Trao đổi với Báo NNVN, ông Trịnh Thạch Lam, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt – BVTV) cho biết: “Từ đầu vụ đến nay số ngày nắng quá ít, tiết trời thường âm u đã tạo điều kiện cho đạo ôn phát triển. Dù vậy lúa Xuân đã bước sang làm đòng, bông cứng nên đạo ôn lá cơ bản không còn nguy hiểm, thay vào đó các địa phương cần chủ động phương án, tập trung để phòng chống đạo ôn cổ bông”.
Theo số liệu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nghệ An, tính đến 30/3 tổng diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá trên địa bàn hơn 1.867 ha, trong đó trên 180 ha nhiễm nặng và 20 ha “cháy lá”.
Qua rà soát, đa phần diện tích kể trên chủ yếu xuất hiện tại các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, TP Vinh... đến nay các địa phương đã tổ chức phòng trừ được trên 1.171 ha, tình hình nhìn chung trong tầm kiểm soát.
Dự kiến những ngày tới đạo ôn lá vẫn tiếp đà phát sinh gây hại một phần trên những trà lúa gieo cấy muộn đang ở thời kỳ đẻ nhánh đến đứng cái.
Nguy hại hơn nhiều, đạo ôn cổ bông khả năng sẽ tác động nặng trên những trà lúa trỗ khi gặp mưa dài ngày, kết hợp ẩm độ không khí cao.
Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, cần đặc biệt lưu tâm những vùng có điều kiện tự nhiên đặc thù (mưa nhiều, ẩm độ không khí cao, sương mù kéo dài…) hoặc với những giống lúa có truyền thống nhiễm “đạo ôn” như Xi23, P6, TBR225, VT- NA6, AC5, BC15, Nếp 352, BTE1, Thiên ưu 8, Hương ưu 98… nếu không muốn ngậm trái đắng.
Với việc có trên 910 ha lúa nhiễm đạo ôn, chiếm ½ diện tích chung toàn tỉnh, huyện Hưng Nguyên đang là “ổ dịch” lớn nhất trên địa bàn.
Đi sâu vào vấn đề, ông Lê Viết Hùng, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt - BVTV huyện chia sẻ: “Năm nay đạo ôn phát sinh muộn hơn so với thường kỳ, nhìn chung dịch xuất hiện cục bộ chứ không theo hơi hướng đại trà.
Lúc này trà lúa muộn nhất trên địa bàn cũng đã bước vào giai đoạn làm đòng, dịch bệnh dù có gây hại nhưng không nặng như thời kỳ đẻ nhánh.
Ở Hưng Nguyên có một số xã nằm ngoài đê, bao gồm Châu Nhân và Hưng Lợi, phụ thuộc vào con nước nên bà con thường xuống giống sớm hơn mặt bằng chung.
Ngoài ra nơi đây còn có nghề nuôi rươi truyền thống, thành thử quá trình canh tác người dân đều chủ động không dùng phân bón cũng như thuốc BVTV để giữ môi trường phù hợp”.
Về phía hộ trồng, ông Phan Đăng Hà, trú ở xóm Trung Thượng (xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên) bộc bạch: “Năm nay lúa đẹp nhưng thời tiết không thuận, đó là cơ sở giúp dịch bệnh có cơ hội phát sinh. Gia đình tôi cấy 7 sào lúa thì 2 sao nhiễm đạo ôn, chủ yếu trên giống lúa AC5. Đến lúc này đạo ôn lá cơ bản đã được khống chế, tới đây khi lúa trổ từ 5 – 10% chúng tôi sẽ tiến hành phun trừ đạo ôn cổ bông”.
Để chủ động trong công tác phòng trừ toàn tỉnh, Chi cục Trồng trọt - BVTV Nghệ An khuyến cáo: Trên những diện tích đã xuất hiện cổ bông lá cần dừng bón thúc đạm, giữ nước trên ruộng và tiến hành phòng trừ ngay bằng các loại thuốc đặc hiệu như Tricyclazole, Propiconazole, Fenoxanil,… theo khuyến cáo.
Riêng với đạo ôn cổ bông phải tập trung bám sát cơ sở, phân vùng, phân trà xác định chính xác diện tích và thời gian trỗ của các trà lúa.
Những diện tích lúa trỗ dễ có nguy cơ cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng, phải chỉ đạo nông dân phun phòng kịp thời bằng các loại thuốc có hoạt chất như Tricyclazole, Fenoxanil, Trifloxystrobin + Tebuconazole... theo nguyên tắc 4 đúng.
Thời điểm phun tốt nhất là khi lúa bắt đầu trổ, sau đó phun tiếp lần 2 khi lúa đã trổ hoàn toàn nếu thời tiết thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh. Khi phun cần đảm bảo liều lượng tối thiểu 24 lít/sào.