| Hotline: 0983.970.780

Cẩn trọng đạo ôn hại lúa: Trên 5.000ha bị uy hiếp

Thứ Tư 01/04/2020 , 05:35 (GMT+7)

Trái với đạo ôn lá, hiện đạo ôn cổ bông mới xuất hiện rải rác trên một số diện tích lúa trổ vùng Bắc Trung bộ. Dù vậy nông dân không được phép lơ là…

Đạo ôn lá xuất hiện trên nhiều diện tích lúa của khu vực Bắc Trung Bộ. Ảnh: Việt Khánh.

Đạo ôn lá xuất hiện trên nhiều diện tích lúa của khu vực Bắc Trung Bộ. Ảnh: Việt Khánh.

Vụ Đông Xuân 2019 – 2020 khu vực Bắc Trung Bộ gieo cấy 351.175 ha lúa, mặc dù đối diện với điều kiện thời tiết khá bất thuận nhưng nhìn chung vẫn duy trì được tốc độ sinh trưởng ổn định.

Tuy nhiên với tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng phát sinh, nhà nông có lý do để lo lắng.

Thống kê toàn vùng phát hiện thấy nhiều mối nguy hại, gian nan nhất là tình trạng đạo ôn lá. Tính đến hiện tại, tổng diện tích nhiễm hơn 5.000 ha, dẫn đầu là Nghệ An với 1.867 ha (180 ha nhiễm nặng và 20 ha cháy chòm), kế đó là Quảng Bình 1.043 ha, Quảng Trị 828 ha, Hà Tĩnh 770 ha và Thừa Thiên Huế 713 ha.

Đạo ôn cổ bông mới xuất hiện rải rác. Ảnh: Việt Khánh.

Đạo ôn cổ bông mới xuất hiện rải rác. Ảnh: Việt Khánh.

Ghi nhận tại Nghệ An, bên cạnh yếu tố thời tiết hay chất lượng nguồn giống đầu vào thì sự chủ quan của người dân chính là bước tạo đà cho dịch bệnh phát sinh. Kiểm tra thực tế tại một số vùng trọng điểm như Hưng Nguyên, Nghi Lộc hay TP Vinh 9Nghệ An) nhận thấy khá nhiều hộ không tuân thủ theo quy trình hướng dẫn.

Ở một diễn biến khác, lúc này đạo ôn cổ bông cơ bản mới xuất hiện rải rác trên những trà lúa sớm với tỷ lệ từ 1 – 3%, đỉnh điểm dao động quanh mức 3 – 5%.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, những ngày đầu tháng 4/2020 nhiệt độ vẫn sẽ duy trì ở mức thấp, trời âm u, đây là điều kiện phù hợp cho đạo ôn cổ bông phát triển và tiến đến lây lan trên diện rộng.

Trong khi đó, dự kiến trà lúa 2 sẽ trổ từ ngày 5/4 đến 15/4 trên quy mô 136.000 – 140.000 ha, gồm phần lớn diện tích của các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Do đó nếu muốn đảm bảo an toàn, nhất thiết các địa phương này không được phép lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống ở giai đoạn này.

Tương tự, trà muộn (rộ từ 20/4 – 25/4) diện tích phân bổ chủ yếu ở Nghệ An, Thanh Hóa và một phần cẩ Hà Tĩnh cũng mang ý nghĩa then chốt.

 
Nhìn chung tỷ lệ đạo ôn cổ bông trên lúa lúc này chưa nhiều. Ảnh: Việt Khánh.

Nhìn chung tỷ lệ đạo ôn cổ bông trên lúa lúc này chưa nhiều. Ảnh: Việt Khánh.

Xuất phát từ đỏi hỏi thực tế, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN-PTNT thời gian qua chính quyền địa phương và các bên liên quan đã phối hợp kịp thời, chặt chẽ thông qua việc ban hành nhiều văn bản sát sườn, có tính định hướng cao.

“Muốn thực hiện hiệu quả nhất thiết cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, qua đó để người dân chủ động hơn trong công tác phòng chống, nhất là trong bối cảnh thời tiết bất thuận như lúc này”, Giám đốc Trung tâm BVTV Khu 4, Cục Bảo vệ Thực vật, ông Nguyễn Tuấn Lộc nhấn mạnh.

Qua tìm hiểu được biết, thông thường thời gian từ khi bào tử nảy mầm, xâm nhiễm vào cổ bông đến lúc biểu hiện rõ thường kéo dài trong vài ngày ngắn ngủi, tùy theo nhiệt độ, độ ẩm có thể tăng hoặc giảm.

Các chuyên gia khuyến cáo, đạo ôn cổ bông là bệnh chỉ có thể “phòng” chứ không thể “trừ”. Khi bệnh biểu hiện ra ngoài dẫn đến khô cổ bông, bạc trắng bông, lúc này bệnh đã ở giai đoạn mãn tính, đồng nghĩa với việc vô phương cứu chữa.

Dù vậy nhà nông tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Ảnh: Việt Khánh.

Dù vậy nhà nông tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Hồ Văn Nh. trú ở xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) chia sẻ kinh nghiệm: “Rút ra bài học xương máu từ những vụ trước đó, vừa qua khi thấy dấu hiệu dịch bệnh gia đình đã liên hệ ngay với cán bộ chuyên trách, sau khi được tư vấn đã chủ động phun trừ kịp thời. Nhà nông quanh năm chân lấm tay bùn, tất bật sớm tối chỉ trông chờ vào hạt gạo từ ruộng đồng, mình không chăm lo biết lấy gì mà ăn”.

Để giảm thiểu thấp nhất mức độ thiệt hại do bệnh đạo ôn cổ bông có thể gây nên, Trung tâm BVTV Khu 4 đề nghị Chi cục Trồng trọt – BVTV các tỉnh quyết liệt chỉ đạo các Trạm trồng trọt – BVTV, các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tích cực khâu nối với các đơn vị liên quan nhằm tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân vùng các trà lúa. Đồng thời theo dõi sát diễn biến thời tiết để kịp thời bố trí phương án phun, phòng.

Đặc biệt, đối với những khoảnh ruộng tiến hành gieo, cấy các bộ giống có thiên hướng nhiễm cao như Thiên ưu 8, TBR 225, Xi 23, BC 15, Q5, Bắc thơm 7, HC 95, P6, AC5… hay những điểm đã bị nhiễm nặng đạo ôn lá thì cán bộ chuyên trách phải hướng dẫn chi tiết, kỹ càng để bà con triển khai đúng phương pháp, đúng liều lượng.

“Năm nay lúa trổ sớm so với lịch thời vụ khoảng 7 – 10 ngày, điều này càng góp phần phát sinh dịch bệnh đạo ôn hại lúa. Diễn biến nhìn chung tăng hơn so với cùng kỳ nhưng chênh lệch không quá nhiều, tình hình cơ bản trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên đạo ôn cổ bông là đối tượng gây hại rất nguy hiểm, nhất thiết các địa phương không được phép chủ quan, lơ là”, ông Nguyễn Tuấn Lộc, Giám đốc Trung tâm BVTV Khu 4.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.