Người tiêu dùng một phen xôn xao khi dư luận phanh phui nhiều loại rau củ không rõ nguồn gốc được dán nhãn VietGAP để bày bán trong các hệ thống siêu thị lớn. Với tư cách Bộ trưởng Bộ NN-PTNN, ông Lê Minh Hoan khẳng định: “Đây không phải trách nhiệm của riêng ai. Tôi cũng không vô can trong chuyện này”.
Cụ thể hơn, ông Lê Minh Hoan chia sẻ: “Bộ NN-PTNN đã xây dựng kế hoạch để tiến tới chuẩn hóa thị trường trong nước thông qua hiệp hội ngành hàng, siêu thị, hệ thống phân phối vì cầu thế nào cung thế đó, cầu dễ dãi thì cung dễ dãi”.
Thái độ thẳng thắn và cầu thị của người đứng đầu Bộ NN-PTNN ít nhiều giúp cộng đồng tin tưởng không quá khó để có thị trường rau an toàn. Cách đây không lâu, một nữ ca sĩ nổi tiếng từng gây tranh cãi ồn ào khi cho rằng muốn giá rẻ thì đừng đòi hỏi thực phẩm sạch. Bởi lẽ, cô ấy tự trồng rau và thấy giá rất đắt, cho nên nghiệm ra nếu giá rẻ thì nhân công sẽ phải là mạt hạng và người nông dân không thể làm tốt được.
Hiện nay, phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ đang được ưa chuộng. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông sản sạch lại chủ yếu xuất bán sang Nhật, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc... Vì sao như vậy? Vì liên kết chuỗi trong cung ứng nông sản đang bị thao túng. Nói cách khác, những nhà phân phối đang làm chủ cuộc chơi, nhưng chính họ cũng không giám sát được chất lượng nông sản từ đại lý thu mua.
Thị trường chấp nhận tính cạnh tranh, nhưng thị trường không thể thả nổi các sản phẩm gian dối và độc hại. Nhiều địa phương đã thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm nhưng các cuộc kiểm tra định kỳ ở các chợ đầu mối vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn. Có một thực tế là mặt hàng rau củ quả Đà Lạt đang phải đối diện với sức ép rất lớn từ mặt hàng rau củ quả xuất xứ Trung Quốc. Đó là một ẩn số cần có đáp án rõ ràng.
Nguyên nhân nào để rau củ quả xuất xứ Trung Quốc có mẫu mã tươi ngon và giá rẻ? Nếu sự vượt trội kia nhờ tiến bộ công nghệ sinh học thì các nhà khoa học và các viện nghiên cứu nước ta nên có hành động thiết thực để hỗ trợ nông dân cải thiện năng lực trồng trọt và thu hoạch. Ngược lại, nếu rau củ quả xuất xứ Trung Quốc có tồn tại bất cập thì tại sao những sản phẩm bên kia biên giới vẫn qua được các chốt kiểm định để đổ bộ vào thị trường Việt Nam tạo nên nhiều hệ lụy cho cả người bán lẫn người mua?
Ngoài khu vực Tây Nguyên thì khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn đủ diện tích để kiến thiết vùng nguyên liệu rau an toàn đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng Việt Nam. Bước tiếp theo là củng cố quy trình từ nông trại đến bàn ăn, triệt tiêu mọi hành vi khuất tất và mọi thủ đoạn xảo trá ảnh hưởng đến thị giá trị rau an toàn, như cách ông Lê Minh Hoan quan niệm “liên kết, hợp tác, thị trường là ba thành tố của chương trình nông nghiệp trong tương lai”.