| Hotline: 0983.970.780

Không lùi mà tổ chức thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt

Thứ Hai 03/08/2020 , 21:02 (GMT+7)

Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được thực hiện đúng theo kế hoạch và có đợt 2 dành cho các địa phương và thí sinh liên quan Covid-19.

Thí sinh tha gia thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2019. Ảnh: Tùng Đinh.

Thí sinh tha gia thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2019. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong họp báo Chính phủ thường kỳ tối 3/8, Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, cho đến thời điểm này, quá trình kiểm tra cho thấy các địa phương đã sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020.

"Sau khi dịch Covid-19 có thêm các diễn biến phức tạp, Bộ GD-ĐT đã đề xuất và thống nhất ý kiến tổ chức thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt. Thành phố Đà Nẵng và một số địa phương của tỉnh Quảng Nam đang tổ chức cách ly xã hội sẽ được tổ chức lùi thời gian thi vào thời điểm thích hợp do địa phương đánh giá và đề xuất", ông Độ cho biết.

Trong khi đó, các địa phương còn lại sẽ thực hiện thi tốt nghiệp THPT theo kế hoạch từ 8-10/8 nhưng đặc biệt phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế như phun thuốc diệt khuẩn, dùng nước rửa tay, đeo khẩu trang hay ngồi giãn cách.

Về các nhóm thí sinh, Thứ trưởng GD-ĐT cho biết bộ đề xuất phương án sẽ chia thành các nhóm đối tượng, trong đó thí sinh F0 sẽ được xem xét đặc cách tốt nghiệp, các thí sinh F1, F2 sẽ được bố trí thi vào đợt 2, cùng với thí sinh ở các địa phương đang giãn cách xã hội nói trên.

Do tổ chức thành 2 đợt, việc xét tuyển đại học sẽ được Bộ GD-ĐT gửi công văn, chỉ đạo các trường đại học, các cơ sở giáo dục tạo điều kiện thuận lợi, có phương thức tuyển sinh phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho cả thí sinh thi đợt 1 và đợt 2.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nghiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng cần xem xét kỹ thêm về việc xét đặc cách cho các thí sinh thuộc diện F0 vì điều này sẽ ảnh hướng đến quyền lợi của các em khi xét tuyển đại học vì nhiều trường đại học chỉ xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu an toàn khi tổ chức thi tốt nghiệp THPT

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020 sáng 3/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tổ chức chu đáo, khoa học, không để sơ suất xảy ra và giao Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo quyết định kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Sau khi nghe đề xuất các thí sinh ở những địa phương có cách ly xã hội hay thuộc diện F1, F2 thì Bộ sẽ có phương án tổ chức thi sau của Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Thủ tướng nêu rõ, đây là vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT thực hiện đúng Luật Giáo dục, kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định và giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức tốt. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về nội dung.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, các bộ liên quan bảo đảm an toàn về sức khỏe cho học sinh, phụ huynh và giáo viên. Thời gian thi và các vấn đề có liên quan khác, có phương án cụ thể, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trong từng địa phương trên tinh thần bảo đảm an toàn cho học sinh và phụ huynh, cho giáo viên là vấn đề đặt ra gắt gao, Thủ tướng nêu rõ.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, ngành GD-ĐT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ trong công tác thông tin tuyên truyền để nhân dân yên tâm về việc tổ chức chu đáo, khoa học, không để sơ suất xảy ra.

Không lùi mà tổ chức thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt. Ảnh: Tùng Đinh.

Không lùi mà tổ chức thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt. Ảnh: Tùng Đinh.

Phương án riêng cho thí sinh liên quan Covid-19

Trong phiên họp Chính phủ ngày 3/8, Bộ GD-ĐT đề xuất phương án thi riêng dành cho các thí sinh có liên quan đến vấn đề phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo Bộ trưởng, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cơ bản hoàn tất.

Trước đó, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp với ban chỉ đạo kỳ thi ở các địa phương để rà soát lần cuối và xem xét tình hình dịch bệnh để lựa chọn phương án. Phần lớn địa phương thể hiện quyết tâm, sẵn sàng cho kỳ thi. Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế chuẩn bị kỹ các điều kiện để tổ chức kỳ thi an toàn.

Bộ đề xuất, với tình hình như hiện nay, các thí sinh ở những địa phương có cách ly xã hội hay thuộc diện F1, F2 thì Bộ sẽ có phương án tổ chức thi sau, bảo đảm quyền lợi cho học sinh và chỉ đạo các trường đại học có phương án tuyển sinh phù hợp.

Các địa phương không trong diện cách ly xã hội và cam kết bảo đảm điều kiện an toàn thì tổ chức kỳ thi theo kế hoạch.

Trước đó, vấn đề này cũng đã được đưa ra thảo luận trong phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch ngày 2/8. Cụ thể, về tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong tình hình có dịch, Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường đảm bảo vệ sinh dịch tễ tại các cơ sở thi. Phân loại thí sinh theo 4 nhóm. Kết quả ra soát đến thời điểm này cho thấy, không có thí sinh nào thuộc diện F0, số thí sinh thuộc diện F1, F2 rất ít (chủ yếu ở Đà Nẵng),…

Với tình hình hiện tại, căn cứ vào đề xuất của địa phương và mong muốn của thí sinh… Bộ dự kiến phương án, đối với những địa phương đang có dịch, phải thực hiện giãn cách xã hội, Bộ đề xuất cấp thẩm quyền cho phép có thể lùi thời gian thi (thi vào đợt sau), phù hợp với diễn biến dịch bệnh.

Các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là thực hiện theo lộ trình đổi mới giáo dục của nghị quyết của Trung ương và Chính phủ. Việc tổ chức thi là sự kiện tập trung đông người, vì vậy, tại những địa phương thực hiện giãn cách xã hội, không cho phép tập trung đông người thì Bộ GD-ĐT sẽ trình phương án trên nguyên tắc đảm bảo tuyệt đối an toàn, quyền lợi cho các thí sinh.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn nêu ý kiến phải tách bạch giữa việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và công tác chống dịch. Không chỉ vì dịch bệnh đang diễn ra chủ yếu ở Đà Nẵng, Quảng Nam mà tạm dừng tổ chức kỳ thi trên cả nước.

Các chuyên gia giáo dục và thành viên Ban Chỉ đạo nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, công bằng. Dù có dịch hay không có dịch thì vẫn phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp. Bởi đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của thí sinh (được đánh giá chất lượng, đảm bảo bình đẳng, công bằng xã hội...).

Do vậy, căn cứ vào tình hình dịch, đến sát ngày thi đối với địa phương không được tụ tập đông người, có nguy cơ cao (hiện nay là Đà Nẵng, Quảng Nam) có thể tạm hoãn và tổ chức thi vào đợt sau, còn các địa phương khác vẫn phải thực hiện tốt nghiệp bình thường.

Về tuyển sinh đại học đối với các thí sinh ở vùng dịch, các trường cần có phương án xét tuyển cụ thể, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của các em.

Trước ý kiến cho rằng, các thí sinh thi vào đợt sau được lợi là có thời gian ôn thi nhiều hơn, các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng cần coi đây là sự nhân ái của xã hội để chia sẻ với các thí sinh không may mắn ở trong vùng dịch.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.