lúa đông xuân đối với từng vùng, từng khu vực, trên từng trà lúa, nhất là với bệnh đạo ôn, rầy nâu...

Hà Tĩnh, Nghệ An "báo động đỏ"

Theo Cục BVTV, đến thời điểm này, cơ bản các trà lúa đông xuân thuộc các tỉnh phía nam khu vực Bắc Trung Bộ (gồm Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) đã và đang trỗ. Thời tiết thuận lợi cho lúa trỗ. Sâu bệnh chưa phát sinh các vấn đề nổi cộm.

Tại các tỉnh phía bắc khu vực Bắc Trung Bộ (gồm Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa), hiện trà đông xuân sớm đang trỗ và trà chính vụ sẽ trỗ vào đầu đến giữa tháng 4/2020. Khu vực này hiện đang chịu diễn biến thời tiết bất thường, nhất là đang có đợt gió mùa, khá thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông phát triển, gây hại trên trà sớm và chính vụ.

Tính đến thời điểm này, Nghệ An đã có 1.800 ha, Hà Tĩnh trên 800 ha bị nhiễm đạo ôn, nguy cơ tiếp tục lan nhanh trên diện rộng. Ảnh: Việt Khánh.

Tính đến thời điểm này, Nghệ An đã có 1.800 ha, Hà Tĩnh trên 800 ha bị nhiễm đạo ôn, nguy cơ tiếp tục lan nhanh trên diện rộng. Ảnh: Việt Khánh.

Trước tình hình đó, từ giữa tháng 3/2020, Cục BVTV đã chỉ đạo Trung tâm BVTV Khu 4 liên tục cử cán bộ xuống địa phương để phối hợp chỉ đạo phòng chống dịch hại, đặc biệt đạo ôn lá và cổ bông.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp với Trung tâm vùng và các huyện (đặc biệt là các huyện đã xảy ra dịch đạo ôn 2017) để nắm chắc tình hình đạo ôn và chủ động tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phòng trừ.

Chi cục cũng chủ động tham mưu cho Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh để Sở tham mưu cho UBND tỉnh, theo đó UBND tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua đã có 2 công điện chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai phòng chống đạo ôn (cả lá và cổ bông).

Cục BVTV cho biết từ nay cho đến giữa tháng 4/2020, Cục đã chỉ đạo Trung tâm BVTV Khu 4 chủ động cử cán bộ phối hợp với Hà Tĩnh và các địa phương để nắm chắc sự phát sinh của đạo ôn trên trà sớm và chính vụ để hướng dẫn nông dân phòng chống kịp thời. Đồng thời, tăng cường công tác điều tra sự phát sinh của đạo ôn cổ bông và tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch kịp thời (cả các đoàn thể tham gia như chỉ đạo phòng chống bệnh lùn sọc đen).

Trước nguy cơ bùng phát dịch đạo ôn trên lúa đông xuân, ngày 30/3, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện gửi  Sở NN-PTNT, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã. Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, tình hình dịch hại trên lúa đông xuân đang diễn biến phức tạp, diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá khoảng 800ha (Cẩm Xuyên 620,2ha, Hồng Lĩnh 63ha, Đức Thọ 20ha, Kỳ Anh 29ha…), tập trung trên giống NA6, BH9, J02, ADI,… Ngoài ra bệnh khô vằn phát sinh gây hại trên diện rộng, diện tích nhiễm toàn tỉnh hơn 2.000ha.

Dự kiến từ nay đến 15/4/2020, diện tích lúa đông xuân trổ trên toàn tỉnh Hà Tĩnh khoảng 40.000ha (chiếm 67,4% diện tích gieo cấy). Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hà Tĩnh, trong khoảng 10 ngày đầu tháng 4/2020, khu vực Hà Tĩnh có khả năng chịu ảnh hưởng liên tiếp của 2-3 đợt hoạt động của lưỡi áp cao lạnh lục địa, trời nhiều mây, số giờ nắng trong ngày ít, một số ngày có mưa, nhiệt độ phổ biến chỉ trong khoảng 21- 23 độ C, độ ẩm không khí cao, từ 85 - 90%...

Với đặc điểm thời tiết này, nguy cơ giai đoạn lúa vụ xuân trổ tập trung chịu tác động của điều kiện thời tiết bất thuận, có thể ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn làm giảm năng suất, đồng thời là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng dịch hại phát sinh gây hại, đặc biệt bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng phát sinh gây hại trên diện rộng ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa vụ xuân...

Tại tỉnh Nghệ An, theo số liệu Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An, tính đến 30/3 tổng diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá trên địa bàn hơn 1.867 ha. Qua rà soát, đa phần diện tích kể trên chủ yếu xuất hiện tại các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, TP Vinh...

Với việc có trên 910 ha lúa nhiễm đạo ôn, chiếm ½ diện tích chung toàn tỉnh, huyện Hưng Nguyên đang là “ổ dịch” lớn nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Dự kiến những ngày tới, đạo ôn lá vẫn tiếp đà phát sinh gây hại một phần trên những trà lúa gieo cấy muộn đang ở thời kỳ đẻ nhánh đến đứng cái. Nguy hại hơn, đạo ôn cổ bông  khả năng sẽ tác động nặng trên những trà lúa trỗ khi gặp mưa dài ngày, kết hợp ẩm độ không khí cao.

Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, cần đặc biệt lưu tâm những vùng có điều kiện tự nhiên đặc thù (mưa nhiều, ẩm độ không khí cao, sương mù kéo dài…) hoặc với những giống lúa có truyền thống nhiễm đạo ôn như Xi23, P6, TBR225, VT- NA6, AC5, BC15, Nếp 352, BTE1, Thiên ưu 8, Hương ưu 98…

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm